Chặng đường 30 năm trong tiến trình phát triển ĐH Huế thành ĐH quốc gia

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chặng đường 30 năm tái thành lập và tiến trình phát triển ĐH Huế thành ĐH Quốc gia gặt hái được nhiều thành công tốt đẹp.

Đội ngũ nhân lực chất lượng cao tại ĐH Huế giai đoạn hiện tại, một trong những tiền đề hội đủ lên ĐH Quốc gia. (Ảnh: A.H)
Đội ngũ nhân lực chất lượng cao tại ĐH Huế giai đoạn hiện tại, một trong những tiền đề hội đủ lên ĐH Quốc gia. (Ảnh: A.H)

Chặng đường 67 năm phát triển

Đại học (ĐH) Huế, tiền thân là Viện ĐH Huế, thành lập vào tháng 3/1957 và được tổ chức lại vào năm 1994 theo Nghị định số 30/CP của Chính phủ. Đây là 1 trong 3 đại học vùng trong cả nước, là cơ sở giáo dục đại học công lập bao gồm các cơ sở giáo dục đại học, viện thành viên, các đơn vị thuộc, trực thuộc, tổ chức theo hai cấp, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực các trình độ của giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học (NCKH), chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng, miền và cả nước.

Trải qua 67 năm xây dựng và phát triển, vượt qua nhiều khó khăn thử thách, ĐH Huế đã phấn đấu không ngừng, phát triển về mọi mặt, trở thành một cơ sở giáo dục đại học uy tín, một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của miền Trung và cả nước.

Thực hiện thành công chiến lược phát triển, ĐH Huế sẽ là mô hình đại học thông minh và đổi mới sáng tạo, là một trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới, làm nòng cốt cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập thế giới.

Những thành tựu nổi bật sau 30 năm tái thành lập

Về cơ cấu tổ chức, năm 1994, khi mới tái thành lập, ĐH Huế có các trường: Đại cương, Khoa học, Sư phạm, Nông Lâm, Y khoa và Nghệ thuật.

Đến nay đã phát triển thêm các Trường ĐH: Kinh tế, Ngoại ngữ, Luật, Viện Công nghệ sinh học, Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị, Trường Du Lịch, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, Khoa Quốc tế và Khoa Giáo dục thể chất; Viện Đào tạo mở và Công nghệ thông tin, Viện Khảo thí và Bảo đảm chất lượng giáo dục, Viện Chuyển đổi số và Học liệu, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội, Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh, Trung tâm Phục vụ sinh viên, Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo, Nhà xuất bản, Tạp chí Khoa học.

Về đội ngũ cán bộ, năm 1994, ĐH Huế có 1.592 công chức, viên chức và lao động, trong đó có 27 giáo sư, phó giáo sư; 74 tiến sĩ, 79 thạc sĩ.

Hiện nay, đã có 3.647 viên chức và lao động, trong đó có 214 giáo sư, phó giáo sư, 799 tiến sĩ, 1.526 thạc sĩ, 38 giáo sư danh dự người nước ngoài. So với năm 1994, số lượng đội ngũ trình độ cao của ĐH Huế tăng hơn 10 lần.

Về hoạt động đào tạo, năm 1996 có 60 ngành đào tạo ĐH, 30 chuyên ngành đào tạo cao học, quy mô đào tạo 19.655 sinh viên, học viên. Đến năm 2023, ĐH Huế có 149 ngành đào tạo ĐH, 108 ngành đào tạo thạc sĩ và 55 ngành đào tạo tiến sĩ; 63 chuyên ngành đào tạo bác sĩ chuyên khoa I và II; 12 ngành đào tạo bác sĩ nội trú.

Qua 67 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt là 30 năm tái thành lập theo Nghị định 30/CP của Chính phủ, ĐH Huế đã đào tạo và cấp bằng cho khoảng 320.265 bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, cử nhân; gần 24.230 thạc sĩ và 678 tiến sĩ.

Nhiều cựu sinh viên và học viên của ĐH Huế thành đạt trên nhiều lĩnh vực, hiện nắm giữ các vị trí quan trọng cho sự phát triển chung của khu vực, tăng uy tín và niềm tự hào của ĐH Huế, trong đó có một số người giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp cao của các Bộ, Ban, ngành Trung ương và đứng đầu tổ chức Đảng, chính quyền địa phương các cấp.

Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tham dự Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ĐH Huế, Sở GD&ĐT, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức vào tháng 3/2023.

Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tham dự Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ĐH Huế, Sở GD&ĐT, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức vào tháng 3/2023.

Ngoài ra, ĐH Huế còn là đơn vị tiên phong thực hiện tái cấu trúc ngành nghề đào tạo; đổi mới căn bản và toàn diện chương trình đào tạo; chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo; Tiên phong trong hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của sinh viên và chuyển đổi số trong các hoạt động đào tạo và đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong đào tạo.

Về hoạt động khoa học và công nghệ, từ năm 1994 đến nay, ĐH Huế đã chủ trì thực hiện hơn 310 đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Nhà nước, bao gồm các dự án sản xuất thử nghiệm, đề tài độc lập, nhiệm vụ Nghị định thư, nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản; gần 1.100 đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ, cấp tỉnh.

Số lượng công bố khoa học của cán bộ giảng viên ĐH Huế trên các ấn phẩm khoa học quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI (hay WoS) và danh mục Scopus tăng nhanh và đều trong 8 năm qua (2015-2023). Liên tiếp trong 5 năm (2018-2022), ĐH Huế đứng thứ hai trong các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ GD&ĐT về số lượng công bố thuộc danh mục ISI được Bộ khen thưởng...

Số lượng công bố khoa học của cán bộ giảng viên ĐH Huế tăng nhanh và đều trong 8 năm qua trên các ấn phẩm khoa học quốc tế uy tín thuộc danh mục WoS và Scopus.
Số lượng công bố khoa học của cán bộ giảng viên ĐH Huế tăng nhanh và đều trong 8 năm qua trên các ấn phẩm khoa học quốc tế uy tín thuộc danh mục WoS và Scopus.

Bắt đầu từ năm 2018, ĐH Huế chủ trương thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh. Đã có 80 nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu tiêu biểu được thành lập và công nhận, hỗ trợ kinh phí và điều kiện để thúc đẩy công bố quốc tế, đào tạo nghiên cứu sinh và phát triển các chương trình, dự án chuyên ngành và liên ngành.

Thứ hạng ĐH Huế trên các bảng xếp hạng thế giới có sự chuyển biến mạnh mẽ. Với xếp hạng QS Asia, ĐH Huế liên tục có mặt trong top các trường đại học Châu Á. Năm 2019, ĐH Huế là một trong những ĐH Việt Nam được THE (Time Higher Education) khuyến nghị sinh viên nước ngoài nên theo học...

Trong giai đoạn 2016 - 2023, ĐH Huế có 26 sản phẩm khoa học và công nghệ được chuyển giao cho các địa phương, doanh nghiệp; 5 sản phẩm được thương mại hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, hiện đang có 295 sản phẩm công nghệ, trong đó 75 sản phẩm có tiềm năng thương mại hóa cao; có 27 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ; trong đó 17 đã được cấp bằng/giấy chứng nhận.

Từ năm 2014 đến nay, ĐH Huế đã thực hiện nhiều đề tài nhằm phục vụ cho yêu cầu đổi mới giáo dục; nhiều đề tài đã được ứng dụng vào thực tiễn, mang lại giá trị kinh tế - xã hội các cho các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước, tạo ra hiệu ứng lan tỏa trong xã hội.

Ghi nhận những đóng góp của ĐH Huế trong hoạt động khoa học và công nghệ, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước đã tặng thưởng cho các nhà khoa học thuộc ĐH Huế nhiều giải thưởng danh giá, tiêu biểu như: Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2022 đã được trao tặng cho nhóm tác giả GS.TS Cao Ngọc Thành với Cụm công trình "Tối ưu hóa công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ ở vùng có nguồn lực hạn chế: từ nghiên cứu đến triển khai ứng dụng"; Giải thưởng Kovalevskaia năm 2017 dành cho PGS.TS Đinh Thị Bích Lân - Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, năm 2023 trao cho GS.TS. Hoàng Thị Thái Hòa, Trường ĐH Nông Lâm; đã có 3 nhà khoa học nữ của ĐH Huế vinh dự nhận giải thưởng L’Oreal – UNESCO.

Nhóm tác giả GS.TS Cao Ngọc Thành (thứ 4 từ phải qua) nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh 2022.

Nhóm tác giả GS.TS Cao Ngọc Thành (thứ 4 từ phải qua) nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh 2022.

Năm 2023, GS.TS Nguyễn Vũ Quốc Huy - Hiệu trưởng Trường ĐH Y - Dược được trao tặng Huân chương Công trạng Quốc gia của Nhà nước Pháp vì những đóng góp to lớn cho cộng đồng Y khoa Pháp ngữ; TS Trần Quang Hóa - Phó Trưởng khoa Toán học (Trường ĐH Sư phạm) vinh dự được nhận giải thưởng của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp về “Nỗ lực cho hợp tác song phương trong khoa học giữa Pháp với các nước ASEAN”;… cùng với hàng trăm giải thưởng trong và ngoài nước khác.

Giải thưởng Kovalevskaia năm 2023 trao cho GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa, Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế (thứ 3 từ trái qua).

Giải thưởng Kovalevskaia năm 2023 trao cho GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa, Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế (thứ 3 từ trái qua).

Về hợp tác quốc tế, hiện nay, ĐH Huế đã thiết lập quan hệ hợp tác với hơn 400 trường ĐH, viện nghiên cứu và tổ chức khoa học giáo dục của hơn 30 quốc gia trên thế giới; thực hiện 21 chương trình liên kết đào tạo đại học, sau đại học với các đại học nước ngoài.

ĐH Huế cũng đã phong tặng danh hiệu giáo sư danh dự cho 38 giáo sư nước ngoài; giai đoạn 2015 - 2023, đơn vị đã cử 2.788 cán bộ đi học tập (ngắn hạn, dài hạn) và công tác tại các trường, tổ chức, cơ quan hàn lâm quốc tế; tiếp nhận một số lượng lớn chuyên gia, giảng viên nước ngoài đến giảng dạy, nghiên cứu, tham dự hội nghị,...

Ngoài ra, ĐH Huế cũng là thành viên chính thức của 17 mạng lưới ĐH, tổ chức đào tạo và nghiên cứu quốc tế; tham gia hầu hết các mạng lưới viện nghiên cứu và trường ĐH trong nước theo các ngành nghề đa dạng; có mối quan hệ với nhiều tổ chức tài trợ quốc tế như Ngân hàng thế giới, Ngân hàng châu Á, Ford Foundation, East meets West (Hoa Kỳ),...

Về tài chính, ĐH Huế đã huy động được nguồn lực tài chính tương đối lớn đáp ứng nhu cầu cho hoạt động đào tạo, NCKH, phát triển hệ thống cơ sở vật chất khang trang và hiện đại góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu của cán bộ và sinh viên.

Nguồn tài chính có sự tăng trưởng qua các năm với tốc độ tăng trung bình từ 12-15%/năm. Tiên phong trong việc thực hiện tự chủ tài chính (có 4/8 trường thành viên tự chủ tài chính mức 1 và mức 2 từ năm 2022).

Điều đó chứng tỏ năng lực tài chính ĐH Huế ngày càng được nâng cao, đã đa dạng hóa và tích cực khai thác tốt các nguồn thu trên cơ sở chức năng nhiệm vụ và nguồn lực hiện có trong điều kiện ngân sách Nhà nước cấp ngày càng giảm.

Về cơ sở vật chất, những năm qua các dự án đầu tư bằng nhiều nguồn vốn đã bổ sung thêm cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy, NCKH và chuyển giao công nghệ cho ĐH Huế, trong đó có các dự án trọng điểm với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng.

Những kết quả đó là kết hợp của nhiều yếu tố thuận lợi. Được xây dựng trên vùng đất cố đô Huế, trung tâm vùng miền Trung kết nối Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, một vùng đất có bề dày lịch sử, văn hoá, truyền thống hiếu học, với mô hình đại học vùng, Đại học Huế có điều kiện quản lý tập trung các nguồn lực, sử dụng chung đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị để xây dựng một đại học đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao. Tổ chức bộ máy quản lý Đại học Huế và các đơn vị thành viên; đơn vị thuộc và trực thuộc gọn nhẹ, năng động.

Công tác xây dựng đội ngũ, tuyển dụng, sử dụng và thực hiện các chính sách đối với cán bộ viên chức được thực hiện thống nhất, đảm bảo chất lượng đội ngũ. Đại học Huế chủ động trong các hoạt động đào tạo, mở mã ngành, tăng quy mô đào tạo theo nhu cầu xã hội. Tập trung các nguồn lực và đội ngũ các nhà khoa học để thực hiện các đề tài, các chương trình nghiên cứu khoa học quy mô lớn, giải quyết các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội trong khu vực và cả nước. Mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế.

Việc phát triển ĐH Huế thành ĐH Quốc gia theo Nghị Quyết 54 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 83 của Chính phủ là kim chỉ nam cho sự phát triển của Đại học Huế để thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước; hướng đến một hệ thống đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, tiên phong, trọng điểm của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và xếp hàng đầu châu Á, nhóm 500 thế giới vào năm 2045.

ĐH Huế từng được Đảng và Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Ba, năm 1998; Huân chương Độc lập hạng Nhì, năm 2002; Huân chương Độc lập hạng Nhất, năm 2012.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bác sĩ Nghĩa đọc tên của từng đồng đội đã hy sinh trong khoảng năm 1961 đến 30/4/1975.

Chuyện của người chiến sĩ quân y

GD&TĐ - Kể về những ngày tháng chiến đấu giữa làn đạn bom ác liệt, đôi mắt của người chiến sĩ quân y ánh lên niềm xúc động xen lẫn tự hào.