Năm 1798, vắc xin đậu mùa đầu tiên được tìm ra, kể từ đó, hàng trăm loại vắc xin đã được phát triển trên toàn thế giới. Trong hơn 200 năm qua, vắc xin đã bảo vệ nhân loại chống lại hơn 20 căn bệnh nguy hiểm đe dọa đến tính mạng, giúp ngăn chặn từ 2 đến 3 triệu ca tử vong mỗi năm.
Lợi ích của tiêm chủng đang ngày càng mở rộng đến thanh thiếu niên và người lớn, bảo vệ con người chống lại những bệnh nguy hiểm như cúm, viêm màng não và các loại ung thư (như ung thư cổ tử cung và ung thư gan), thường xuất hiện ở tuổi trưởng thành.
Cùng với việc phòng chống dịch bệnh, vắc xin cũng giúp hạn chế sự lan rộng của tình trạng kháng thuốc kháng sinh, bởi lẽ khi được tiêm vắc xin, người được tiêm sẽ giảm được nguy cơ nhiễm bệnh, do đó giảm nhu cầu sử dụng thuốc kháng sinh, điều này góp phần hạn chế tình trạng kháng thuốc kháng sinh.
Đặc biệt, trong hơn ba năm qua, khi cả thế giới đối mặt với đại dịch toàn cầu Covid-19, chúng ta càng nhận thấy được tầm quan trọng của vắc xin. Bằng chứng là sau khi các chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 được thực hiện rộng rãi ở các quốc gia, tỷ lệ bệnh nặng và tử vong đã giảm đáng kể.
Mặc dù vậy, cũng chính do 3 năm phòng chống Covid-19 vừa qua, rất nhiều trẻ em đã không được tiêm ngừa vắc xin đầy đủ và đúng lịch. Điều này dẫn đến nguy cơ rất lớn bùng phát trở lại các dịch bệnh, nhất là khi gần đây dịch bệnh truyền nhiễm có những diễn biến phức tạp.
Không những vậy, những thông tin sai lệch vẫn đang lan truyền nhanh chóng xung quanh chủ đề tiêm chủng càng làm tăng thêm mối đe dọa này.
Nhiều trẻ bỏ lỡ các mũi tiêm cơ bản trong đại dịch Covid-19 (ảnh minh họa). |
Báo cáo mới đây nhất của UNICEF cho thấy, 67 triệu trẻ em trên toàn cầu, trong đó có gần 250.000 trẻ em Việt Nam, bị bỏ lỡ một hoặc nhiều liều vắc xin trong hơn 3 năm dịch Covid-19 do các dịch vụ tiêm chủng bị gián đoạn vì hệ thống y tế quá tải, nguồn lực khan hiếm và bị phân tán, tình trạng xung đột và dễ bị tổn thương, và sự sụt giảm niềm tin của người dân vào tiêm chủng.
Bà Lesley Miller, Phó Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết, khi đại dịch bùng phát, hoạt động tiêm chủng cho trẻ em bị gián đoạn ở hầu hết các quốc gia, kể cả ở Việt Nam.
“Đặc biệt, do nhu cầu tăng cao đối với hệ thống y tế, điều chuyển nguồn lực tiêm chủng thường xuyên sang tiêm chủng chiến dịch vắc xin Covid-19, sự thiếu hụt nhân viên y tế và thực hiện các biện pháp cách ly tại nhà. Một nguyên nhân nữa là sự chậm trễ trong công tác mua sắm cung ứng vắc xin hiện nay.
UNICEF rất quan ngại về khả năng bùng phát các dịch bệnh đáng ra có thể phòng ngừa bằng tiêm chủng, đặc biệt là bệnh sởi. Điều này cho thấy sự cần thiết phải hành động một cách nhanh chóng, cấp thiết để kịp thời tiêm phòng cho những trẻ em chưa được tiêm chủng đầy đủ và ngăn chặn sự bùng phát của các dịch bệnh có thể gây chết người”.
Theo bà Lesley Miller, Phó Đại diện UNICEF tại Việt Nam, kinh nghiệm của Việt Nam trong việc triển khai thành công chiến dịch tiêm chủng toàn dân lớn nhất chống lại dịch bệnh Covid-19 đã tạo một nền tảng tốt để Việt Nam có thể giải quyết nhanh chóng tình trạng chậm cung ứng vắc xin hiện nay và nhanh chóng tiêm bổ sung cho những em chưa được tiêm chủng.
"Tiêm chủng thường xuyên và hệ thống y tế vững mạnh là những cách thức tốt nhất để ngăn chặn những mất mát và tử vong không nên có, cũng như phòng ngừa các đại dịch trong tương lai", bà Lesley Miller nói.
“Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới” được tổ chức hàng năm vào tuần cuối cùng của tháng 4, nhằm thúc đẩy việc sử dụng vắc xin để bảo vệ mọi người ở mọi lứa tuổi chống lại bệnh tật. Tiêm chủng giúp cứu sống hàng triệu người mỗi năm và được công nhận là một trong những can thiệp y tế thành công nhất trên thế giới.
Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới 2023 có chủ đề “The Big Catch Up – Bắt kịp” được tổ chức với mong muốn hỗ trợ các quốc gia quay trở lại đúng hướng nhằm đảm bảo nhiều người hơn được bảo vệ khỏi các bệnh có thể phòng ngừa được. Chúng ta cần hành động ngay để bù đắp cho hàng triệu trẻ em đã bỏ lỡ cơ hội tiêm vaccine trong đại dịch Covid-19, khôi phục tỷ lệ tiêm chủng thiết yếu ít nhất bằng mức của năm 2019 và tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu để cung cấp dịch vụ tiêm chủng.