Nguy cơ cao khi không tiêm chủng

GD&TĐ - Ngay cả trẻ em hay người lớn khỏe mạnh cũng có thể gặp các biến chứng nghiêm trọng do bệnh thủy đậu.

Vắc-xin thuỷ đậu giúp ngăn nguy cơ mắc bệnh nặng.
Vắc-xin thuỷ đậu giúp ngăn nguy cơ mắc bệnh nặng.

Đặc biệt, bệnh có thể diễn biến nặng hơn ở những người bị suy giảm miễn dịch, trẻ em dưới 1 tuổi, phụ nữ có thai, thanh thiếu niên và người lớn.

Những thông tin sai lệch

Tháng 11/2018, có ít nhất 30 học sinh tại một trường tư thục ở North Carolina (Mỹ) đã được ghi nhận mắc bệnh thủy đậu. Thời điểm đó, các quan chức y tế nhận định, đây là đợt bùng phát đậu mùa lớn nhất trong bang, kể từ khi vắc-xin phòng bệnh này được cung cấp cách đây hơn hai thập kỷ.

Cụ thể, các học sinh này đều trong độ tuổi từ 4 đến 11, theo học tại Trường Asheville Waldorf ở Asheville, N.C., cách Charlotte khoảng 120 dặm (193 km) về phía Tây. Tiến sĩ Jennifer Mullendore - Giám đốc Y tế của dịch vụ Buncombe County Health & Human Services, cho biết, nhiều trẻ bắt đầu mắc bệnh thuỷ đậu vào giữa tháng 9.

Trường Asheville Waldorf có 152 trẻ em, từ độ tuổi mẫu giáo đến lớp Sáu. Đây là một trong những trường có tỷ lệ miễn trừ tiêm chủng cao nhất của tiểu bang. “Quy mô của đợt bùng phát là do trường ghi nhận một số lượng lớn học sinh chưa được tiêm chủng. Do đó, rất có thể, bệnh thuỷ đậu sẽ tiếp tục lây lan trong trường. Đồng thời, bệnh cũng có nguy cơ lây lan cho cộng đồng xung quanh”, Tiến sĩ Mullendore nhận định vào thời điểm đó.

Trước bối cảnh này, bang North Carolina kêu gọi học sinh chủng ngừa bệnh thủy đậu. Tuy nhiên, người học có thể có ngoại lệ vì lý do y tế hoặc tôn giáo. Dữ liệu của tiểu bang cho thấy, trong năm học 2017 - 2018, khoảng 2/3 trong số 28 học sinh mẫu giáo tại Trường Asheville Waldorf được miễn tiêm chủng vì lý do tôn giáo.

Tiến sĩ Mullendore cho biết, những năm gần đây, các trường học trong khu vực đã ghi nhận những đợt bùng phát thủy đậu nhỏ hơn, với số lượng không quá 5 đến 11 trẻ. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh thuỷ đậu năm 2018 có phần khác.

Tiến sĩ Mullendore nói: “Có rất nhiều thông tin sai lệch về vắc-xin trên Internet và mạng xã hội. Những thông tin đó có thể khiến các phụ huynh cảm thấy khó hiểu và lo lắng. Chúng tôi khuyến khích phụ huynh trao đổi với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của trẻ.

Đồng thời, xem xét thông tin khoa học, chính xác về mặt y tế đối với những nguy cơ nghiêm trọng của các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin, so với rủi ro rất hiếm khi tiêm chủng”.

Trẻ cần tiêm 2 mũi vắc-xin

Bệnh đậu mùa từng rất phổ biến ở Mỹ. Vào đầu những năm 1990, trung bình, có 4 triệu người mắc bệnh thủy đậu. Trong đó, có 10.500 đến 13.000 người phải nhập viện và 100 - 150 trường hợp tử vong do thuỷ đậu mỗi năm. Vắc-xin phòng bệnh thủy đậu được phổ biến tại Mỹ vào năm 1995. Tại Mỹ, mỗi năm, hơn 3,5 triệu trường hợp mắc bệnh thủy đậu, 9.000 trường hợp nhập viện và 100 ca tử vong được ngăn ngừa bằng cách tiêm phòng bệnh thủy đậu.

Bệnh thủy đậu do virus varicella-zoster gây ra. Bệnh rất dễ lây và dẫn đến phát ban dạng nước, ngứa, mệt mỏi và sốt. Bệnh thường có biểu hiện nhẹ, nhưng đôi khi có thể gây ra các biến chứng như nhiễm trùng da do vi khuẩn, nhiễm trùng máu, viêm phổi, nhiễm trùng não, thậm chí dẫn đến tử vong.

“Điều quan trọng là phải hiểu rằng, ngay cả trẻ em hay người lớn khỏe mạnh cũng có thể phát triển các biến chứng nghiêm trọng do bệnh thủy đậu”, Tiến sĩ Mullendore cảnh báo.

Đặc biệt, bệnh có thể diễn biến nặng hơn ở những người bị suy giảm miễn dịch, trẻ em dưới 1 tuổi, phụ nữ có thai, thanh thiếu niên và người lớn. Trong khi hầu hết các phụ huynh ở Mỹ đảm bảo con họ được tiêm các loại vắc-xin theo khuyến nghị, thì Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh nước này đã chứng kiến sự gia tăng số lượng trẻ em dưới 2 tuổi không được tiêm bất kỳ loại vắc-xin nào.

Bà Kate Fowlie – phát ngôn viên của CDC cho biết, có khoảng 100 nghìn người không được bảo vệ bởi vắc-xin. Tuy nhiên, đó không nhất thiết là do sự lựa chọn của phụ huynh. Thực tế, một số phụ huynh có thể không đủ khả năng tài chính để cho trẻ tiêm vắc-xin, hoặc không sẵn sàng tiếp cận với bác sĩ.

CDC khuyến cáo, trẻ em cần được tiêm hai liều vắc-xin phòng thủy đậu. Mũi thứ nhất tiêm cho trẻ từ 12 đến 15 tháng tuổi. Mũi thứ hai dành cho trẻ từ 4 đến 6 tuổi. Những người chưa bao giờ tiêm vắc-xin vẫn có thể chủng ngừa sau khi tiếp xúc với virus gây bệnh thuỷ đậu.

Các đợt bùng phát thủy đậu đã giảm đáng kể kể từ năm 1995, khi vắc-xin chủng ngừa bệnh có sẵn. Vắc-xin đã được chứng minh là có hiệu quả khoảng 90% trong việc ngăn chặn virus gây thuỷ đậu. Theo Liên minh Hành động Tiêm chủng, tất cả 50 tiểu bang tại Mỹ đều có luật yêu cầu tiêm chủng tại trường học.

Tuy nhiên, ở 45 tiểu bang và Washington, D.C., những trẻ em có phụ huynh phản đối vì lý do tôn giáo được miễn tiêm vắc-xin. “Một số người nghĩ rằng, khả năng miễn dịch tự nhiên có được khi mắc bệnh sẽ tốt hoặc an toàn hơn so với thông qua chủng ngừa. Tuy nhiên, người bệnh có nguy cơ diễn biến nghiêm trọng. Trái lại, tình trạng đó thường không xảy ra khi mọi người chủng ngừa”, Tiến sĩ Mullendore nói.

Theo CDC, mọi người không nên chủng ngừa bệnh thủy đậu nếu từng bị phản ứng dị ứng đe dọa tính mạng với vắc-xin này trước đó, hoặc bất kỳ thành phần nào của vắc-xin, bao gồm gelatin hoặc kháng sinh neomycin.

Trong khi đó, những người bị bệnh ở mức độ trung bình hoặc nặng vào thời điểm tiêm chủng nên đợi cho đến khi khỏi bệnh trước khi tiêm vắc-xin. Phụ nữ có thai không nên chủng ngừa bệnh thủy đậu. Nhóm này được khuyến cáo tiêm vắc-xin sau khi sinh. Phụ nữ không nên mang thai trong vòng 1 tháng sau khi chủng ngừa bệnh thủy đậu.

Mọi người đồng thời được khuyến cáo trao đổi với bác sĩ về việc có nên chủng ngừa bệnh thủy đậu hay không, nếu bị HIV / AIDS hoặc một bệnh khác ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch.

Bên cạnh đó, người đang được điều trị bằng các loại thuốc ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như steroid, trong 2 tuần hoặc lâu hơn cũng không nên tiêm vắc-xin thuỷ đậu. Nhóm được khuyên không nên chủng ngừa cũng bao gồm: Người mắc ung thư, đang điều trị ung thư bằng hoá trị hoặc thuốc, hoặc vừa được truyền máu.

Theo NY Times; CDC

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ