Tăng cường phối hợp về tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh

GD&TĐ - Chiều 23/11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị trực tuyến về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh và tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh (phải) và Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đồng chủ trì hội nghị.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh (phải) và Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đồng chủ trì hội nghị.

Đồng chủ trì tại điểm cầu Bộ Y tế là TS Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế. Cùng dự còn có đại diện một số Cục, Vụ liên quan của hai Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 63 tỉnh/thành trên cả nước.

Chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh

Lãnh đạo hai Bộ: Y tế - GD&ĐT luôn phối hợp chặt chẽ trong công tác tiêm chủng vắc xin cho trẻ em, học sinh, sinh viên.
Lãnh đạo hai Bộ: Y tế - GD&ĐT luôn phối hợp chặt chẽ trong công tác tiêm chủng vắc xin cho trẻ em, học sinh, sinh viên.

TS Nguyễn Công Luật - Phó Trưởng Phòng tiêm chủng quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, tính đến nay, việc tiêm mũi 4 vắc xin phòng Covid-19 cho người từ đủ 18 tuổi trở lên đạt hơn 16,8 triệu mũi, tương đương tỉ lệ 85,3%; đối tượng từ 12 đến dưới 18 tuổi được tiêm mũi 3 là hơn 23,6 triệu mũi.

Riêng nhóm từ 5 đến dưới 12 tuổi đã tiêm tổng số 17,2 triệu mũi, trong đó tiêm mũi 1 là khoảng 10 triệu mũi (đạt 90%); riêng tiêm mũi 2 là 7,2 triệu mũi (đạt 65,8%). Toàn quốc có 20/63 tỉnh thành có tỉ lệ tiêm chủng vắc xin đạt từ 80% trở lên. Đề nghị các tỉnh thành khẩn trương tiếp nhận số vắc xin được phân bổ. Đối với nhóm từ 5 đến dưới 12 tuổi, cần đẩy mạnh tiêm chủng cho trẻ, nhất là tiêm trả mũi 2.

Cũng tại hội nghị, GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã nêu tóm tắt về tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch trên cả nước trong thời gian qua. Ngoài dịch bệnh Covid-19 thì bệnh Sốt xuất huyết trong thời gian qua đang có những diễn biến phức tạp.

GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị.

GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị.

Trong năm 2022, thế giới ghi nhận số ca mắc Sốt xuất huyết tăng cao hơn so với năm 2021, nhất là tại Châu Mỹ và một số nước Châu Á. Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hơn 314 nghìn ca mắc, trong đó có 115 ca tử vong. So với năm ngoái, số ca mắc trong nước đã tăng tới 4 lần. Khu vực Miền Bắc và Miền Trung đang ghi nhận số ca mắc cao, trong khi số ca mắc ở Miền Nam đang có xu hướng giảm.

Ông Lân cũng nhấn mạnh, cần đẩy mạnh việc tiêm vắc xin đã được phân bổ để đảm bảo an toàn, hiệu quả và khoa học. Việc tiêm cho trẻ em, học sinh từ 5 đến dưới 18 tuổi có chỉ định tiêm vắc xin phòng Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất...

Cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ

Ông Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ GD&ĐT nêu ý kiến tại hội nghị.

Ông Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ GD&ĐT nêu ý kiến tại hội nghị.

Ông Nguyễn Nho Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất cho biết, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp hoàn thành kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em, học sinh sinh viên.

Hiện nay, Vụ Giáo dục thể chất đã tổng hợp số liệu của 42 tỉnh thành với tỉ lệ cha mẹ đồng ý tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em dưới 5 tuổi là 38,19%, số không đồng ý là 61,81%. Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT luôn phối hợp chặt chẽ với Cục Y tế dự phòng của Bộ Y tế về tăng cường công tác phối hợp tiêm chủng vắc xin cho trẻ em, học sinh, sinh viên.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền ở một số trường tại các địa phương vẫn còn hạn chế, chưa đầy đủ. Tài liệu tuyên truyền cũng như sự hiểu biết chuyên sâu của giáo viên về vai trò, tác dụng của việc tiêm chủng cho trẻ em, học sinh vẫn còn hạn chế. Do đó, đòi hỏi sự hỗ trợ từ các chuyên gia y tế của Trung ương cũng như địa phương.

Số liệu từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về công tác phân bổ vắc xin phòng Covid-19 thời gian qua.

Số liệu từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về công tác phân bổ vắc xin phòng Covid-19 thời gian qua.

Chỉ tiêu hết tháng 12 phải hoàn thành tiêm mũi 3 cho 12 đến dưới 18 tuổi ít nhất 80%. Ngành Y tế cần có sự kịp thời trong phân bổ vắc xin, nhất là các địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu mà tốc độ tiêm chủng còn thấp. Ngành Y tế các địa phương cần đồng hành với ngành giáo dục để các trường có đủ thông tin nhằm truyền thông tới phụ huynh học sinh.

Theo ông Nguyễn Nho Huy, cơ quan y tế các địa phương cần tổ chức rà soát danh sách học sinh chưa đạt tỉ lệ tiêm chủng và cung cấp biểu mẫu kịp thời cho các trường học. Nơi nào chưa đạt tỉ lệ cần rà soát, đánh giá kỹ nguyên nhân để tìm giải pháp nhằm phù hợp tháo gỡ khó khăn.

Theo đại diện Sở Y tế Đắk Lắk, khó khăn của địa phương này là khi tiêm cho đối tượng từ 12 đến dưới 18 tuổi, do đặc điểm vùng Tây Nguyên, nhất là các huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số, phụ huynh phải đi lên nương rẫy nên không có phụ huynh đưa con đi tiêm phòng. Sau khi nhận vắc xin, các huyện/xã vùng sâu vùng xa đã tiêm vào buổi tối. Công tác phòng chống dịch Sốt xuất huyết, bệnh Whitmore cũng được địa phương này chú trọng.

Khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới

TS Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam.
TS Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam.

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam - TS Angela Pratt nhấn mạnh, Việt Nam vẫn đang là nước có tỉ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19 lớn hàng đầu thế giới. Đây là một điển hình cho nhiều quốc gia học tập. Thực tế, dù tỉ lệ trẻ em mắc Covid-19 diễn tiến nặng là thấp nhưng cũng không được phép chủ quan. Tuy nhiên, trẻ vẫn có thể bị nhiễm virus và truyền cho các thành viên trong gia đình. Khi trẻ mắc Covid-19, việc quan sát các biểu hiện "hậu Covid" cũng được chú ý.

Hiệu lực của các loại vắc xin trong danh sách được sử dụng khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới với trẻ em. Tính an toàn của vắc xin Covid-19 với trẻ em, hiện có một bộ phận phụ huynh vẫn lo ngại về vấn đề này. Các loại vắc xin phòng Covid-19 đã được WHO công nhận đủ an toàn và hiệu quả với trẻ em và trẻ vị thành niên. Lợi ích của việc tiêm vắc xin trong giảm tỉ lệ tăng nặng, tử vong đã được khẳng định. Nhờ tiêm chủng vắc xin đầy đủ đã giảm tình trạng gián đoạn việc trẻ em đến trường.

Với trẻ em hay người trẻ nếu bị bệnh sẽ nhẹ hơn so với người trên 18 tuổi, do đó việc tiêm vắc xin sẽ có tác dụng nhiều hơn so với các đối tượng ưu tiên khác. Ngoài ra, trẻ em cần tiếp tục được tiêm đầy đủ các loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có phòng bệnh Sởi vì có nguy cơ lây lan rất cao.

"Việt Nam cần tiếp cận các mũi tăng cường cho các nhóm đối tượng ưu tiên. Trẻ em từ 5 đến 11 tuổi cần hoàn thành các mũi cơ bản. Cần cung cấp các liều vắc xin cơ bản trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, nhất là các cháu bị lỡ các mũi tiêm trong thời gian diễn ra đại dịch vừa qua. Khi đảm bảo hoàn thành 3 ưu tiên trên, chúng ta sẽ tính đến việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi, tùy vào tình hình cụ thể" - TS Angela Pratt chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đã ghi nhận sự nỗ lực của ngành Giáo dục các địa phương trong công tác phối hợp với ngành Y tế để triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19. Thực tế vẫn còn một bộ phận phụ huynh chưa đồng thuận về chủ trương tiêm chủng. Cần nhấn mạnh tới vai trò của UBND cấp huyện là rất lớn. Vì các trường từ Mầm non, Tiểu học đến THCS đều thuộc phân cấp quản lý thuộc cấp huyện. Huyện cần chỉ đạo để các tổ chức đoàn thể phải vào cuộc, nhất là các gia đình chưa có sự nhận thức đầy đủ chứ không thể phó mặc cho giáo viên, nhà trường. Đây đang là giai đoạn cao điểm nên cần thực hiện sớm, tránh tái bùng phát dịch trở lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink.

Truyện ngắn: Nốt nhạc đầu tiên

GD&TĐ - Thời gian này lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường...