Tích hợp môn Lịch sử: Học sinh học được và giáo viên dạy được!

Nếu môn Lịch sử được tách riêng thì đội ngũ giáo viên sẽ cần chuẩn bị gì để đáp ứng công việc không hề đơn giản này? Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã có những giải đáp trong chương trình Vấn đề hôm nay, phát sóng ngày 16/11.

Tích hợp môn Lịch sử: Học sinh học được và giáo viên dạy được!

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Khi thiết kế chương trình, Bộ GD&ĐT đã cân nhắc phải phù hợp với đội ngũ giáo viên hiện nay. Đội ngũ giáo viên hiện nay có thể thực hiện được nhiệm vụ này.

Cụ thể là Bộ GD&ĐT đã giảng dạy thí điểm trong môi trường trường học mới những môn học tích hợp và việc dạy học sinh lớp 6 và lớp 7 đều thành công.

Bộ còn tổ chức các cuộc thi giáo viên dạy học những môn tích hợp với quy mô cả nước. Những cuộc thi này đã thu hút được nhiều giáo viên và đạt kết quả tốt, trong đó có nhiều giáo viên đã thiết kế được chuyên đề tích hợp.

Các cuộc thi này được phát động trên cả nước và có hơn 300 giáo viên Lịch sử tham gia, 30 giải thưởng đã được trao. Đối với cấp THCS, chúng ta đã dạy trên khắp cả nước, mỗi tỉnh đều có trường dạy bộ môn tích hợp.

Những người chưa làm thì thấy khó nhưng nếu làm rồi, có thể là lúc đầu cũng có chút bỡ ngỡ, chưa quen nhưng chỉ một thời gian ngắn là quen, dạy tốt học tốt".

***

Hội thảo “Môn lịch sử trong giáo dục phổ thông” do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam vừa được tổ chức ngày 15/11 tại Hà Nội. Khác với việc thường đứng về phía phản biện thì nhiều cơ quan báo chí tham gia cuộc hội thảo này nhận định đây là cuộc hội thảo "kì lạ".

Bởi theo cách gọi của báo chí thì đây đã trở thành cuộc áp đặt một chiều với quan điểm rằng lịch sử phải là môn học cơ bản, bắt buộc và đứng độc lập.

Dường như các nhà nghiên cứu lịch sử đang cố gắng bảo vệ quan điểm của mình, có nghĩa là Lịch sử phải là một môn học độc lập và bắt buộc đối với tất cả học sinh mà chưa đi vào bản chất: Làm thế nào để các em hứng thú hơn với môn Lịch sử?

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhận định:

Tại cuộc hội thảo, tôi có ý kiến rằng các chuyên gia nên bàn ít về môn lịch sử quan trọng thế nào mà quan trọng là làm thế nào cho học sinh thích học, có kết quả tốt. Lúc bấy giờ mới xứng đáng với tầm quan trọng của giáo dục lịch sử.

Chúng ta có môn Lịch sử, đã dạy môn Lịch sử như hiện nay. Nhưng các nhà sử học vẫn muốn giữ môn lịch sử như hiện nay thì sẽ rất khó đổi mới.

Kiến thức chia vào các môn, một môn thì có nhiều kiến thức, kiến thức trong một lĩnh vực thì cũng được chia vào từng môn khác nhau. Lúc bấy giờ những kiến thức liên quan với nhau sẽ được sắp đặt gần nhau, có sự hỗ trợ, soi sáng lẫn nhau.

Việc giải quyết vấn đề sẽ liên quan đến nhiều kiến thức khác nhau, nó sẽ trở nên dễ dàng đối với giáo viên, với học sinh. Và như vậy việc dạy học trở nên tự nhiên hơn và sẽ có kết quả hơn.

Việc này không phải chỉ riêng Việt Nam làm mà cả thế giới cũng đang làm như vậy. UNESCO khuyến cáo các nước phải tăng cường dạy học tích hợp theo hình thức này để học sinh vận dụng kiến thức thật tốt, nghĩa là phát triển được phẩm chất và năng lực của các em.

Khi để riêng môn Lịch sử thì các nhà viết sử sẽ viết môn Lịch sử rất chặt chẽ về mặt hình thức. Nhưng chính sự chặt chẽ về hình thức cho nên sẽ có nhiều kiến thức hàn lâm, xa rời cuộc sống. Lúc bấy giờ việc dạy học lịch sử sẽ trở nên nặng nề.

Môn nào cũng muốn như vậy, một kiến thức liên quan đến nhiều bộ môn thì sẽ bị lặp lại kiến thức ở môn này môn khác. Như vậy học sinh sẽ chán học hơn, mất nhiều thời gian hơn mà hiệu quả tác động qua lại kiến thức giữa các lĩnh vực khác nhau thì nó không được hỗ trợ.

Ví dụ khi học về các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thì phải có những yếu tố về địa lý, về lịch sử, yếu tố về văn hóa, có thể còn có những yếu tố về sinh học, tài nguyên môi trường... 

Lúc bấy giờ dạy một chủ thể, dạy một vấn đề mới có hiệu quả. Nếu tách riêng từng môn thì sẽ không có sự tác động qua lại giữa các kiến thức đó.

Quan trọng là học sinh phải yêu thích môn học và có hứng thú với môn học đấy.

Những người phản đối việc tích hợp môn lịch sử có lý do của họ và đang quyết tâm bảo vệ quan điểm ấy. Những giáo viên dạy lịch sử phản đối thì cũng chưa hẳn bởi điều đó không đúng mà có thể vì tích hợp lịch sử với môn học khác là thách thức mới mà không phải giáo viên nào cũng có khả năng vượt qua. 

Theo VTV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ