Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tỷ lệ dân số có trình độ đại học ở Phần Lan đã tăng nhẹ nhưng không tiến bộ như các nước công nghiệp phát triển khác.
Cụ thể, trong số 38 quốc gia thành viên của OECD, tỷ lệ người từ 25 - 34 tuổi có trình độ đại học tăng từ 27 lên 48% trong hai thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này. Tuy nhiên, tại Phần Lan, tỷ trọng của nhóm tuổi có trình độ đại học chỉ tăng nhẹ từ 39% lên 40%. Kết quả, vị trí của Phần Lan đã tụt dốc so với các quốc gia công nghiệp phát triển khác.
Vào đầu thiên niên kỷ, Phần Lan là một trong những quốc gia có tỷ lệ thanh niên có trình độ học vấn cao nhất OECD, ngang với Hoa Kỳ và Hàn Quốc. Tuy nhiên, năm 2021, con số đã giảm rõ rệt, xuống dưới mức trung bình của OECD khiến Phần Lan hiện ngang với Chile và Thổ Nhĩ Kỳ.
Từ báo cáo trên, Tổng Thư ký OECD, Mathias Cormann, nhận định việc sở hữu bằng đại học mang lại cho những người trẻ tuổi lợi thế thị trường việc làm mạnh mẽ.
Năm 2011, tỷ lệ thất nghiệp trung bình đối với người có trình độ đại học trong OECD là 4%, so với 6% ở những người chỉ hoàn thành chương trình THPT và 11% ở những người có trình độ học vấn thấp hơn.
Ông Mathias bày tỏ: “Tăng trình độ học vấn là cơ hội duy nhất để thúc đẩy tiến bộ kinh tế và xã hội ở các nước trong nhóm của chúng ta”.