Thủy sản xuất khẩu đạt 2,02 tỷ USD

Thủy sản xuất khẩu đạt 2,02 tỷ USD
(GD&TĐ) - Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu thuỷ sản trong 6 tháng đầu năm 2010 đạt 2,02 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2009.
Trong đó, tổng khối lượng xuất khẩu của cá các loại đạt gần 449 nghìn tấn, đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD, tăng 18,9% về lượng và 16,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2009. Cá tra, basa chiếm ưu thế về số lượng xuất khẩu đạt hơn 304 nghìn tấn, trị giá đạt 653 triệu USD. Kế đến là cá ngừ đạt hơn 41 nghìn tấn, trị giá hơn 155 triệu USD; cá khô: 17,2 nghìn tấn, trị giá là 36,2 triệu USD, cá loại khác: 86,2 nghìn tấn, trị giá gần 229 triệu USD. 
Sơ chế tôm xuất khẩu. Ảnh, internet
Sơ chế tôm xuất khẩu. Ảnh, internet
Tôm các loại: khối lượng xuất khẩu đạt 87,2 nghìn tấn với trị giá hơn 718 triệu USD. Trong đó, lượng xuất khẩu tôm sú đạt 48,7 nghìn tấn, trị giá đạt 467 triệu USD, tôm chân trắng đạt 22,5 nghìn tấn, trị giá hơn 144 triệu USD; tôm loại khác đạt gần 16 nghìn tấn với trị giá là 107 triệu USD.
Mực và bạch tuộc: khối lượng xuất khẩu 41,7 nghìn tấn, đạt kim ngạch là 173,4 triệu USD.
Thuỷ sản loại khác: khối lượng xuất khẩu đạt gần 20,2 nghìn tấn với trị giá đạt 82,6 triệu USD.
Về thị trường xuất khẩu: Tuy hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới nhưng tính đến hết tháng 6/2010, EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ vẫn là 3 thị trường nhập khẩu thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam. Cụ thể, 6 tháng qua thủy sản xuất khẩu sang thị trường EU đạt 515 triệu USD, xuất khẩu sang Nhật Bản: đạt 373 triệu USD, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt gần 339 triệu USD.
Thủy sản xuất khẩu là mặt hàng luôn có đòi hỏi cao về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm mà một trong các quy trình điều chỉnh tiêu chuẩn chất lượng là HACCP. Tuy trình độ năng lực quản lý của Việt Nam đã được cải thiện trong những năm gần đây nhưng so với những yêu cầu nghiêm ngặt của thị trường quốc tế vẫn còn khoảng cách khá xa. 
Doanh nghiệp Việt Nam không thể ngay một lúc đầu tư đồng loạt các phòng thí nghiệm để kiểm soát nguyên liệu xuất khẩu đầu vào và sản phẩm đầu ra mà phải ưu tiên đầu tư trọng tâm, trọng điểm. Song song với việc tái cấu trúc quy trình chế biến sản phẩm theo các tiêu chuẩn tiên tiến như ISO, HACCP… Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam còn phải luôn sẵn sàng việc minh bạch giấy tờ và các chứng từ đầu vào để giải trình khi có đoàn kiểm tra của các nước yêu cầu.
Công nghiệp chế biến thủy sản đang trở thành ngành hàng xuất khẩu có sức cạnh tranh cao của Việt Nam. Hàng thủy sản Việt Nam đang từng bước khẳng định thương hiệu của mình trên thị trường quốc tế. Nhưng để ngành thủy sản thực sự trở thành ngành công nghiệp hàng đầu, góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho đất nước, đòi hỏi sự nỗ lực và đầu tư hơn nữa của mọi cấp, mọi ngành từ trung ương đến địa phương phải cùng đồng tâm hiệp lực. Mong muốn đưa thủy sản Việt Nam trở thành món ăn quen thuộc không thể thiếu của các quốc gia trên thế giới sẽ trở thành hiện thực cùng với quá trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào thị trường kinh tế toàn cầu.
Giang Đông

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ