Thưởng Tết cho giáo viên vùng khó: Trăn trở và trắc ẩn

GD&TĐ - Thưởng Tết là khái niệm xa xỉ với giáo viên vùng khó. Câu chuyện tuy không mới nhưng lại dấy lên vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về với không ít vui, buồn.

Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT huyện Nậm Pồ (Điện Biên) tổ chức vui Xuân, đón Tết cho giáo viên và học sinh năm 2020. Ảnh: NVCC
Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT huyện Nậm Pồ (Điện Biên) tổ chức vui Xuân, đón Tết cho giáo viên và học sinh năm 2020. Ảnh: NVCC

Ngoài những hỗ trợ của tổ chức xã hội, rất cần sự quan tâm chăm lo của các cấp chính quyền địa phương, nhằm động viên khích lệ giáo viên trong những ngày này.

Chưa bao giờ biết đến…

20 năm dạy học ở vùng khó, cô Nguyễn Thị Huyền – giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Bảo Lạc (Cao Bằng) chưa bao giờ biết đến thưởng Tết là gì. Với cô và nhiều đồng nghiệp khác, lương tháng 13 hay thưởng Tết là điều xa xỉ. Có chăng, Công đoàn ngành Giáo dục địa phương có chút quà Tết cho giáo viên thuộc diện khó khăn.

Cô Huyền cho biết: Hai năm trước, nhà trường còn tổ chức Tết sum vầy cho giáo viên, học sinh. Trong ngày hội, có một số phần quà của công đoàn các cấp và đơn vị kết nghĩa, nhà tài trợ... Nhưng chủ yếu là dành tặng cho học sinh, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, từ 2020 đến nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên Tết sum vầy không thể tổ chức. Cũng do ảnh hưởng của đại dịch nên các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm gặp nhiều khó khăn trong việc tặng quà hỗ trợ cho thầy – trò vùng khó.

Dành cả thanh xuân để “gieo chữ” trên non, cô Mùa Thị Chứ - giáo viên Trường Tiểu học Pi Toong (Mường La, Sơn La) thấu hiểu, chuyện thưởng Tết là điều xa xỉ nên giáo viên vùng khó chẳng dám mơ ước nhiều. Gần 20 năm ở vùng cao, cô và các đồng nghiệp chưa một lần được thưởng Tết hay lương tháng 13 như một số ngành nghề khác.

“Nhiều khi cũng chạnh lòng nhưng tôi và đồng nghiệp đều hiểu, đó là đặc thù nghề nghiệp nên không thấy buồn phiền. Chúng tôi vẫn tự nhủ: Dù khó khăn đến mấy cũng phải vượt qua, quyết tâm bám trường, bám lớp” – cô Chứ bộc bạch.

Cô Đặng Thị Liên – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Tả Nhìu (Xín Mần, Hà Giang) – trải lòng, khái niệm thưởng Tết không có trong suy nghĩ của giáo viên vùng cao. Là trường công lập, nên việc cấp ngân sách chi tiêu đều có kế hoạch rõ ràng nên rất khó để vận dụng chi thưởng Tết cho cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Tuy nhiên, dù khó khăn về tài chính, nhưng hằng năm, công đoàn trường vẫn tiết kiệm chi tiêu, vận dụng các khoản để có chút quà nhỏ động viên anh em trong ngày Tết. “Dù nhỏ nhưng đó là sự cố gắng rất lớn của Ban giám hiệu, tập thể Công đoàn nhà trường và thường mang ý nghĩa động viên tinh thần là chính”, cô Liên bày tỏ.

Cô Nguyễn Thị Huyền cùng học trò. Ảnh: NVCC
Cô Nguyễn Thị Huyền cùng học trò. Ảnh: NVCC

Để không còn là khái niệm xa xỉ

Thầy Nguyễn Văn Tập - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT huyện Nậm Pồ (Điện Biên) - cho hay: Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, câu chuyện tiền lương, thưởng Tết luôn là điều trăn trở với nhiều giáo viên vùng khó.

Trong khi các ngành, nghề khác, người lao động hân hoan với các khoản tiền thưởng cuối năm thì với ngành Giáo dục, nhất là hệ thống trường công lập, trường vùng khó gần như không có khái niệm thưởng Tết. “Muốn tiết kiệm để thưởng Tết cho anh em nhưng cũng không có gì để tiết kiệm, bởi ngân sách được duyệt chi cho từng hạng mục theo quy định”, thầy Tập chia sẻ.

Theo thầy Tập, hầu như các trường đều thực hiện tiết kiệm chi từ nguồn công đoàn phí và tăng gia sản xuất trong năm học, để cuối năm có thêm tiền thưởng nhằm động viên tinh thần các thầy, cô giáo là chính. Theo đó, mỗi năm công đoàn cố gắng lắm mới có phần quà trị giá từ 300 - 500 nghìn đồng/người.

“So với các ngành nghề khác, giáo viên có nhiều thiệt thòi. Vì thế, rất mong các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện và bằng cách nào đó dành một khoản kinh phí để động viên thầy, cô giáo trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc”, thầy Tập đề xuất.

Chuyện thưởng Tết cho giáo viên nói chung và với giáo viên vùng khó nói riêng tuy không mới nhưng lại là điều trăn trở và trắc ẩn mỗi dịp Tết Nguyên đán. Thực tế cho thấy, hầu hết giáo viên có mức thưởng Tết rất eo hẹp, trừ một số ít trường ở vùng có điều kiện thuận lợi. Thậm chí, có những nhà trường, giáo viên được thưởng Tết từ 50 - 100 nghìn đồng/người. Điều này, phụ thuộc nhiều vào nguồn thu của nhà trường cũng như chính quyền địa phương.

Lý giải điều này, theo ông Đặng Hữu Dương – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bạch Thông (Bắc Kạn), ngân sách cho giáo dục còn khó khăn; trong đó có khoản chi hành chính. Tuy nhiên, các nhà trường sử dụng khoản này để chi cho nhiều hoạt động, từ chăm lo lễ Tết, cho đến những ngày 20/11, 20/10… Nói là chi, nhưng rất hạn hẹp. Đây cũng là một trong những lý do khiến các trường gặp khó khăn trong chuyện thưởng Tết, thậm chí nhiều trường còn không có.

Theo bà Nguyễn Minh Thu Thủy - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục tỉnh Bà Rịa -  Vũng Tàu, để có thêm tháng lương thứ 13 là khó vì không có quy định trong Luật Lao động. Hơn nữa, trường học là đơn vị sử dụng ngân sách nên càng không khả thi để thực thi nguyện vọng, đề xuất này. Nhưng cũng cần nhìn nhận rằng, thưởng Tết ở đây không có nghĩa là vật chất to lớn, lương tháng thứ 13, mà là động viên để các thầy, cô giáo có thêm động lực tận tâm, tận hiến cho sự nghiệp “trồng người”.

Đồng quan điểm, ông Võ Quốc Thoại – Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Hậu Giang - cho rằng: Mong muốn có chế độ cố định cho thầy cô dịp Tết là điều chính đáng, nhưng điều này khó khả thi vì phụ thuộc rất nhiều vào địa phương. Theo phân cấp quản lý Nhà nước về giáo dục, đội ngũ giáo viên do địa phương phụ trách. Do đó, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế địa phương, nếu có thể thì cấp ủy, chính quyền quan tâm, dành một khoản vào dịp Tết để động viên các thầy cô.

Ai cũng biết, hoạt động giáo dục có tính chất đặc thù riêng, nhất là với thầy cô công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn rất khó để có thu nhập thêm ngoài lương. Vì vậy, nên chăng ngân sách Nhà nước, đặc biệt là ngân sách địa phương cần tính đến khoản chi thưởng Tết cho giáo viên để động viên thầy cô. Thực hiện được điều này sẽ rất tốt và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

“Không lương tháng 13, không có tiền thưởng Tết, nhiều giáo viên vùng khó vẫn tự động viên với nhau: Nhiều tiền thì ăn Tết to, ít tiền thì ăn Tết nhỏ, kiểu gì cũng có Tết. Khéo lo, khéo co chắc chắn sẽ có cái Tết ấm áp, tươi vui”. - Thầy Nguyễn Văn Tập

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ