Thương những lớp học bên triền sông Mã

GD&TĐ - Chuyện băng rừng lội suối vận động trẻ đến trường đã không còn là “nhiệm vụ bất khả thi” với những người “cõng chữ lên non” nơi vùng cao Quan Hóa (Thanh Hóa) nữa.

HS tiểu học ở khu lẻ bản Phé, xã Phú Xuân (Quan Hóa, Thanh Hóa).
HS tiểu học ở khu lẻ bản Phé, xã Phú Xuân (Quan Hóa, Thanh Hóa).

Nhưng khi nước lũ sầm sập đổ về, mưa rét bủa vây, giữa bốn bề vách nứa mái tranh vẫn vang lên tiếng trẻ học bài, lại là câu chuyện luôn khiến người nghe phải chạnh lòng.

Chênh vênh lớp học

Trận lũ lịch sử hồi tháng 8/2018 tràn qua, khiến cây cầu treo nối đôi bờ sông Mã thuộc xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) bị hư hỏng nặng. Mặt cầu lật nghiêng, võng xuống sông, dây văng bị đứt, một bên trụ cầu bị kéo gãy... Đến nay, cây cầu vẫn chưa được sửa chữa xong, nên mỗi lần muốn qua sông, bà con các bản Mí, Bá, Phé phải trông chờ vào xuồng máy.

“Mặc dù chính quyền địa phương đã đầu tư máy nổ, xuồng, áo phao để hạn chế nguy cơ tai nạn, nhưng người dân vẫn rất lo lắng khi hàng ngày phải đi thuyền qua sông. Những ngày nước sông dâng cao rất nguy hiểm, chưa kể nhiều hôm, xuồng chết máy giữa dòng nước xiết. Phải chèo chống mãi, xuồng mới quay lại được bến, chứ không thể nào sang tới bờ bên kia”, ông Hà Văn Tuấn, Trưởng bản Phé, xã Phú Xuân cho biết.

Điểm lẻ khu Phé, Trường Tiểu học Phú Xuân cách bến đò chừng hai trăm mét, nhưng xe máy phải cài số 1 mới có thể leo hết dốc. Đây là nơi sinh hoạt, học tập của gần 80 HS, là con em dân bản Mí, Bá, Phé. Nếu tính khoảng cách từ nhà ở cuối bản xa nhất (bản Mí) đến điểm trường, quãng đường đi học của trẻ cũng vài km. “Ngày nắng, đường từ bản Mí đến trường ngập bụi đất. Nhưng nếu gặp trời mưa, đường trơn trượt, chúng em cũng không thể đi bộ tới trường. Chưa kể, những hôm giá rét, ngồi trong lớp học mà như đang ở giữa trời đông, gió từ sông Mã thổi lên, lạnh thấu xương...”, em Hà Quỳnh Như (dân tộc Thái), học sinh lớp 5, điểm trường khu Phé chia sẻ.

Thầy Nguyễn Văn Sáu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Xuân không khỏi bùi ngùi: Trước đây, điểm trường khu Phé có 3 phòng học cấp bốn, thuộc Dự án Giáo dục Tiểu học, đưa vào sử dụng từ năm 2002 dành cho HS trong bản. Tuy nhiên, sau đó HS ở bản Mí, bản Bá cùng dồn về đây học. Số lượng HS tăng lên, trong khi 3 phòng học cũ đã xuống cấp khá trầm trọng. Tường nhà ngấm nước mưa, bong tróc từng mảng vữa, gạch lát nền nứt vỡ... Vì thế, năm 2019, bà con dân bản tự nguyện quyên góp nguyên vật liệu và ngày công để dựng thêm 2 phòng học bằng tranh tre lợp lá cọ cho HS lớp 4, 5. Mỗi ngày đến trường, 8 thầy cô đang thực hiện đúng nhiệm vụ “đứng lớp”, bởi nơi đây không có phòng sinh hoạt chuyên môn.

Cách điểm trường tiểu học khoảng 500m là điểm lẻ của Trường Mầm non Phú Xuân được mượn từ nhà văn hóa. 59 trẻ mầm non tại đây được chia thành 4 lớp, nhưng hiện điểm trường chỉ có 3 phòng học. Do đó, nhà trường tổ chức ghép 2 lớp mẫu giáo bé và mẫu giáo nhỡ học chung trong một phòng. Trải bao nắng mưa, nhà văn hóa của bản Phé trước đây được các cô giáo “ngăn mãi mới thành 3 phòng học”, nay đã xuống cấp trầm trọng.

Ngoài việc diện tích sử dụng không bảo đảm, số phòng học không đủ đáp ứng sĩ số HS hiện có, phòng học còn bị mối mọt đục khoét từ chân vách lên sát tận mái nhà. “Nếu trời mưa, không có giông gió, các cháu vẫn học bình thường. Nhưng nếu mưa giông, gió mạnh, các cô phải gửi trẻ sang trú nhờ những nhà dân ở xung quanh trường, chờ phụ huynh đến đón”, cô Lê Thị Dung - Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Xuân tâm sự.

Bộn bề khó khăn

Thương những lớp học bên triền sông Mã ảnh 1

Ba bản Mí, Bá, Phé có 1.179 nhân khẩu, chủ yếu sống bằng nghề nông - lâm nghiệp. Diện tích lúa nước, lúa nương không nhiều, năng suất thấp nên đời sống bà con gặp nhiều khó khăn. Ngoài làm nông, một số hộ gia đình trồng thêm luồng nhưng hiệu quả kinh tế cũng không cao. “Nếu như bên kia sông, 1 tạ luồng được thu mua với giá 80.000 đồng, bên này sông, luồng kéo ra đến bến đò chỉ có giá 50.000 đồng, bởi người mua phải chịu thêm phí vận chuyển qua sông”, bà Phạm Thị Tuyết - Chủ tịch UBND xã Phú Xuân cho biết.

Việc duy trì điểm lẻ khu Phé của Trường Tiểu học và Trường Mầm non Phú Xuân không chỉ là mong muốn từ phía nhà trường, mà đa số các bậc phụ huynh cũng có chung nguyện vọng. “Nếu cây cầu mới bắc qua sông Mã được xây dựng xong, đường sá đi lại dễ dàng hơn. Bà con dân bản vẫn mong được duy trì điểm trường hiện tại, vừa thuận tiện cho việc di chuyển của HS lớp lớn, và phụ huynh đưa đón con nhỏ cũng bớt phần khó khăn. Đường từ bản Mí tới điểm trường mới gần 5 cây số,  không phải gia đình nào cũng có điều kiện, phụ huynh nào cũng có thời gian đưa trẻ đến trường”, thầy Sáu cho biết thêm.

Còn theo cô Lê Thị Dung, không thể xóa, cũng không thể dồn các cháu nhỏ từ điểm lẻ khu Phé ra khu chính, bởi nơi đây tập trung HS mầm non của cả 3 bản bên sông, đường sá xa xôi, đi lại vất vả. Nhà trường cũng mong nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, sớm xây dựng lớp học kiên cố để phụ huynh yên tâm khi gửi con đến trường.

“Đa số phụ huynh cùng chung suy nghĩ, việc học bán trú thực sự cần thiết đối với trẻ mầm non, vừa bảo đảm sức khỏe cho con, vừa giải phóng thời gian cho cha mẹ. Phụ huynh chúng tôi cũng yên tâm đi làm từ sáng đến tối, không phải lo lắng chuyện đưa đón trẻ mỗi ngày 4 lượt như hiện nay”, anh Hà Văn Hạt, phụ huynh cháu Hà Mạnh Cường, lớp mẫu giáo lớn khu Phé tâm sự.

Theo bà Phạm Thị Tuyết - Chủ tịch UBND xã Phú Xuân: Việc trước tiên cần làm ở điểm lẻ khu Phé, Trường Tiểu học Phú Xuân là xây mới 2 phòng học để thay thế cho dãy nhà tranh tre nứa lá hiện nay. Tu sửa 3 phòng học cấp bốn đã xuống cấp nghiêm trọng và xây mới 1 nhà công vụ cho GV. Còn với điểm lẻ khu Phé của Trường Mầm non Phú Xuân, nếu được xây dựng 4 phòng học kiên cố, bảo đảm an toàn và đầu tư bếp ăn, nhà trường sẽ tổ chức ngay bữa ăn bán trú cho các cháu.

Cần sự chung tay  của cộng đồng

Nhà học Mầm non bản Phé đã xuống cấp trầm trọng. Ảnh: TG
Nhà học Mầm non bản Phé đã xuống cấp trầm trọng.   Ảnh: TG

Ông Trương Nho Tự - Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa chia sẻ: Do cây cầu cũ bắc qua sông Mã bị hư hỏng nặng, không thể khắc phục nên dự kiến, cầu treo mới sẽ được Thủy điện Hồi Xuân xây dựng tại bản Bá, cách vị trí cầu cũ khoảng 2km. Tuy nhiên, sau khi xây xong 2 đầu mố, do thiếu kinh phí, đơn vị thi công tạm ngừng hơn 3 năm nay. 
“Chúng tôi rất trăn trở với việc để bà con phải qua sông bằng xuồng máy mỗi ngày, các cháu đi học, thầy cô đi dạy vô cùng vất vả. Lãnh đạo huyện thống nhất chủ trương với xã Phú Xuân trong việc duy trì điểm trường Tiểu học và Mầm non khu Phé. Tuy nhiên, nguồn kinh phí để xây dựng 2 điểm trường này thực sự là vấn đề nan giải với chính quyền địa phương. Từ năm 2018 đến nay,  nhiều tổ chức nhân đạo, các nhà hảo tâm cử đoàn lên khảo sát điểm trường nhưng sau đó không phản hồi kết quả lại với địa phương” - ông Tự nói. 

Không chỉ riêng 2 điểm trường khu Phé cần được xây mới, mà nhiều điểm trường khác cũng cần phải nâng cấp, sửa chữa kịp thời. Bởi vậy, huyện Quan Hóa rất cần sự chung tay, vào cuộc của các cấp chính quyền cũng như các tổ chức từ thiện, nhà hảo tâm để trẻ em vùng cao sớm có được những lớp học kiên cố, giúp cô trò yên tâm giảng dạy, học tập.

Rời khu Phé trên chuyến đò ngang tròng trành, nhìn cây cầu treo oằn mình vắt ngang sông Mã, chúng tôi vẫn trọn một niềm tin: Trải qua muôn vàn gian khó, nhưng sự học chưa bao giờ ngưng trên mảnh đất nghèo. Nhưng để thầy, trò yên tâm dạy và học rất cần sự quan tâm kịp thời của các cấp chính quyền trong việc đầu tư, xây dựng phòng học kiên cố, đặc biệt là các điểm trường lẻ ở vùng cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ