Câu chuyện cảm động “cõng chữ” lên non của cô giáo miền xuôi

Phải xa con khi con chưa tròn 1 tuổi, ngày cha mất chị không kịp về, không ít lần suýt chết vì bị sốt rét và đi qua những cơn lũ… Vậy mà, 10 năm gắn đời mình với nghiệp “trồng người” trên non chị chưa bao giờ ân hận khi quyết định ở lại.

Hơn 10 năm “cõng chữ lên non” với những gian nan, vất vả và cả những hy sinh, cô giáo Trịnh Kim Quế vẫn chưa bao giờ ân hận con đường mình đã chọn
Hơn 10 năm “cõng chữ lên non” với những gian nan, vất vả và cả những hy sinh, cô giáo Trịnh Kim Quế vẫn chưa bao giờ ân hận con đường mình đã chọn

Tôi đã từng nghe đồng nghiệp kể về một cô giáo miền xuôi, sinh ra và lớn lên ngay mảnh đất thành phố Thanh Hóa nhưng đã 10 năm băng rừng, vượt núi, hy sinh một cách thầm lặng cả cuộc đời với nghiệp “trồng người” cho đồng bào H’Mông ở vùng xa xôi nhất của xứ Thanh - Mường Lát thế nhưng chỉ đến khi trực tiếp đi trên con đường mà 10 năm qua chị vất vả đi lại, trực tiếp nghe chị trải lòng tôi mới thật sự hiểu.

10 năm qua, chị Trịnh Kim Quế (giáo viên trường tiểu học Trung Lý II, xã Trung Lý, huyện Mường Lát- Thanh Hóa) đã lội gần như hết các bản xa xôi nhất của xã Mường Lý và Trung Lý để mang chữ đến với học trò vùng cao.

9 giờ sáng, cái giá lạnh của mùa đông cùng với sương mù khiến cho vùng cao vẫn còn như đang say ngủ. Chúng tôi vượt con đường hơn 25 km từ trung tâm huyện Mường Lát để vào bản Tà Cóm (xã Trung Lý)- nơi chị Quế đang ngày ngày dạy chữ cho học trò.

Con đường vắt quanh sườn núi chỉ rộng chừng vài gang tay nhưng dựng đứng. Chiếc xe máy liên tục phải cài cắm số 1, đồng nghiệp tôi phải gồng mình và đầu óc phải căng lên để không để lỡ tay. 

Có những đoạn đường số 1 xe cũng cũng không leo nổi, chúng tôi đành phải xuống đẩy xe lên con dốc dài cả gần chục mét. Trong tiếng gió rít, tôi nghe người dân bản đi qua nói: “Cán bộ lên hôm nay còn đỡ, trời mưa thì chỉ có nước vác xe lên vai mà đi”.

Không riêng gì ở Tà Cóm mà ở các bản như Sài Khao, Tây Tiến (xã Mường Lý), Cò cài (Trung Lý)… những điểm trường lẻ mà chị Quế đã từng dạy đều có những cung đường như thế. Quả thật, khi đi qua, tôi không dám nhìn quay lại phía sau vì sợ cảm giác choáng ngợp với độ cao. Ngước lên phía trước, tưởng như chỉ cần với tay là chạm với trời.
Bởi thế khi nghe câu chuyện 10 năm qua, trừ những khi ốm đau, hay những ngày trời mưa thì tuần nào chị Quế cũng dong xe về thành phố thăm con với cung đường dài gần 300 cây số, chỉ cần ngủ với con một đêm rồi lại lên xe trở lại bản làng thì tôi và đồng nghiệp đã phải giật mình thán phục.

Trải lòng về cuộc đời và sự nhọc nhằn “cõng chữ lên non” của mình, tôi như thấy bao nhiêu con chữ mà chị mang đến với học trò là bấy nhiêu sự hy sinh. Viết về chị, vẫn cảm thấy như ngôn từ không thể đủ. Nếu không có trái tim yêu thương và tràn đầy nhiệt huyết có lẽ chị hay những giáo viên miền xuôi đang cắm bản ngày đêm mang con chữ đến học trò vùng cao có lẽ không làm được.

“Khổ mãi rồi cũng quen”

Năm chị quyết định rời phố thị lên vùng cao cắm bản là vào năm 2004, Những năm đầu tiên, chị được phân công dạy học tại xã Mường Lý. Khó khăn, khổ cực trăm bề, đường sá đi lại khó khăn, học sinh thì học kém, liên tục bỏ học, lại thêm phần nhớ chồng con, chị tưởng mình như phải bỏ cuộc giữa chừng.

Khi nhận nơi ở của mình, chị vẫn không tin đó sẽ là “tổ ấm” của mình trong chuỗi ngày sắp tới. Nó không phải là nhà, cũng không được gọi là phòng, nó là một túp lều bằng nứa, xung quanh quây những miếng bạt rách che những lỗ thủng, cửa không có then cài, chỉ có thể khép hờ rồi dùng thanh nứa chống.

Rồi cả những lần suýt chết cũng khiến chị không thể nào quên, ấy là vào năm 2006, khi chị đang dạy trên bản Sài Khao thì bị sốt rét rừng. Không có trạm y tế, thuốc men cũng không có, xe cộ đi lại không được, các giáo viên ở đây phải bỏ chị vào cái chăn rồi khiêng đi xuống tận khu trường chính cách đó hơn 20 cây số đường rừng. 

Xuống đến khu chính, mới có xe đưa chị đến bệnh viện. “Lúc đó mình đã tưởng mình không thể sống được, vì con đường đi bộ quá xa, cơn sốt rét thì hành hạ, xuống đến khu chính mình đã lịm đi” – chị nhớ lại.

Với chị, học trò luôn là những đứa con của mình
Với chị, học trò luôn là những đứa con của mình

Cũng năm đó, trong một lần đi họp về, qua con suối Lát, nước lũ dâng to, khi chị dắt chiếc xe máy cùng qua suối thì bị nươc lũ cuốn cả người, cả xe trôi đi. Rất may chị được một đồng nghiệp nam nhảy xuống cứu lên. Chị thoát nạn nhưng chiếc xe máy thì đã bị nước lũ nhấn chìm.

Tôi vẫn cứ thắc mắc vì sao sau 10 năm với bao nhiêu gian nan chị vẫn ở lại núi rừng, gắn bó, miệt mài gieo chữ cho học trò vùng cao đến tận bây giờ. Chị cười bảo “khổ mãi rồi cũng quen”, bây giờ chị coi những gian nan ấy là chuyện bình thường, không còn cái cảm giác hoang mang, sợ hãi, bất lực hay muốn bỏ cuộc nữa. 

Chính cái khổ ấy lại mới chính là động lực níu bước chân chị ở lại. Không những thế, chị còn xung phong chuyển đến những bản khó khăn nhất.

Chị kể, đã từng rơi nước mắt khi nhìn những đứa trẻ co ro trong giá lạnh, những đứa trẻ chân trần đến lớp. Từng khóc khi chúng bỏ học, từng nhớ đến quay quắt ruột gan khi những ngày hè rời núi rừng về quê…

Nỗi niềm sau con chữ

Ngày chị lên vùng cao công tác, người mẹ trẻ trong chị đã phải dằn lòng rời xa đứa con gái đầu lòng mới 8 tháng tuổi để cho ông bà ngoại nuôi. Đường lên Mường Lát lúc ấy xe ô chạy hơn môt ngày trời. Vì say xe mà mãi tận 3 ngày sau chị mới tỉnh táo, lấy lại sức để đi vào bản.

Thời gian đầu xa con, chị bảo nhớ con không chịu được mà ngồi ô tô thì say nên cứ đến cuối tuần chị lại xách xe máy lên đường trở về nhà. Những ngày đầu đi trên con đường khó, chị đã ngã đến hơn chục lần rồi cuối cùng cũng có thể ra được đường lớn. Đi nhiều rồi quen, chị không còn biết ngại nữa. Vậy là niềm vui của chị là những giờ lên lớp và chờ đợi những ngày cuối tuần để được về với con.

Với chị, học trò luôn là những đứa con của mình
Ánh mắt ngây thơ và sự thiếu thốn, thiệt thòi của những đứa trẻ vùng cao đã níu bước chân cô giáo miền xuôi này

“Khi mình đi con gái mới 8 tháng tuổi, mặc dù hết tuần mình lại về nhưng chỉ ở với con được một đêm rồi lại đi bởi thế mà khi bé hơn 1 tuổi, bi bô tập nói, mọi người đùa bảo con gọi mình bằng chị, con bé đã gọi “chị Quế… chị Quế”. Lúc đó, mình đã òa khóc nức nở, vừa buồn vừa tủi. Cảm giác lúc đó cho đến bây giờ mình vẫn còn nhớ”, chị tâm sự.

Đến khi sinh con trai thứ 2, không nỡ để con thiếu thốn tình cảm như chị gái, chị đã mang con lên trường nuôi. Nhưng rồi, không đành để con ở lại học ở nơi còn thiếu thốn đủ thứ ấy, khi con trai đủ tuổi lên lớp 1, chị lại đưa con về thành phố học.

Giờ đây, con gái chị đã học lớp 8 và con trai lên lớp 1, biết hiểu và yêu thương mẹ nhiều hơn thì người chồng lại không còn cảm thông được cho chị, chị bảo anh đã không thể chờ đợi khi chị cứ biệt tăm suốt những năm tháng tuổi trẻ ở nơi biên viễn ấy. Có lẽ nghiệp “trồng người trên non” đã khiến chị phải đánh đổi.

Năm ngoái, khi vẫn đang dạy ở khu chính của trường tiểu học Trung Lý II nằm ở bản Cò Cài, nơi này không điện, không mạng, không sóng điện thoại. Để nghe được một cuộc điện thoại cũng phải đi cả chục cây số đường rừng mới hứng được tí sóng. 

Người ta vẫn thường ví vào các bản khó ở Mường Lát như vào một thế giới khác, cách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài.

Cũng bởi thế mà sau ngày chị Quế về thăm gia đình rồi trở lại trường thì ở nhà bố chị đã qua đời vì bạo bệnh chị cũng không thể biết. Mãi tới 3 ngày sau, khi chạy ra nơi có sóng để gọi điện về chị mới hay tin. Có lẽ với chị, cảm giác ấy, nỗi đau ấy không bao giờ có thể nguôi ngoai…

Trải qua những mất mát, thiệt thòi, cho đến bây giờ, chị vẫn không ân hận vì đã chọn con đường gieo chữ cho học trò vùng cao. “Học trò ở đây như là con cái của mình vậy, mình thương chúng như thương những đứa con mình. Nếu ai cũng có thể bỏ cuộc vì sự khó khăn khổ cực thì những đứa trẻ này sẽ ra sao” – chị Quế trải lòng.

Câu nói ấy của chị khiến tôi đã hiểu vì sao chị hy sinh, vì sao chị không hề cô đơn khi điểm lẻ Tà Cóm có 3 giáo viên nam và mình chị là giáo viên nữ, bởi với chị học trò luôn là những đứa con…

Theo Dân Trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...