Làm gì để đề tài, sản phẩm nghiên cứu của nhà khoa học, giảng viên, SV biến thành sản phẩm phục vụ cuộc sống là điều còn nhiều trăn trở.
Nghiên cứu nhiều nhưng ứng dụng ít
Công tác nghiên cứu là một trong những nhiệm vụ chính của các trường đại học. Vì thế, số lượng các đề tài, sản phẩm, dự án nghiên cứu được công bố hàng năm khá nhiều. Trường nhiều thì hàng trăm đề tài, công trình, bài báo khoa học quốc tế được công bố. Trường ít, con số cũng phải gần trăm. Tuy nhiên, kết quả chuyển giao công nghệ từ các sản phẩm đề tài nghiên cứu còn khiêm tốn.
Thạc sĩ Nguyễn Minh Huyền Trang - Phó Giám đốc Trung tâm Sở hữu Trí tuệ và Chuyển giao công nghệ (ĐHQG TPHCM) cho biết: Vướng lớn nhất hiện nay là việc các trường triển khai cơ chế bảo hộ, quản lý, khai thác tài sản trí tuệ còn nhiều bất cập, chưa đạt yêu cầu. Nhiều trường chưa thành lập bộ phận quản trị tài sản trí tuệ hoặc có nhưng hoạt động thiếu hiệu quả. Đặc biệt, các trường cũng thiếu những công trình, sản phẩm khoa học công nghệ có tính ứng dụng cao.
ĐHQG TPHCM là đơn vị có chỉ số chuyển giao và thương mại hóa nghiên cứu tốt tại khu vực phía Nam. Thống kê cho thấy, từ năm 2016 đến nay các đơn vị của ĐHQG TPHCM thực hiện trên 3.000 hợp đồng chuyển giao công nghệ và dịch vụ KH&CN với tổng doanh thu trung bình hằng năm đạt khoảng 250 tỉ đồng. Trong đó, năm 2016 có doanh thu hơn 257 tỉ đồng. Năm 2017 hơn 249 tỉ đồng. Năm 2018 hơn 254 tỉ đồng. Đồng thời, ĐHQG TPHCM cũng đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ với 458 đơn, 180 đơn đã được cấp bằng (trong đó, hơn 50% là các sáng chế, giải pháp hữu ích).
Tuy vậy, để thúc đẩy hoạt động chuyển giao tốt hơn nữa, theo bà Huyền Trang, các nhà khoa học cần hướng đến nghiên cứu và bán cái doanh nghiệp cần. Đặc biệt, Nhà nước cần tháo khó cho nhà khoa học bởi quy định về chuyển giao công nghệ phức tạp. Hiện cơ chế thẩm định giá trị kết quả nghiên cứu tạo lập từ nguồn ngân sách Nhà nước, thủ tục giao quyền sở hữu, quyền sử dụng rườm rà, khó khăn đang làm nản lòng đội ngũ nghiên cứu.
Để thoát khỏi những tồn tại cố hữu, nhiều trường ĐH-CĐ đã thay đổi và chuyển hướng toàn diện trong công tác ghi nhận, đánh giá chỉ số nghiên cứu khoa học (NCKH) của giảng viên. Nghiên cứu các đề tài, sản phẩm theo hướng đặt hàng từ các doanh nghiệp, địa phương có hợp tác song phương. Sản phẩm nghiên cứu có sự trao đổi từ hai phía (nhà nghiên cứu - đơn vị khai thác) nên tính chuyển giao, thương mại hóa tốt hơn.
Trường ĐH Lạc Hồng là ví dụ. Nhiều năm nay, trường khuyến khích giảng viên NCKH với cơ chế động viên như thưởng tiền cho bài báo quốc tế, hỗ trợ kinh phí, kết nối với doanh nghiệp. Trường còn nhận đặt hàng nghiên cứu từ doanh nghiệp và địa phương để xây dựng đội, nhóm nghiên cứu chuyển giao.
Tính đến tháng 4/2020, nhà trường có 669 công trình khoa học được đăng trên tạp chí trong và ngoài nước, trong đó có 375 bài báo quốc tế, 222 bài báo đăng trên tạp chí uy tín thuộc danh mục ISI/Scopus có hệ số ảnh hưởng cao. Trong năm 2019, Trường Đại học Lạc Hồng là một trong 50 trường đại học ở Việt Nam có công bố quốc tế nhiều nhất trên cơ sở phân tích từ hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học Scopus.
Phải ở tâm thế thị trường
Việc các đề tài, sản phẩm nghiên cứu được thương mại hóa chiếm tỉ lệ nhỏ mang đến sự lãng phí lớn về nguồn tài sản trí tuệ. Vì vậy, theo ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ (SIHUB), Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, việc nghiên cứu và làm khoa học của các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên cần phải hướng đến một tâm thế: Khoa học là một thị trường. Mỗi người tham gia phải ở tâm thế thị trường. Ngay cả với các nhà khoa học, đại học, cũng phải ở tâm thế đó.
Theo ông Tước, để thúc đẩy công tác chuyển giao, thương mại hóa cần có thời gian, sự chuyển biến và hành động có tính đồng bộ từ trên xuống dưới, từ hệ thống Nhà nước, cho tới trường đại học, cá nhân nhà nghiên cứu và doanh nghiệp. Quan trọng nhất, các trường phải xây dựng được văn hóa kinh doanh – văn hóa thị trường, đây là điều tiên quyết.
Thực tế, thời gian qua, để phát triển và thúc đẩy công tác chuyển giao, thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu, nhiều trường đại học đã thành lập trung tâm chuyển giao thành tựu khoa học, bộ phận quản trị tài sản trí tuệ để tiếp thị và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu hoặc ký kết hợp tác với trung tâm phát triển, chuyển giao các đề tài nghiên cứu.
PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng nhìn nhận: Ở các nước, mối quan hệ giữa trường đại học với doanh nghiệp luôn có sự gắn kết chặt chẽ với nhau từ ý tưởng, sáng chế đến ứng dụng và ra sản phẩm. Tại Việt Nam, mối quan hệ này trên thực tế còn rất mờ nhạt. Dù trường đại học có nhiều tiềm năng, công trình nghiên cứu nhưng ứng dụng vào thực tiễn còn rất ít. Muốn thay đổi triệt để những bất cập trong công tác chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm, đề tài nghiên cứu từ nhà trường không cách nào khác phải thay đổi tư duy tiếp cận hướng nghiên cứu.
“Là đại học ứng dụng, vì vậy, mọi sản phẩm khoa học nhà trường tạo ra đều phải đáp ứng một tiêu chuẩn “cứng”, đó là phải có tính ứng dụng cao, được doanh nghiệp tin tưởng và nhận chuyển giao. Chúng tôi quan niệm, mọi nghiên cứu khoa học chỉ có ý nghĩa khi nó được ứng dụng. Sản phẩm nghiên cứu khoa học chỉ “sống” khi được đi vào đời sống, phục vụ và nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội. Vì vậy, phần lớn các sản phẩm, nghiên cứu đều hướng đến tính hữu dụng của nó khi thương mại hóa hoặc chuyển giao” – PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh cho biết.