Thuốc lá thế hệ mới tấn công giới trẻ: Cạm bẫy dưới tên gọi mỹ miều

GD&TĐ - Xu hướng sử dụng thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng) ở giới trẻ, đặc biệt là học sinh ngày một gia tăng.

Nhiều hình thức tuyên truyền tác hại của thuốc lá nhưng học sinh vẫn lén lút sử dụng thuốc lá thế hệ mới.
Nhiều hình thức tuyên truyền tác hại của thuốc lá nhưng học sinh vẫn lén lút sử dụng thuốc lá thế hệ mới.

Ngành công nghiệp thuốc lá đã sử dụng nhiều cách thức quảng cáo, tiếp cận nhắm vào giới trẻ nhằm mở rộng thị trường thuốc lá thế hệ mới.

Những “cạm bẫy hương vị”

Ông Ngô Ngọc Hoàng Vương - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Đà Nẵng thông tin: Có một số học sinh chóng mặt, ngất xỉu phải nhập viện cấp cứu sau khi hút thuốc lá điện tử. Cụ thể, khoảng 16 giờ 30 phút ngày 22/12/2020, sau giờ ra chơi, em V.A.D (lớp 8B10 một trường THCS trên địa bàn TP) vào đến cửa lớp thì có biểu hiện chóng mặt, ngất xỉu và được đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Qua kiểm tra nguyên nhân, nhà trường xác định sau khi đá bóng, em D đi vào nhà vệ sinh. Tại đây, D được một bạn đưa cho điếu thuốc lá điện tử để “hút thử”, sau khi làm một hơi, D bị ngất xỉu khi trở về lớp.

Hay trường hợp em L.H.A.T (sinh năm 2005, học sinh một trường nghề trên địa bàn Đà Nẵng), vào chiều 8/4/2021 được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, tiếp xúc khó, nằm một chỗ. Theo lời kể của giáo viên đi cùng, nam sinh được bạn cho sử dụng một loại thuốc và sau đó có biểu hiện tê toàn thân. Sau khi tỉnh lại, nam sinh cho hay em được bạn nhỏ cho một giọt tinh dầu - loại dùng để hút thuốc lá điện tử vào miệng dẫn đến hôn mê...

Cũng như vậy, thầy Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Lômônôxốp (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) lo ngại: Trước làn sóng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng xâm nhập vào trường học, Trường THCS và THPT Lômônôxốp cũng đang đương đầu với nhiều thách thức. Tính từ tháng 9/2020 đến nay, trường phát hiện, giáo dục và xử lý 69 học sinh có sử dụng thuốc lá điện tử.

Theo phân tích, 5 học sinh của khối 6, 7 sử dụng thuốc lá điện tử vì tò mò, thử xem thế nào khi bị rủ rê, lôi kéo; từ khối 8 trở lên đến khối 12 có quá nửa số em là mua sử dụng (hoặc góp tiền mua chung), số ít cá biệt là bán cho bạn bè cùng sử dụng.

Thầy Tùng nhấn mạnh: Ở khối THPT, hiện tượng hút thuốc lá có cả ở học sinh nữ và hay gặp ở trường hợp gia đình các em có bất hòa hoặc tình trạng hôn nhân đổ vỡ. Các em thường hút bên ngoài nhà trường nên không dễ phát hiện...

Thực tế, thuốc lá điện tử được ví như “cạm bẫy hương vị” khi đánh trúng tâm lý thích thể hiện cái tôi của tuổi mới lớn. Sự mới lạ với những dụng cụ bắt mắt nhanh chóng được học sinh đón nhận và khám phá mà không tính đến những tác hại.

Thuốc lá điện tử thế hệ mới có mẫu mã đa dạng, cuốn hút giới trẻ. Những loại này thiết kế theo hình thức có bộ phận sạc pin và bộ phận chứa chất lỏng, dung dịch làm nguyên liệu đốt có thể thay thế tùy thích. Đây là nguyên nhân khiến một số thành phần biến tướng, trộn ma túy vào sử dụng. Bản thân dung dịch hút của thuốc lá điện tử đã chứa nicotine và nhiều chất gây hại cho cơ thể.

Đáng lo ngại, qua các hình thức quảng cáo phổ biến, hấp dẫn tràn ngập trên mạng xã hội, chỉ với 120.000 - 150.000 đồng, học sinh dễ dàng sở hữu một “phiên bản” thuốc lá điện tử với đủ hình dạng có thể mang vào lớp, bỏ ngay trên bàn học mà không bị phát hiện.

Sử dụng thuốc lá điện tử gây nguy hại đến sức khỏe. Ảnh: minh họa
Sử dụng thuốc lá điện tử gây nguy hại đến sức khỏe. Ảnh: minh họa

Mong manh khoảng cách “thử - thật”

ThS Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế thông tin: Tình trạng thanh, thiếu niên không hút thuốc lá truyền thống tuy nhiên vẫn thử và bắt đầu sử dụng sản phẩm thuốc lá mới đang gia tăng trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Tại Việt Nam, theo nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh THCS và THPT tại Hà Nội do Viện Chiến lược và Chính sách Y tế tiến hành năm 2020, tỷ lệ đang sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8 - 12 là 8,35%; ở học sinh lớp 10 - 12 là 12,16%. Đáng lưu ý có 5,2% em không hút thuốc lá truyền thống mà sử dụng thuốc lá thế hệ mới (nam 7,7%, nữ 2,3%).

ThS Trần Thị Trang nhận định: Thuốc lá điện tử đang “kéo” học sinh sử dụng ngày càng nhiều. Trong đó, tại các thành phố lớn, có thể do khả năng chi trả cao hơn và thuốc lá điện tử sẵn có hơn, tỷ lệ học sinh hút thuốc lá dạng này rất đáng quan ngại. Theo kết quả điều tra sức khỏe học sinh Việt Nam năm 2019, tỷ lệ học sinh 13 - 17 tuổi hút thuốc lá điện tử trên phạm vi cả nước là 2,6%, ở học sinh thành thị là 3,4%...

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT Nguyễn Nho Huy, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng trở nên phổ biến trong giới trẻ với thiết kế sản phẩm hấp dẫn, tiếp thị tràn lan trên các trang mạng xã hội; sử dụng người nổi tiếng có sức ảnh hưởng tới giới trẻ để quảng cáo. Giá thành lại rẻ nên rất dễ để tiếp cận, đặc biệt đối với học sinh đang ở lứa tuổi thích tìm tòi, khám phá.

Ông Kiều Cao Trinh - Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng: Một số học sinh bị thuốc lá thế hệ mới lôi kéo do muốn khẳng định bản thân; do tác động, ảnh hưởng của gia đình; tò mò xem cảm giác hút thuốc lá như thế nào; do tâm lý chủ quan hút vài điếu sẽ không bị nghiện và dần trở thành thói quen không bỏ được.

ThS Lê Thị Thu – Quản lý Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá và bệnh không lây nhiễm, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam thông tin: Vì lợi nhuận nên ngành công nghiệp thuốc lá luôn tìm kiếm những đối tượng sử dụng thuốc lá mới để thay thế và đối tượng hàng đầu được nhắm tới chính là giới trẻ. Phương thức chủ yếu là thông qua hình ảnh, phong cách tạo gu thẩm mỹ, xu hướng của giới trẻ, bán hàng qua mạng (bán qua app điện thoại thông minh, quảng cáo và mua bán trên Internet)...

Thống kê cho thấy, những người trẻ tuổi (14 - 30 tuổi) đã sử dụng thuốc lá điện tử  có nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá thông thường cao hơn 4 lần so với nhóm không dùng thuốc lá điện tử; 70% số người thử một điếu thuốc và trở thành người hút thuốc hàng ngày do nicotine – chất gây nghiện có trong thuốc lá.

Lực lượng chức năng Hà Nội thu giữ số lượng lớn thuốc lá điện tử nhập lậu.
Lực lượng chức năng Hà Nội thu giữ số lượng lớn thuốc lá điện tử nhập lậu.

“Lỗ hổng” trong ngăn ngừa học sinh hút thuốc lá

Nhận thức rõ mối nguy hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người và ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc; chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá cho cán bộ công chức, người lao động của ngành và học sinh, sinh viên...

Ông Nguyễn Nho Huy cho biết: Nội dung phòng chống tác hại thuốc lá được đưa vào giảng dạy lồng ghép trong chương trình giáo dục phổ thông, thông qua các môn học: Tự nhiên và Xã hội (giáo dục tiểu học), Giáo dục công dân, Sinh học, Ngữ văn, Địa lý, Giáo dục quốc phòng, an ninh... cùng hoạt động ngoại khóa phong phú và hấp dẫn.

Tuy nhiên, việc phòng ngừa thuốc lá với học sinh còn gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Nho Huy phân tích: Một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh vẫn chưa bỏ được hút thuốc lá; trong đó có nhiều cán bộ, giáo viên hút thuốc lá tạo hình ảnh xấu trước mặt học sinh.

Tình trạng bán thuốc lá phổ biến xung quanh khu vực cổng trường học ảnh hưởng đến việc thực hiện môi trường không khói thuốc lá tại các trường học. Nhiều phụ huynh chưa quan tâm, nhắc nhở con em của mình trong việc phòng chống tác hại thuốc lá, còn phó mặc vào việc giảng dạy và công tác giáo dục truyền thông của nhà trường.

“Quy định địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên với các cơ sở giáo dục, nhưng tại trường đại học, cao đẳng, học viện chỉ nghiêm cấm hút thuốc lá khu vực trong nhà, vì vậy rất khó kiểm soát việc hút thuốc lá khu vực khuôn viên trường học cũng như hoạt động mua, bán thuốc lá tại căng-tin của trường đại học, cao đẳng và học viện” - ông Huy cho biết thêm.

Điều tra tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh về tình hình bán, quảng cáo và trưng bày thuốc lá quanh trường học của Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phát triển (DEPOCEN), trung bình có 12,7 điểm bán thuốc lá trong phạm vi bán kính 100m xung quanh mỗi trường học (2.670 điểm bán quanh 210 trường THPT, THCS và tiểu học)… Loại hình cửa hàng bán lẻ phổ biến nhất là điểm bán ven đường, cửa hàng tạp hóa, quán café.

Theo ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, mặc dù các trường học đều nghiêm cấm học sinh sử dụng thuốc lá và các cơ sở kinh doanh không được bán thuốc lá phía ngoài cổng trường. Hoạt động tuyên truyền Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá cũng được triển khai trong các nhà trường… tuy nhiên vẫn xảy ra tình trạng học sinh, sinh viên sử dụng thuốc lá thế hệ mới.

“Đa số học sinh, sinh viên đều sở hữu điện thoại và kết nối mạng Internet là mảnh đất màu mỡ để ngành công nghiệp thuốc lá tiếp cận với các chiêu trò quảng cáo, PR, khuyến mãi sản phẩm… hút các em tìm đến các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới” - ông Vương nhận định.

Đại diện Sở GD&ĐT Khánh Hòa thừa nhận: Thực tế, vẫn còn tình trạng học sinh lén lút hút thuốc lá trong trường học, đặc biệt trong nhà vệ sinh; vẫn tồn tại các hàng quán xung quanh khu vực trường học bán thuốc lá cho học sinh. Bên cạnh đó, kinh phí để nhà trường thực hiện truyền thông về tác hại của thuốc lá, trong đó có thuốc lá thế hệ mới còn hạn chế…

Hút thuốc lá truyền thống và thuốc lá thế hệ mới ảnh hưởng xấu tới thanh thiếu niên. Đặc biệt, nguy cơ tiềm ẩn sử dụng ma túy và các chất kích khác đồng thời với thuốc lá điện tử nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thuốc lá điếu thông thường. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ