"Chung vai" vì chất lượng
Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, giáo dục mầm non (GDMN) ngoài công lập đã khẳng định vai trò quan trọng hệ thống giáo dục mầm non.
Tại huyện An Dương, sự phát triển của các khu công nghiệp dẫn đến dân số cơ học tăng cao. Nhu cầu trường lớp, đặc biệt trường lớp mầm non hiện nay rất lớn. Với cơ sở vật chất hiện đại, phương pháp GDMN tiên tiến, cùng đội ngũ giáo viên tâm huyết, các cơ sở GDMN ngoài công lập trên địa bàn huyện An Dương đã góp phần vào việc đảm bảo sự phát triển toàn diện cho trẻ.
Không chỉ "chung vai" giảm tải áp lực cho giáo dục mầm non công lập mà GDMN ngoài công lập còn nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của xã hội hiện đại, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện An Dương lần thứ 18 và “chuyển đổi đơn vị hành chính quận tại huyện”.
Quy mô, mạng lưới trường lớp mầm non ngoài công lập ngày càng phát triển đáp ứng với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của huyện, năm học 2024-2025 toàn huyện có 37 cơ sở GDMN ngoài công lập, trong đó có 8 trường tư thục (chiếm tỷ lệ 32%), 29 cơ sở lớp mầm non độc lập, với 111 nhóm lớp (chiếm tỷ lệ 26.3%), chăm sóc cho 2.446 trẻ (chiếm tỷ lệ 20.6 %). So với thời điểm năm học 2009-2010, tăng 6 trường mầm non tư thục; tăng 18 cơ sở lớp mầm non độc lập, tăng 80 lớp và tăng 1.899 trẻ. Từ năm 2014 đến nay toàn huyện không có cơ sở lớp mầm non độc lập hoạt động trái phép.
GDMN ngoài công lập toàn huyện đã huy động được 379 trẻ mẫu giáo 5 tuổi học tại các trường mầm non tư thục. Chế độ chính sách đối với trẻ đảm bảo theo quy định, hiện có 147 trẻ có bố mẹ là công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp được hưởng hỗ trợ theo Nghị định 105. Các cơ sở GDMN ngoài công lập phối hợp với Ban chỉ đạo Phổ cập giáo dục địa phương thực hiện phổ cập hàng năm hiệu quả.
Đánh giá về 15 năm phát triển của GDMN ngoài công lập huyện An Dương, ông Vũ Mạnh Hùng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho hay, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương, sở ngành chuyên môn và sự quyết tâm, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý các cơ sở GDMN ngoài công lập trên địa bàn huyện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ các năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục đã đề ra.
Song song với việc đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, nâng cao chất lượng đội ngũ, các cơ sở GDMN ngoài công lập chú trọng chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. GDMN ngoài công lập bắt nhịp chuyển đổi số trong quản lý, giáo dục trẻ; bước đầu có những kết quả đáng mừng trong hoạt động cho trẻ làm quen với tiếng Anh theo Thông tư 50 của Bộ GD&ĐT.
Quan tâm kịp thời con em người lao động
Theo ông Vũ Mạnh Hùng một trong những thế mạnh phát triển mạng lưới GDMN ngoài công lập tại huyện An Dương đó là việc triển khai thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách phát triển GDMN của chính phủ và thành phố.
Huyện thực hiện Nghị quyết số 04 của Hội đồng nhân dân thành phố; Kế hoạch 228 của UBND thành phố về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 04 Quy định một số mức hỗ trợ thực hiện Nghị định số 105 của Chính phủ về chính sách phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Qua rà soát thống kê cho thấy, có 16/29 cơ sở lớp mầm non độc lập đủ điều kiện được hỗ trợ 50 triệu đồng/1 cơ sở lớp mầm non độc lập. Tổng kinh phí hỗ trợ là 800 triệu đồng/16 cơ sở.
Hàng năm, chính quyền địa phương thực hiện chính sách đối với giáo viên ngoài công lập ở địa bàn có khu công nghiệp. Tính riêng năm học 2023-2024, tổng giáo viên ngoài công lập ở địa bàn có khu công nghiệp được hỗ trợ 60 người, tổng số tiền là 500.000.000 đồng.
Đặc biệt, huyện quan tâm sát sao tới chính sách hỗ trợ trẻ mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp học tại cơ sở GDMN ngoài công lập. Tính riêng năm học 2023-2024 tổng số trẻ được trợ cấp là 1.024 trẻ, với số tiền trợ cấp là 1.676.100.000 đồng.
Hàng năm trẻ mầm non ngoài công lập được hưởng chính sách hỗ trợ học phí của thành phố, theo Nghị quyết 54 của HĐND. Năm học 2023-2024 hỗ trợ học phí cho 2.532 trẻ, với tổng 1.915.042.000 đồng.
Toàn huyện An Dương có 9 sở sở GDMN ngoài công lập tham gia Đề án 404 của Chính phủ về “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực công nghiệp, khu chế xuất. Từ năm 2014 đến nay tổng số kinh phí cấp cho các cơ sở tham gia Đề án là 450.000.000 đồng.
Ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở GDMN ngoài công lập, Sở GD&ĐT thành phố, UBND huyện đã tặng Giấy khen biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ nhân kỷ niệm 15 năm phát triển GDMN ngoài công lập tại địa phương.