Thực tế này xảy ra ở nhiều địa phương, khiến nhà giáo đã hết thời hạn công tác ở vùng khó nhưng vẫn chưa được luân chuyển về vùng thuận lợi để dạy học, trong khi các quy định đều rõ ràng. Ai chịu trách nhiệm về việc này?
Chính sách thiếu hay người thực thi chính sách yếu?
Nhắc lại thực trạng thiếu giáo viên ở những vùng khó khăn, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, cho hay: Nhiều năm qua, do thiếu giáo viên nên một số địa phương đã khuyến khích nhà giáo đến những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng núi, biên giới, hải đảo để dạy học. Với những thầy, cô giáo này, địa phương và Nhà nước luôn có chế độ, chính sách ưu đãi.
Thậm chí, Chính phủ đã có riêng một Nghị định về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn. Đây không chỉ đơn thuần là chính sách để chiêu mộ thầy, cô giáo đến công tác ở vùng khó và “bám trường, bám lớp”, mà còn là cơ sở pháp lý để các địa phương thực hiện chế độ đối với đội ngũ này.
Khi đã hết thời hạn công tác ở vùng khó, địa phương có trách nhiệm bố trí giáo viên trở về nơi công tác ban đầu hoặc về vùng thuận lợi để họ tiếp tục được dạy học, tạo công bằng, khách quan trong việc thực thi chính sách. “Bất luận với lý do gì cũng không nên để giáo viên “mắt kẹt” ở vùng khó quá lâu và càng không thể để giáo viên “tự lo” việc làm nếu họ muốn trở về vùng thuận lợi để công tác”, TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Bảo vệ ý kiến của mình, TS Nguyễn Tùng Lâm viện dẫn, Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ quy định: Thời hạn luân chuyển nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đến công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là 3 năm đối với nữ và 5 năm đối với nam.
Hết thời hạn công tác nói trên, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền sắp xếp luân chuyển công tác trở về nơi ở và làm việc cuối cùng trước khi luân chuyển đến công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc tạo điều kiện để nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục liên hệ chuyển công tác, giải quyết thuyên chuyển theo nguyện vọng. “Như vậy, chính sách đã rõ ràng, minh bạch, các địa phương nên tôn trọng và thực thi, tránh tiền lệ xấu.
Giám sát việc thực thi chính sách
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Âu Thị Mai (Đoàn Tuyên Quang) cho rằng, trường hợp không bố trí luân chuyển được cần xem xét để các thầy cô được hưởng chế độ hỗ trợ. Đối với giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đề nghị Nhà nước xem xét có thêm chính sách hỗ trợ, ưu đãi khác để bảo đảm cuộc sống, giúp họ yên tâm công tác lâu dài.
Đồng quan điểm, đại biểu Tô Văn Tám - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum - nhấn mạnh: Chính phủ đã quy định rõ, cơ quan quản lý giáo dục, địa phương nơi nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục luân chuyển trở về có trách nhiệm tiếp nhận, sắp xếp và bố trí việc làm; đồng thời luân chuyển người khác đi thay thế nếu có yêu cầu.
Hết thời hạn trên, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tình nguyện ở lại để tiếp tục công tác và ổn định cuộc sống lâu dài thì được xét để cấp đất làm nhà, làm kinh tế trang trại, kinh tế gia đình và được vay vốn làm nhà, kinh tế với lãi suất ưu đãi trả dần trong 10 năm.
Theo đại biểu Đoàn Kon Tum, hiện đã có quy định về thời hạn luân chuyển đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở vùng đặc biệt khó khăn, các địa phương phải nghiêm túc thực hiện, không nên “đánh trống bỏ dùi” khi thực thi chính sách.
Điều này không chỉ giúp nhà giáo tiếp tục hoàn thiện, phát triển năng lực nghề nghiệp, mà còn tạo điều kiện để được đoàn viên với gia đình. Tránh tình trạng, đâu cần giáo viên có, đâu khó có giáo viên nhưng khi thầy cô hoàn thành nghĩa vụ, đề đạt nguyện vọng không có cơ quan nào lên tiếng.
Phản biện với lý giải của một số địa phương rằng ở vùng thuận lợi đã đủ vị trí việc làm, trong khi đó vùng khó khăn vẫn còn thiếu giáo viên, nên rất khó để giải quyết “lượt về” cho các thầy, cô giáo, đại biểu Tô Văn Tám nhấn mạnh: Lập luận này không hợp lý và thiếu sức thuyết phục. Khi đã có chính sách luân chuyển nhà giáo, địa phương phải chủ động phương án bố trí người thay thế. Việc này, hoàn toàn thuộc thẩm quyền của địa phương, vấn đề là có quyết tâm thực hiện hay không.
“Cần hiểu rằng, nếu làm tốt chính sách luân chuyển, sẽ tạo tiền đề để thực hiện việc điều động hoặc kêu gọi giáo viên tình nguyện “bám bản”, “gieo chữ”, giữ đất nơi biên cương của Tổ quốc và những vùng đặc biệt khó khăn khác. Đó cũng là minh chứng sinh động về việc chính sách đã đi vào cuộc sống và bảo đảm vấn đề an sinh, giúp những nhà giáo đang và sẽ đến vùng khó để dạy học an tâm công tác, quyết tâm bám trường, bám lớp, đem ánh sáng tri thức đến với mọi miền của đất nước.