Thực phẩm bẩn: Cuối năm càng lo

GD&TĐ - Hàng chục mẫu rau có chất cấm và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; hàng trăm mẫu thịt lợn, thịt gà chứa chất gây ung thư hoặc gây ngộ độc thực phẩm; hàng tấn thịt thối bị bắt giữ… trong thời gian gần đây khiến người tiêu dùng không khỏi hoang mang.

Thực phẩm bẩn: Cuối năm càng lo

Dù các cơ quan chức năng đã liên tục tổ chức kiểm tra và xử lý vi phạm, nhưng tình trạng này vẫn chưa thấy dấu hiệu “hạ nhiệt”, đặc biệt là vào dịp cuối năm, vấn đề này lại càng trở nên “nóng”.

Thực phẩm bẩn tràn lan

Vệ sinh ATTP luôn là nỗi ám ảnh đối với người tiêu dùng Việt Nam. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã vào cuộc, phanh phui những “chiêu trò” làm ăn thiếu lương tâm của một bộ phận các tiểu thương, DN... Tuy nhiên, tình trạng thức ăn bẩn tràn lan và vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Theo kết quả giám sát các mẫu thực phẩm từ tháng 8 - 11/2015 tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh của Bộ NN&PTNT vừa công bố cho thấy, có 37 mẫu rau bẩn (có hoạt chất cấm và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép) trong tổng số 353 mẫu, chiếm hơn 10%. Trong tổng số 158 mẫu thịt lợn có 52 mẫu thịt bẩn (nhiễm chất cấm hoặc có dư lượng chất kháng sinh vượt mức cho phép), chiếm 33%.

Qua kiểm tra 153 mẫu thịt gà có tới 26 mẫu nhiễm khuẩn Salmonella (gây ngộ độc thực phẩm). Trong khi đó, tính riêng trong tháng 10 và tháng 11, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cũng đã lấy 134 mẫu giám sát và phát hiện 5 mẫu nước tiểu ở các cơ sở chăn nuôi dương tính với chất cấm (tỷ lệ 3,73%). Tuy nhiên, tỷ lệ nước tiểu có chất cấm ở các khu vực giết mổ cao hơn nhiều (chiếm 9,72%).

Còn kết quả giám sát ATTP nông, thủy sản 9 tháng năm 2015 cho thấy, 6% mẫu thịt phát hiện có vi khuẩn Salmonella; 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng; 10,3% mẫu rau có dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt mức; 1,01% mẫu thủy sản nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng, vượt ngưỡng cho phép.

Theo bà Trần Việt Nga – Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế), chất Sabutamol mà nhiều người cho vào thức ăn nhằm tăng độ nạc cho thịt lợn sẽ gây hại trực tiếp đến sức khỏe con người. Nếu ăn nhiều thịt có dư lượng Sabutamol thì người dùng có thể bị nhiễm độc, nhịp tim nhanh, rối loạn tiêu hóa, suy giảm hệ miễn dịch. Trường hợp ngộ độc nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Còn nếu ăn phải rau củ, hải sản có chứa kim loại nặng như chì, thủy ngân, asen đều gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe con người...

Sạch – bẩn khó phân

Hiện nay, vấn đề ATTP được cả 3 bộ quản lý (Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương). Rất nhiều vụ việc thực phẩm bẩn đã được phát hiện và xử phạt. Theo kết quả giám sát của các cơ quan chức năng, trên thị trường vẫn còn khoảng 90% thực phẩm sạch. Tuy nhiên, thực phẩm bẩn hay sạch vẫn lẫn lộn, người dân không biết làm cách nào để mà phân biệt. Bởi cứ vài ngày lại xuất hiện thông tin về các cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn, hay siêu thị trà trộn thực phẩm bẩn vào bán dưới dạng thực phẩm sạch... Có những vụ việc làm người tiêu dùng không khỏi hoang mang khi nhà sản xuất bất chấp mọi thứ để kiếm lời. Dù các cơ quan chức năng đã liên tục tổ chức kiểm tra và xử lý vi phạm nhưng tình trạng này vẫn chưa thấy dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Chị Nguyễn Thu Hương (Nam Thành Công, Hà Nội), hoang mang nói: “Gia đình tôi có đến 2 đứa trẻ đều đang tuổi ăn, tuổi lớn. Hằng ngày chúng tôi thường đi chợ dân sinh ngay gần nhà, cũng có lúc vào siêu thị. Thế nhưng, bằng mắt thường thì làm sao có thể phân biệt được đâu là thịt có chất tạo nạc, đâu là rau, hoa quả... có nhiễm kim loại nặng hay hải sản ướp phân đạm... Bởi ngay cả trong siêu thị, thì cũng chỉ biết đặt niềm tin vào nơi cung cấp, vào các chỉ số do nơi bán hàng tự công bố, chứ để bảo đảm thực phẩm đó có thực sự sạch hay không thì không ai dám chắc chắn...”.

Rõ ràng, “mê cung” thực phẩm bẩn tràn lan khiến người dân không thể phân biệt bẩn - sạch. Bởi dường như càng thực phẩm bắt mắt, ngon miệng lại càng độc hại, trong khi hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm mới chỉ phát hiện được khoảng 30% các hóa chất nguy hại có trong thực phẩm - trong tổng số hơn 2.000 hóa chất bảo vệ thực vật các loại. Do đó, để bảo vệ chính mình, người dân không còn cách nào khác là tự trang bị cho mình những kiến thức về thực phẩm an toàn, mua thực phẩm có nhãn mác, có nguồn gốc rõ ràng, hoặc chí ít cũng nên mua thực phẩm dựa vào uy tín và vệ sinh của nơi bán...

Mặc dù hàng ngày phải đối mặt với những nỗi lo vệ sinh ATTP, song phần lớn người dân vẫn “nhắm mắt” mua tại các chợ truyền thống thay vì mua tại các nhà cung ứng sạch do lo ngại giá đắt mà chất lượng vẫn khó kiểm soát. Vì vậy, các DN sản xuất thực phẩm sạch nên mở rộng thêm mạng lưới cung ứng đến tận tay người dân như đưa sản phẩm đến tận nhà không qua trung gian. Đây là phương pháp giúp cho người dân tiếp cận nguồn thực phẩm sạch được dễ dàng hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.