Tại Quảng Ninh và Nam Định, các cán bộ đã có chuyến khảo sát thực tế triển khai tình hình thực hiện chính sách giáo dục đảm bảo công bằng cho trẻ em thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục bền vững, chấn chỉnh lạm thu, chỉ đạo thực hiện việc huy động tài trợ theo hướng dẫn tại Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT về “Tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân”, thực hiện định mức kinh tế kỹ thuật trong ngành giáo dục hiện hành, phân cấp quản lý giáo dục ở các địa phương Nam Định, Quảng Ninh.
Thông tư 16 được cha mẹ học sinh ủng hộ
Tại Nam Định, ông Nguyễn Thanh Uy – Trường phòng Kế hoạch Tài chính (sở GD&ĐT Nam Định) – cho biết: tính đến thời điểm hiện nay, qua báo cáo của công tác kiểm tra cũng như báo cáo của các cơ sở giáo dục trong toàn ngành, không có đơn vị nào triển khai thu các khoản ngoài quy định, hoặc thu không đúng mức thu theo quy định.
Về triển khai thực hiện Thông tư số 16/TT-BGDĐT, Sở GD&ĐT Nam Định giao nhiệm vụ cho phòng Kế hoạch Tài chính và phòng ban chuyên môn liên quan nghiên cứu văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ để hướng dẫn cho cơ sở giáo dục nhằm huy động nguồn lực xã hội tài trợ cho ngành Giáo dục nhằm tăng cường cơ sở vật chất cũng như các điều kiện vật chất phục vụ dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Đồng thời, phổ biến, hướng dẫn, quán triệt các nội dung của công tác tài trợ tại các hội nghị của ngành; trong đó nhấn mạnh các nội dung: đối tượng vận động; mục đích vận động; đối tượng thụ hưởng; quan điểm vận động…
Tính riêng các đơn vị trực thuộc của Sở GD&ĐT Nam Định năm học 2018-2019, theo báo cáo của các cơ sở giáo dục, đã có 14 đơn vị thực hiện triển khai, tính tới 30/3/2019, tổng số tiền huy động được là hơn 3,3 tỷ đồng; trong đó có hơn 2,2 tỷ đồng tiền mặt và hơn 1 tỷ đồng là hiện vật được nhà tài trợ bàn giao. Các hoạt động tài trợ cho giáo dục trong năm học 2018 - 2019 đóng góp một phần vào việc triển khai và hoàn thành nhiệm vụ năm học. “Cơ bản, chủ trương này nhận được sự ủng hộ của phụ huynh” - ông Nguyễn Thanh Uy chia sẻ.
Các cán bộ Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD&ĐT) làm việc tại Quảng Ninh |
Cụ thể hóa thêm các hướng dẫn thu, chi
Quảng Ninh là tỉnh trung du, miền núi phía Bắc có địa hình phong phú trải dài miền núi, miền biển, đồng bằng, kinh tế xã hội phát triển, có nhiều chính sách cho giáo dục. Ông Nguyễn Văn Tuế - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sở đã tham mưu cho tỉnh ban hành 19 chính sách ưu đãi các mặt công tác cho phát triển sự nghiệp giáo dục. Nhiều chính sách có hiệu quả, đi trước các địa phương khác cả nước. Trước khi có Thông tư số 16, nhiều địa phương trong tỉnh đã có Đề án XHH.
Hiện tỉnh này đang có hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện các khoản đóng góp tự nguyện để hỗ trợ CSVC (còn gọi là XHH), các khoản tài trợ, viện trợ, quà biếu, các khoản đóng góp thông qua quỹ xã hội, từ thiện, hỗ trợ khắc phục thiên tai với nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện, không ép buộc. Các khoản thu phải xuất phát từ nhu cầu thiết thực, trực tiếp nâng cao chất lượng giáo dục; phù hợp với thu nhập, mức sống, khả năng đóng góp của số đông người dân trên địa bàn.
Để thực hiện, các cơ sở giáo dục phải tuân theo các quy trình 4 bước: Thống nhất kế hoạch trong lãnh đạo trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh - Lập dự trù kinh phí chi tiết – Báo cáo cơ quan quản lý cấp trên và chỉ được thực hiện thu khi UBND huyện hoặc Phòng GD&ĐT phê duyệt – Niêm yết công khai và báo cáo quyết toán kinh phí đã huy động và kết quả thực hiện với cha mẹ học sinh, các tổ chức, cá nhân đã tham gia đóng góp kinh phí.
TP Cẩm Phả là đơn vị có nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác này. Ông Đinh Quốc Huynh – Trưởng Phòng GD&ĐT Cẩm Phả chia sẻ: Cần phải hiểu tinh thần XHH là huy động các nguồn tài trợ, rạch ròi hẳn với hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Tuy Sở đã có hướng dẫn thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách hàng năm nhưng ở cơ sở luôn có tâm lý e dè khi nhận các nguồn tài trợ và chỉ sợ làm sai.
Ông Huynh cho rằng: Việc Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 16 đã cởi được nút thắt khi quy định nguyên tắc, nội dung, trình tự, quy trình tiếp nhận và sử dụng tài trợ. Thông tư này của Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục ở địa phương tránh được việc bị gọi là lạm thu khi tiếp nhận những khoản tài trợ, hiến tặng, đóng góp. Tuy nhiên, ông Huynh vẫn còn nhiều băn khoăn khi thành phố đang cần huy động XHH để thực hiện CTGDPT mới trong nhiều năm tới. Nên cần phải tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện những hướng dẫn thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách như Thông tư 16 nhằm cụ thể hơn nữa.
Ông Huynh dẫn ví dụ cụ thể là công tác quản lý nhà nước trong việc huy động XHH các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Cần phải làm rõ về trách nhiệm quản lý nhà nước, chủ thể huy động XHH các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; Nhằm tránh việc nhà trường đứng ra huy động để nếu có đơn từ, ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động giáo dục. Khi đứng ra làm chủ thể XHH, chính quyền có thể giải trình, công khai minh bạch các khoản XHH để đầu tư cho sự nghiệp giáo dục trên địa bàn. Những năm trước, thành phố có thể huy động 25 – 30 tỷ/năm để thực hiện nhiệm vụ đầu tư phát triển nào đó của giáo dục.
Chính vì vậy, trưởng phòng Đinh Quốc Huynh đề nghị Bộ GD&ĐT có hướng dẫn về mặt vĩ mô, có điều khoản về thực hiện, cụ thể hóa Nghị định 127 (thay cho NĐ 115) về phân cấp quản lý nhà nước trong giáo dục ở địa phương.
Các cán bộ Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD&ĐT) thăm nắm tình hình thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách, huy động tài trợ và các nội dung khác tại Trường THCS Trọng Điểm TP. Cẩm Phả |
Vướng mắc cần tháo gỡ
Tại Quảng Ninh, thực hiện các chính sách tài chính giáo dục đảm bảo công bằng cho trẻ em, Sở GD&ĐT đã chủ trì phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành Nghị quyết về việc mức học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của tỉnh từ năm học 2016 - 2017 đến năm học 2020 - 2021; Đồng thời triển khai thực hiện các chính sách miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập.
Những chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh đã góp phần thúc đẩy sự phát triển GD&ĐT của tỉnh Quảng Ninh; Thể hiện ở tỷ lệ huy động trẻ ra lớp cấp học mầm non; hoàn thành phổ cập tiểu học năm 2006, THCS năm 2008, mầm non 5 tuổi năm 2014; giảm khó khăn cho nhân dân tại các xã đặc biệt khó khăn khi cho con đi học, tạo được sự đồng thuận cao của nhân dân.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc trong cơ chế, chính sách đang là rào cản của nhiều mặt công tác mà các cán bộ QLGD, giáo viên của tỉnh đã có nhiều kiến nghị xung quanh những tồn tại này.
Ông Nguyễn Văn Quế đặ tcâu hỏi: vị trí việc làm của kế toán làm việc ở một trường với nhiều việc làm và một kế toán kiêm nhiệm nhiều trường thì được chi trả lương như thế nào. Trong khi đó kế toán phải kiêm việc của nhiều lĩnh vực khác như: BHXH, chế độ thai sản, ốm đau, nâng lương, quy hoạch, giáo vụ… đều do kế toán trường học làm việc chứ không có nhân sự như các đơn vị sự nghiệp, hành chính khác. Khối lượng công việc, phần việc của kế toán trường học rất đặc thù, cần có cơ chế, chính sách và hướng dẫn rõ ràng, mô tả vị trí việc làm cụ thể để địa phương thực hiện.
Nhiều giáo viên khác cũng có kiến nghị nên áp dụng vị trí kế toán kiêm nhiệm văn thư hoặc công tác tại một trường khác phù hợp hơn là kiêm nhiệm làm kế toán cho nhiều trường như hiện nay.
Thực hiện Nghị định 127/2018/NĐ-CP quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục. Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở các tỉnh, phòng GD&ĐT chỉ đảm trách về chuyên môn, không có vai trò trong tuyển dụng, quản lý nhân sự, tài chính. Các công tác phân cấp QLNN về giáo dục ở mỗi địa phương cũng rất khác nhau nên cần thống nhất và giao cho cơ quan quản lý giáo dục các cấp thực hiện về nhân sự và tài chính để kịp thời nắm bắt được hoạt động, xây dựng kế hoạch, đảm bảo kinh phí hoạt động theo quy định.
Cùng nội dung trên, đoàn công tác của Bộ GDĐT cũng làm việc với Trường THPT Trần Văn Lan, huyện Mỹ Lộc (Nam Định), Trường THCS Trọng Điểm TP. Cẩm Phả (Quảng Ninh). Tại buổi làm việc, đoàn công tác đã ghi nhận những ý kiến đề xuất của nhà trường, Sở GD&ĐT Nam Định, Sở GD&ĐT Quảng Ninh để có cơ sở tham mưu với lãnh đạo Vụ Kế hoạch Tài chính nhằm hoàn chỉnh thêm các quy định liên quan đến tài chính trong giáo dục. Ngoài thu chi, tài trợ trong các cơ sở giáo dục, đoàn công tác đồng thời trao đổi với địa phương xung quanh việc triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, của ngành Giáo dục về thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.