Trao đổi với chúng tôi, Trưởng Phòng GD&ĐT TP Sóc Trăng Dương Thị Ngọc Diễm cho biết: Công tác xã hội hóa giáo dục mầm non ngoài công lập của TP Sóc Trăng được bắt đầu từ năm học 2002 – 2003 và cũng là địa phương đầu tiên của tỉnh thực hiện công tác này.
Lúc đó, toàn thành phố chỉ có một trường tư thục là Trường Mầm non Sơn Ca do cá nhân đầu tư, hoạt động chủ yếu là thực hiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ với quy mô 7 trẻ và 1 giáo viên.
Đến năm học 2009 - 2010, toàn thành phố phát triển được 6 trường mầm non ngoài công lập, 5 cơ sở và 2 nhóm trẻ độc lập tư thục có phép thành lập.
Trong năm học này, các cơ sở ngoài công lập đã huy động được 454 trẻ nhà trẻ và 2.253 trẻ mẫu giáo ra lớp với 12 cán bộ quản lý và 160 giáo viên giảng dạy.
“Vạn sự khởi đầu nan”, trước hiệu quả bước đầu trong công tác xã hội hóa giáo dục, chính quyền cũng như ngành GD&ĐT TP Sóc Trăng đã khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo về chủ trương, chính sách;
Hàng năm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của các trường, các cơ sở, nhóm trẻ ngoài công lập; chủ động phối hợp với Trường Cao đẳng Sư phạm Sóc Trăng mở các lớp đào tạo trung cấp sư phạm hệ vừa học vừa làm, tạo điều kiện cho giáo viên được đào tạo đúng chuyên ngành.
Vì thế, đến năm học 2017 - 2018, thành phố có 11 trường mầm non ngoài công lập, 21 cơ sở, nhóm trẻ mầm non được các cấp có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động khá hiệu quả, huy động được 514 trẻ nhà trẻ và 3.281 trẻ mẫu giáo, giải quyết việc làm cho 295 lao động gồm 16 cán bộ quản lý, 279 giáo viên.
Đánh giá sự phát triển về loại hình trường, nhóm trẻ mầm non – mẫu giáo trên địa bàn thành phố từ năm 2010 đến nay, Trưởng phòng Dương Thị Ngọc Diễm cho biết: Từ 2010-2015, toàn thành phố có 7 trường mầm non và 8 nhóm trẻ độc lập tư thục, trong đó có 2 trường mầm non được chuyển từ loại hình công lập sang tư thục nhà nước cho thuê cơ sở vật chất 10 năm, các đơn vị còn lại do cá nhân và tổ chức đầu tư vốn 100%.
Hàng năm thu hút trên 500 trẻ nhà trẻ và 2.500 trẻ mẫu giáo vào học, 100% nhà trẻ và mẫu giáo được học 2 buổi/ngày và ăn bán trú tại trường.
Từ năm 2015-2019 có 13 trường mầm non và 32 nhóm trẻ độc lập tư thục, trong đó có 2 trường mầm non được chuyển từ loại hình công lập sang tư thục nhà nước cho thuê cơ sở vật chất 10 năm, các đơn vị còn lại do cá nhân và tổ chức đầu tư 100% vốn. Hàng năm thu hút trên 600 trẻ nhà trẻ, trên 3.800 trẻ mẫu giáo vào học, tăng 6 trường và 14 nhóm trẻ so với giai đoạn trước. Tất cả các cháu nhà trẻ và mẫu giáo được học 2 buổi/ngày và ăn bán trú tại trường.
Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại các trường, cơ sở, nhóm trẻ tư thục được nâng lên rõ rệt, như: đảm bảo an toàn thể chất và tinh thần cho trẻ;
Không để xảy ra ngộ độc; 100% trẻ tại trường, cơ sở đều được cân đo, đánh giá trẻ bằng biểu đồ tăng trưởng và khám sức khỏe định kỳ; 100% trường, cơ sở, nhóm trẻ thực hiện chương trình giáo dục mầm non theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chú ý việc nâng cao chất lượng giáo dục để giúp trẻ đạt được các mục tiêu trong chương trình vào cuối mỗi độ tuổi.
Nhiều trường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đầy đủ, chất lượng giáo dục được nâng cao, được phụ huynh tin tưởng như trường Sao Mai (phường 2), trường Hoa Phượng (phường 1), trường Mai Anh (phường 5), trường Khánh Linh (phường 2), trường Tuổi Thơ (phường 2)…
Để đảm bảo các trường, cơ sở, nhóm trẻ ngoài công lập hoạt động bền vững, hiệu quả, chính quyền và ngành GD-ĐT TP Sóc Trăng thực hiện tốt chế độ, chính sách cho trẻ; thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các đơn vị, nhất là trong đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ, để kịp thời nhắc nhở, xử lý những đơn vị có dấu hiệu sai phạm trong chăm sóc, giáo dục trẻ, nhất là trong bạo hành trẻ em.
Phân công các trường mẫu giáo công lập trên cùng địa bàn phường hỗ trợ chuyên môn cho các trường tư thục từ việc thực hiện hồ sơ sổ sách, xây dựng kế hoạch giảng dạy, dự giờ… từng bước nâng cao chất lượng giáo dục tại các cơ sở này. Đồng thời, có chế độ khen thưởng, biểu dương kịp thời đối với những đơn vị thực hiện tốt công tác quản lý và điều hành hoạt động của trường.
Ông Nguyễn Văn Quận, Bí thư – Chủ tịch UBND TP Sóc Trăng cho biết: “Công tác xã hội hóa giáo dục mầm non ngoài công lập của thành phố Sóc Trăng bước đầu đã đạt được kết quả khả quan, được tỉnh đánh giá là địa phương dẫn đầu trong toàn tỉnh.
Thời gian tới, thành phố tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các trường, cơ sở, nhóm trẻ ngoài công lập hiện có; đồng thời xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển thêm trường, lớp ngoài công lập với các chính sách ưu đãi… nhằm kêu gọi, thu hút cá nhân, tổ chức cùng tham gia thực hiện xã hội hóa giáo dục, giúp thành phố nâng cao được chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo”.