Đặc biệt, một số trường đào tạo, với năng lực và quyền hạn tự chủ của nhà trường, đã có bước chuyển biến mạnh về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và nâng cao chất lượng đội ngũ bảo đảm cho việc tổ chức hiệu quả các hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ cho HSSV.
Nhiều địa phương đã phối hợp sử dụng sân bãi, hồ bơi, nhà tập luyện, thi đấu cho HS tập luyện, vui chơi. Đơn cử như huyện Tánh Linh (Bình Thuận), 100% trường phổ thông tổ chức dạy bơi cho HS ở các bể bơi trong và ngoài trường học. Tuy nhiên, vấn đề này khó thực hiện đối với vùng khó khăn về kinh tế; Ở nhiều nơi, tình trạng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng còn rất hạn chế, còn thiếu, quy mô nhỏ lẻ, chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều trường còn thiếu cơ sở vật chất tối thiểu, phải học 2 ca/ngày, sĩ số mỗi lớp quá đông. Đặc biệt là điểm lẻ của các trường còn gặp rất nhiều khó khăn trong tổ chức giáo dục, nhất là mùa mưa bão, lũ…
Ở nhiều trường phổ thông có khuôn viên hẹp, đông HS, việc tập thể dục tập thể giữa giờ được chia luân phiên theo khối lớp cho các ngày trong tuần, còn lại tự tập tại chỗ ở khu vực lớp học, hành lang nên đã ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu rèn luyện sức khỏe của HS. Bộ GD&ĐT và Trung ương Đoàn đề nghị UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương rà soát việc bố trí, sử dụng sân chơi, bãi tập cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng tại địa phương. Đồng thời phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở hiện có; xã hội hóa nguồn lực để nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh của thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; bố trí kinh phí thực hiện.
Trong công tác quy hoạch, ưu tiên diện tích đất trồng cây xanh công cộng, để thanh thiếu niên tiếp cận và sử dụng cho các mục đích luyện tập thể dục thể thao, nghỉ ngơi và giải trí. Phân công trách nhiệm cụ thể để tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương các cấp, nhà trường, gia đình với các tổ chức đoàn thể trong công tác giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.