Thứ trưởng Ngô Thị Minh khảo sát nhu cầu đầu tư lớp học tại Điện Biên Đông

GD&TĐ - Ngày 17/4, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã đi khảo sát tại các trường học trên địa bàn huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh làm việc với lãnh đạo huyện ủy, HĐND, UBND huyện Điện Biên Đông.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh làm việc với lãnh đạo huyện ủy, HĐND, UBND huyện Điện Biên Đông.

Cùng đi với Thứ trưởng Ngô Thị Minh có đại diện lãnh đạo Công đoàn Giáo dục Việt Nam; lãnh đạo các vụ: Thi đua khen thưởng; Giáo dục - Chính trị, Học sinh, Sinh viên; Giáo dục dân tộc; Giáo dục thể chất và lãnh đạo Báo Giáo dục và Thời đại.

Làm việc với Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT có ông Vừ A Bằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Kiên - Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên; Mùa A Vảng - Bí thư huyện ủy Điện Biên Đông; đại diện lãnh đạo Thường trực huyện ủy, HĐND, UBND huyện Điện Biên Đông và các phòng, ban liên quan của huyện.

Tại Điện Biên Đông, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cùng đoàn công tác đã tiến hành khảo sát tại các trường Mầm non, Tiểu học trên địa bàn các xã: Sa Dung, Phì Nhừ, Keo Lôm.

Đợt khảo sát này nhằm thực hiện chương trình “Kết nối nguồn lực xã hội xây dựng trường học an toàn, thân thiện cho trẻ em, học sinh giai đoạn 2021- 2025”.

Hiện, ngành GD&ĐT huyện Điện Biên Đông có 51 trường, trong đó có 19 trường mầm non, 17 trường tiểu học, 11 trường THCS, 4 trường liên cấp TH&THCS. Huyện có 165 điểm trường lẻ. Toàn huyện có 837 lớp với 22.347 học sinh. Toàn ngành là 1.656 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh khảo sát thực tế tại điểm trường Mầm non Trống Giông, xã Phì Nhừ.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh khảo sát thực tế tại điểm trường Mầm non Trống Giông, xã Phì Nhừ.

Theo thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Điện Biên Đông, toàn huyện có 948 phòng học ở cả 3 cấp; trong đó 328 trường bán kiên cố; 67 phòng học tạm và 5 phòng học mượn. So với quy mô phát triển số lớp, học sinh thì số phòng học và phòng hỗ trợ học tập vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu.

Huyện Điện Biên Đông còn 98/356 phòng công vụ giáo viên bán kiến cố và 145/356 phòng công vụ tạm. So với số lượng cán bộ giáo viên, nhân viên có nhu cầu nhà ở thì số phòng công vụ chưa đáp ứng được nhu cầu của cán bộ giáo viên, nhân viên.

Thiết bị phục vụ việc dạy và học đã được trang bị, mua sắm bổ sung. Song nhiều thiết bị phục vụ việc dạy và học mua sắm từ nhiều năm trước, đã cũ, hết hạn, hỏng, không đồng bộ do đó không sử dụng được.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh và ông Vừ A Bằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên khảo sát tại trường PTBT-THCS Sa Dung
Thứ trưởng Ngô Thị Minh và ông Vừ A Bằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên khảo sát tại trường PTBT-THCS Sa Dung

Bên cạnh đó, so với quy mô phát triển số trường, lớp, học sinh bán trú thì số phòng ở bán trú, nhà tắm, nhà vệ sinh, giếng nước và các vật tư thiết bị phục vụ nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Ngô Thị Minh chia sẻ với những khó khăn mà thầy trò các trường trên địa bàn huyện Điện Biên Đông gặp phải. Theo Thứ trưởng, tuy đường xá đi lại khó khăn, xa xôi, cách trở song cán bộ, giáo viên trong ngành GD&ĐT huyện vẫn không ngừng nỗ lực, tâm huyết yêu nghề, mến trẻ. Đó là điều hết sức quý giá và đáng trân trọng.

Thứ trưởng cũng cho biết, qua đợt khảo sát này, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục đồng hành cùng với tỉnh Điện Biên để thực hiện có hiệu quả chương trình “Kết nối nguồn lực xã hội xây dựng trường học an toàn, thân thiện cho trẻ em, học sinh giai đoạn 2021- 2025”. Trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GD&ĐT sẽ chia làm hai giai đoạn nhỏ. Giai đoạn 1 sẽ tập trung nguồn lực để hỗ trợ 10 đơn vị trường học gồm 5 trường Mầm non: Sao Mai, Keo Lôm; Ban Mai, Sa Dung, Phì Nhừ và 5 trường PTDTBT-TH gồm: Xam Măn, Keo Lôm, Pú Hồng; Phình Giàng, Tìa Dình.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh ân cần thăm hỏi các cháu học sinh dân tộc thiểu số tại xã Keo Lôm
Thứ trưởng Ngô Thị Minh ân cần thăm hỏi các cháu học sinh dân tộc thiểu số tại xã Keo Lôm

Theo thứ trưởng, việc hỗ trợ triển khai xây dựng nhà vệ sinh cho học sinh các trường Mầm non Sa Dung, PTDTBT-TH Keo Lôm (huyện Điện Biên Đông) sẽ được giao cho Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức giám sát quá trình thực hiện; Phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện quản lý nguồn vốn hỗ trợ hiệu quả, đúng mục đích.

Giai đoạn 2 sẽ tiếp tục hỗ trợ cho 10 đơn vị trường học tiếp theo trên địa bàn huyện Điện Biên Đông.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh, việc chăm lo cho sự nghiệp giáo dục là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Bởi vậy, việc triển khai chương trình “Điều ước cho em” ở Điện Biên và các địa phương khác trong cả nước với mong muốn xây dựng mô hình mẫu.

Qua đó, Bộ GD&ĐT mong muốn kêu gọi các tổ chức, cá nhân, cấp ủy chính quyền các cấp hãy dành nhiều hơn nữa tình yêu thương với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Bộ mong muốn sẽ đón nhận nhiều hơn nữa sự chung tay, chia sẻ của các tổ chức, cá nhân với những học sinh nghèo hiếu học, những giáo viên hy sinh cá nhân để bám bản, bám trường, gắn bó với sự nghiệp trồng người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.