Thực đơn “siêu năng lượng” của phi công Su-30MK2

Ngày nào họ cũng phải ăn các món thịt gà, thịt bò, thịt lợn, trứng, cá, rau xanh và uống các loại sữa, chưa kể hôm nào thực hiện bay, phải ăn thêm khẩu phần phụ bồi dưỡng. Và tuyệt đối, phi công không được uống rượu trước khi lên máy bay 24 giờ. Nếu ai không ăn hết khẩu phần là không hoàn thành nhiệm vụ.

Thực đơn “siêu năng lượng” của phi công Su-30MK2

Để đảm bảo sức khỏe, tinh thần làm chủ những chú “hổ mang chúa Su-30MK2”, các phi công của Trung đoàn Không quân 923, Sư đoàn 371 phải tuân thủ quy định về sinh hoạt, ăn uống, ngủ, nghỉ... rất khắt khe.

Ăn - tập cũng là nhiệm vụ

Để có đủ thể lực lái chiếc Su-30MK2, lao trong không trung với tốc độ 2.500km/giờ, thực hiện những bài nhào lộn, khoan phá, bắn, ném... mà vẫn làm chủ được các thiết bị, điện tử, vũ khí, hàng ngày các anh phải ăn và tập theo những chế độ, giáo án riêng.

2 phi đội trưởng Phí Văn Mạnh và Tạ Hữu Cường là anh em 1 nhà. Ảnh: G.T

Trong phi đội trực chiến tại sân bay Sao Vàng, chúng tôi gặp phi công Vũ Đức Hùng (sinh năm 1985), nặng 93kg với thân hình rất đẹp. Anh cười vui: “Ngày trước, em cũng gầy lắm, vào đây, ăn - ngủ - nghỉ rất khoa học nên giờ mới được như thế này”. Nếu như người bình thường chỉ cần 1.600- 1.800 kilocalo thì với phi công, yêu cầu bắt buộc phải nạp vào cơ thể tới 4.680 kilocalo mỗi ngày. Có nghĩa, ngày nào họ cũng phải ăn các món thịt gà, thịt bò, thịt lợn, trứng, cá, rau xanh và uống các loại sữa, chưa kể hôm nào thực hiện bay, phải ăn thêm khẩu phần phụ bồi dưỡng. Và tuyệt đối, phi công không được uống rượu trước khi lên máy bay 24 giờ. Nếu ai không ăn hết khẩu phần là không hoàn thành nhiệm vụ.

Đó chỉ là việc ăn, còn hàng ngày dù trực chiến, hay làm các nhiệm vụ huấn luyện, các anh vẫn phải luyện tập. Sáng thể dục bằng bài chạy bộ hàng km, chiều chơi các môn thể thao hàng không, bắt buộc mỗi ngày phải thực hiện 1 giờ tập với những động tác vòng xoay, thang quay, vòng đổ. Ngoài ra, còn các môn thể thao đối kháng như bóng rổ, bóng chuyền cũng phải tập bổ trợ. Theo phi công Hùng, phi công tiêm kích đòi hỏi khả năng đối kháng rất cao, tính quyết đoán tấn công, không khoan nhượng, nên những môn thể thao đối kháng góp phần rèn tính độc lập tác chiến, sự quyết đoán cho phi công trên không trung.

Ngoài luyện tập thể thao, hàng ngày phi công phải thực hiện những bài tập nguội trong cabin được mô phỏng như những buồng lái thật. Có các thiết bị âm thanh, dẫn đường, cần lái như trên máy bay để phi công luyện tập, thành thạo thao tác hàng ngày. Rồi tập bay theo đội hình, phi đội, nghĩa là mỗi phi công cầm trên tay một mô hình máy bay. Cứ 2 người một cặp, họ làm các động tác nhào lên, lộn xuống như múa. Miệng thì hô các thao tác, làm sao cho đều, cho chuẩn.

Phi công “ba trong một”

Tại Trung đoàn Không quân 923, Sư đoàn 371, thiếu tá Phí Văn Mạnh - phi đội trưởng phi đội 1 và trung tá Tạ Hữu Cường - phi đội trưởng phi đội 2 ở sân bay Sao Vàng là những người gắn bó với nhau lâu nhất. Hai anh cùng nhập ngũ với nhau một ngày, chơi với nhau từ khi còn là tân binh, đến học viên, rồi cùng được phong làm phi công cấp 1. Hiện tại cả 2 đều là những hạt nhân của đơn vị Su-30MK2. Mọi người trong đơn vị vẫn gọi cặp đôi này là phi công “ba trong một”, bởi các anh vừa là bạn, vừa là đồng đội, anh em.

Hiện trong toàn quân, chỉ có 2 cặp là anh em. Trên sân bay Kép ở Bắc Giang, có 2 anh phi công lấy 2 chị em gái. Còn ở sân bay Sao Vàng này, anh Mạnh và anh Cường lại khác. Nhập ngũ với nhau cùng một ngày, ở cùng phòng với nhau, cùng nhau phát triển. Anh Cường kể: “Tôi quê ở Ninh Bình, hè đến tôi về nhà anh Mạnh ở Hà Nội chơi, anh Mạnh có cô em gái sinh viên khoa Toán - Tin trường sư phạm. Qua nói chuyện thấy hợp quá, chúng tôi yêu nhau từ lúc nào không hay”. Đến năm 2004, tôi và em gái anh Mạnh làm đám cưới. Tôi cưới đầu năm, cuối năm anh Mạnh lấy vợ”.

Hiện tại, vợ anh Cường đang là giáo viên dạy toán tin và họ có với nhau 2 cậu con trai, sẵn sàng nối nghiệp cha làm phi công. Anh được Quân chủng Phòng không, Không quân cấp cho một lô đất theo tiêu chuẩn phi công chiến đấu, tại đường Lê Trọng Tấn (Hà Nội). Anh đã dựng được căn nhà và có một mái ấm hạnh phúc. Anh Cường tâm sự, đứng trong hàng ngũ phi công không chỉ bản thân mình rất vinh dự, tự hào, mà mình còn được Nhà nước quan tâm, có một gia đình hạnh phúc, một hậu phương vững chắc, có những người đồng chí thân thiết như anh em ruột thịt.

Nói về người đồng đội- em rể Tạ Hữu Cường, ông anh vợ Phí Văn Mạnh rất vui tâm sự: “Tuy cả 2 đều là chỉ huy cấp phân đội, nhưng chúng tôi gắn bó với nhau từ thuở còn là binh nhất. Mình có đứa em gái ngoan được gả cho Cường thì vui nhất rồi, chúng mình không chỉ hợp nhau trong cuộc sống, khi bay cùng trên trời cũng rất hiểu nhau. Khi cùng nhau xuất kích, chúng mình đều phối hợp ăn ý và hoàn thành nhiệm vụ”.

Chia sẻ thêm về cuộc sống gia đình, anh Mạnh cho hay anh cũng lấy vợ giáo viên dạy toán. “Tuy xa nhà nhưng chúng tôi không cô đơn bởi chúng tôi mang theo hình bóng vợ con, gia đình theo những chuyến bay”.

Khi thao tác trên máy bay, phi công thường chịu một lực tải 350kg đè lên cơ thể với 3 tư thế, tải dọc, ngang và đứng. Có ăn, uống, tập luyện tốt mới đủ tinh thần, thể lực làm chủ được khí tài, bầu trời và chủ động mọi tình huống.

Theo danviet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ