Thúc đẩy xây dựng xã hội học tập và giáo dục mở

GD&TĐ - ‘Vai trò của giáo dục mở trong xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam’ là chủ đề của Hội thảo khoa học quốc gia diễn ra ngày 1/11.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội thảo,
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội thảo,

Hội thảo do Trường ĐH Mở Hà Nội tổ chức với sự tham gia Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc và đông đảo chuyên gia, nhà khoa học.

Mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, Việt Nam đang đứng trước cuộc cạnh tranh khốc liệt về nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh giáo dục mở, từ xa chính là mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục, cơ hội được học của người dân.

“Tuy nhiên, còn có rất nhiều vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu. Tôi mong rằng, chúng ta và đặc biệt là các nhà khoa học sẽ cùng chung tay, nỗ lực thực hiện, đề xuất các giải pháp phát triển giáo dục mở, thúc đẩy xây dựng xã hội học tập” – Thứ trưởng bày tỏ.

Mong muốn các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề cập đến vấn đề xây dựng hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, có sự tham gia của các cơ sở giáo dục, các thiết chế ngoài nhà trường.

Qua đó, nhằm đa dạng hoá các mô hình đào tạo, chương trình giáo dục và phương thức học tập để phù hợp với mọi đối tượng người học, thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.

Thứ trưởng gợi mở triển khai các nền tảng chuyển đổi số phục vụ dạy - học, khảo thí trực tuyến; đồng thời kết nối nền tảng dạy học trực tuyến với nền tảng quản trị nhà trường, tạo nên hệ sinh thái chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục.

Mặt khác, phát huy khả năng tự học, nghiên cứu độc lập của người học; tổ chức các hình thức đào tạo, bồi dưỡng để phát triển, nâng cao năng lực số cho người dân.

Ngoài ra, cần xây dựng và tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khuyến học, khuyến tài; khơi dậy nhiệt tình của đội ngũ giảng viên theo đuổi sự nghiệp giáo dục mở và chung tay xây dựng xã hội học tập. Tranh thủ tối đa các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế để phát triển tài nguyên giáo dục mở phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của người dân.

Đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời

PGS.TS. Nguyễn Thị Nhung - Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội phát biểu tại Hội thảo.

PGS.TS. Nguyễn Thị Nhung - Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội phát biểu tại Hội thảo.

Thứ trưởng nhấn mạnh, giáo dục mở không chỉ có vai trò nhân văn, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời, tạo điều kiện cho người dân nâng cao trình độ, chuyển đổi nghề nghiệp mà còn là nền tảng có tính toàn diện nhằm phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Từ ý nghĩa trên, Thứ trưởng đề nghị, các viện nghiên cứu, trường đại học cần tăng cường liên kết, hình thành các nhóm nghiên cứu về giáo dục học nói chung và giáo dục mở nói riêng để thực hiện các nghiên cứu;

Đồng thời đề xuất các giải pháp phục vụ công tác quản lý, tổ chức các hoạt động cụ thể, hiệu quả trong các lĩnh vực liên quan đến giáo dục mở, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.

“Ở đây có Trường ĐH Mở Hà Nội và Trường ĐH Mở Thành phố Hồ Chí Minh, tôi đề nghị các đồng chí chủ động nghiên cứu, khẳng định vai trò là các trung tâm xây dựng và nghiên cứu phát triển công nghệ đào tạo mở và từ xa; phát triển học liệu mở và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phục vụ học tập suốt đời” – Thứ trưởng nhấn mạnh.

Đối với các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT, đặc biệt là Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Thứ trưởng lưu ý, tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học phát triển các hướng nghiên cứu cơ bản, ứng dụng để phát triển giáo dục mở, từ xa và đảm bảo chất lượng trong các lĩnh vực liên quan đến giáo dục mở, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời. Vụ Giáo dục thường xuyên nghiên cứu, tham mưu chế độ tôn vinh các cơ sở giáo dục có đóng góp quan trọng trong xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Thị Nhung điều hành phiên thảo luận.

PGS.TS Nguyễn Thị Nhung điều hành phiên thảo luận.

Trao đổi tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Nhung - Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội nhấn mạnh, giáo dục được coi là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người. Tuy nhiên, sự phát triển không đồng đều giữa các quốc gia, vùng miền, dân tộc dẫn tới cơ hội tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng vẫn đang còn là thách thức đối với nhân loại.

Trong bối cảnh phát triển kinh tế xã hội nhanh chóng, PGS.TS Nguyễn Thị Nhung nhìn nhận, thúc đẩy tiếp cận giáo dục là nhiệm vụ quan trọng, không chỉ giúp người dân được học tập, làm việc bình đẳng, mà còn góp phần giảm khoảng cách giàu -nghèo, mang lại cơ hội hòa nhập và thực hiện quyền bình đẳng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Theo Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội, giáo dục mở được coi là “triết lý cải cách giáo dục”, giúp xoá khoảng cách địa lý, thời gian, không gian, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân được học tập, có cơ hội để phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cá nhân. Qua đó, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với chất lượng nguồn nhân lực.

Cho rằng, một số khái niệm cần thống nhất, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến – nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trao đổi, mục đích của giáo dục mở là mở rộng sự tiếp cận, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời và tham dự thành công của mọi người trong giáo dục. Giải pháp giáo dục mở là dỡ bỏ các rào cản và phương tiện chủ yếu hiện nay là công nghệ số.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến nhận thấy, có khoảng cách lớn giữa một bên là chủ trương mang tính khát vọng về giáo dục mở học tập suốt đời, còn một bên là sự vắng mặt của môi trường chính sách quốc gia về chuyển đổi số trong giáo dục mở.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến tham luận tại Hội thảo.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến tham luận tại Hội thảo.

Để xây dựng chính sách khả thi trong bối cảnh cụ thể của đất nước, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, rất cần nhận diện đầy đủ các khoảng cách. Trong đó, quan trọng nhất là khoảng cách giữa hiện trạng, mục tiêu mong muốn; về hạ tầng số, nền tảng số, năng lực số; số giữa các vùng miền, giữa nông thôn và thành thị, giữa các tầng lớp dân cư khác nhau.

“Thay vì một hệ thống chính sách dàn trải như bấy lâu nay quen làm, chúng ta hãy tập trung trước hết vào việc ban hành và thực hiện thật tốt các chính sách ưu tiên trong việc rút ngắn các khoảng cách trên” - TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến trao đổi.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học tập trung thảo luận, đưa ra cách hiểu thống nhất về giáo dục mở dưới góc độ thực hành. Các chuyên gia cũng phân tích mối quan hệ giữa chuyển đổi số và giáo dục mở; chỉ ra những bất cập, những những khoảng cách giữa chính sách và thực tế triển khai; đồng thời, đề xuất các giải pháp phát triển giáo dục mở phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của người dân và phát triển xã hội học tập ở Việt Nam.

Các ý kiến cũng làm rõ xu hướng phát triển EdTech và vai trò của nó đối với giáo dục mở tại Việt Nam; ảnh hưởng của Trí tuệ Nhân tạo (AI) đối với xu hướng việc làm; các giải pháp liên kết giữa trường đại học, các cơ sở giáo dục thường xuyên, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và doanh nghiệp để chuẩn bị cho người học những kỹ năng học tập suốt đời nhằm phát triển xã hội học tập.

Liên quan đến việc phát triển tài nguyên giáo dục mở - nền tảng quan trọng để phát triển giáo dục mở, các chuyên gia, nhà khoa học đã phân tích, định hình khung năng lực tài nguyên giáo dục mở làm tham chiếu, cho phép các quốc gia/tổ chức/cơ sở/giáo dục có thể tùy chỉnh cho phù hợp với bối cảnh của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ