Dù là con đường khó khăn nhưng tất yếu phải đi để một nền giáo dục không bị bỏ lại phía sau; trong đó cần triển khai tích cực phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030”.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức: Đẩy mạnh chuyển đổi số
Ông Dương Anh Đức. |
Để triển khai Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030”, TPHCM chú trọng tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền thành phố đối với việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Đẩy mạnh việc phối hợp của các thành viên Ban Chỉ đạo Xây dựng xã hội học tập với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội nhằm triển khai có hiệu quả và từng bước đạt các mục tiêu của Kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn. Ngoài ra, đưa nội dung tham gia xây dựng xã hội học tập vào kế hoạch hàng năm của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và là tiêu chí đánh giá thi đua.
Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời. Đa dạng nội dung giáo dục, đào tạo, đổi mới mạnh mẽ các phương thức giảng dạy và học tập kết hợp với việc ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ thông tin và khai thác nguồn tài nguyên giáo dục mở để mở rộng tiếp cận và nâng cao năng lực tự học, chất lượng học tập cho mọi người dân.
Ngoài ra, tăng cường công tác phối hợp, liên kết giữa các ngành, tổ chức, đơn vị, cơ sở giáo dục, cơ sở văn hóa thể thao để tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng thiết thực, hiệu quả gắn với phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Đẩy mạnh hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn, giúp người dân trang bị kiến thức chăm lo cuộc sống, nâng cao dân trí. Đồng thời, phát triển các mô hình trung tâm học tập cộng đồng ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, phát triển công nghệ đào tạo mở và từ xa. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp trong và ngoài nước trong việc huy động các nguồn lực nhằm tổ chức các chương trình, hoạt động tạo cơ hội học tập cho mọi người.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Phạm Anh Tuấn: Vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là yêu cầu chiến lược
Ông Phạm Anh Tuấn. |
Sau 18 năm triển khai thực hiện các Đề án “Xây dựng xã hội học tập”, đặc biệt là Đề án giai đoạn 2012 - 2020, Hà Nội là địa phương hoàn thành cả 4 mục tiêu cơ bản của Đề án, trong đó có nhiều chỉ tiêu cao hơn tỷ lệ chung của cả nước. Tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 - 60 đạt 99,97% (cả nước đạt 97,85%). Số cán bộ, công chức tham gia các chương trình học tập nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin đạt 100% (cả nước đạt 93,89%). Số cán bộ, công chức có trình độ ngoại ngữ bậc 2 đạt 50% (cả nước đạt 43,53%). Số cán bộ, công chức được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quy định đạt 100% (cả nước đạt 94,22%)…
Xây dựng xã hội học tập vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là yêu cầu chiến lược, nhiệm vụ cơ bản, lâu dài của nền giáo dục nước ta trong giai đoạn hiện nay, quyết định thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; quyết định trong việc biến đổi nền kinh tế Việt Nam thành nền kinh tế tri thức, góp phần đưa xã hội Việt Nam thành một xã hội trí tuệ, hiện đại, hội nhập kinh tế thế giới.
Để góp phần thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, tôi cho rằng, cần phát huy sức mạnh Khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đưa nội dung thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập gắn với nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, cuộc vận động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào thi đua “Xây dựng gia đình, ông, bà, cha, mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, xây dựng gia đình, cơ quan đơn vị, khu dân cư văn hóa không có tệ nạn xã hội…
Mặt khác, tích cực, chủ động đề xuất những sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, góp phần vào sự thay đổi phương thức học tập, mô hình học tập. Từ đó, có những kết quả học tập hiệu quả, phù hợp hơn; tạo ra một xã hội học tập mà không có ai bị bỏ lại phía sau, xây dựng một hệ thống giáo dục công bằng, để mọi người đều có thể tiếp cận và hưởng lợi từ giáo dục.
Đặc biệt, cần tăng cường công tác giám sát, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ quản lý trong nhà trường và các cơ sở giáo dục, trung tâm học tập cộng đồng… trong tổ chức thực hiện xây dựng xã hội học tập; gắn kết mối liên hệ chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội, tiếp tục xây dựng, nhân rộng mô hình “Xã hội học tập”, “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”…
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Thọ Vi Mạnh Hùng: Tăng cường công tác tuyên truyền
Ông Vi Mạnh Hùng. |
Để phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030” thực sự có chiều sâu, tôi cho rằng, cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến trong tư duy và hành động của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa của việc học tập thường xuyên, học suốt đời theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đồng thời, chỉ đạo định hướng các cơ quan thông tin đại chúng đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, chú trọng tuyên truyền gương các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.
Các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị làm tốt công tác phối hợp tham mưu giúp Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh có những cơ chế, chính sách phù hợp để xây dựng xã hội học tập. Mặt khác, quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động Hội Khuyến học các cấp, làm nòng cốt trong phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập suốt đời.
“UBND TPHCM sẽ phát động các cuộc vận động, phong trào thi đua về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập sâu rộng trên địa bàn, gắn kết chặt chẽ và hiệu quả với các cuộc vận động, phong trào thi đua khác nhằm thúc đẩy việc học tập trong mọi gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư” - ông Dương Anh Đức.