Đảm bảo cuộc sống và không lo biên chế
Theo thầy giáo Lý Hoàng Luân, dự thảo Luật sửa đổi bổ sung lần này đã quan tâm sâu sát tới đời sống giáo viên, nhận định rõ thực trạng đãi ngộ đội ngũ giáo viên hiện nay.
Có thể nói lương giáo viên đang ở mức trung bình thấp. Một giáo viên mới ra trường có trình độ ĐH dạy ở bậc THPT hưởng hệ số lương là 2,34, vị chi khoản hơn 3 triệu đồng.
Số tiền lương đó so với khối công việc mà giáo viên phải đảm nhiệm là chưa hợp lý. Với số tiền vào khoảng hơn 3 triệu đồng không đủ trang trải cho cuộc sống của riêng giáo viên chứ đừng nói đến chuyện lo cho gia đình.
“Không riêng gì tôi mà nhiều giáo viên khác có thâm niên gần 10 năm nhưng mức lương chỉ khoảng 5 triệu đồng. Chi phí sinh hoạt và học hành cho con cái gần như không đủ. Nếu cả hai vợ chồng gói ghém lắm thì may ra vừa đủ ăn chứ đừng nói là dư. Việc có nhiều giáo viên ở trọ, chưa có nhà ở sau gần chục năm cống hiến cho ngành còn phổ biến. Để đảm bào cho cuộc sống, nhiều thầy cô tôi biết phải kiêm luôn nghề sữa máy tính, vô mực, buôn bán máy móc linh kiện điện tử, vậy thời gian đâu đầu tư cho sư phạm?” – thầy Luân tâm sự.
Nếu được tăng lương, tôi hy vọng lương sẽ ở mức trung bình từ khoảng 5-7 triệu đồng. Đồng thời phải có những ưu đãi đối với giáo viên. Khi cuộc sống của họ được đảm bào thì họ mới có thể dốc hết tâm, hết sức cống hiến cho nghề. Lương tăng đồng nghĩa trách nhiệm đồi với học sinh và công việc cũng cao hơn. Họ có thời gian đầu tư cho giáo án, bài dạy. Có thời gian chăm lo cho học sinh.
Biên chế là mong mỏi ổn định nghề nghiệp của nhà giáo nhưng điều đó đang gây ra trở ngại cho không ít giáo viên đã cống hiến 5-7 năm tại trường, nhưng chỉ duy trì hợp đồng và không vào được biên chế, mất đi một phần lương và các chế độ phúc lợi khác. Những người dạy hợp đồng thì lúc nào cũng phải nỗ lực để có cơ hội được giữ lại hợp đồng tiếp, còn giáo viên biên chế thì nhiều người cứ “tình tang chờ đến tháng lãnh lương”.
“Nếu bỏ biên chế toàn bộ mới tăng lương sẽ đảm bảo sự phấn đấu toàn tâm toàn lực của giáo viên. Bỏ biên chế sẽ giảm nhiều gánh nặng nhưng là nỗi lo của cơ quan quản lý khi mà hiện tượng quan liêu sẽ xảy ra nếu như thủ trưởng ưu ái cho vài cá nhân. Nếu bỏ biên chế chuyển toàn bộ sang hợp đồng thì cần phải có một cơ chế đánh giá độc lập mang tính hội đồng trong việc định đoạt thời hạn hợp đồng đối với những giáo viên chưa thực sự phấn đầu hết mình” – thầy Luân chia sẻ.
Miễn học phí THCS thúc đẩy phát triển xã hội học tập
Cùng với lương, dự thảo cũng đề xuất mở rộng đối tượng không phải đóng học phí tới cấp THCS ở các trường công lập. Bàn về vấn đề này, thầy Luân nói: “Việc dự thảo Luật đề xuất mở rộng đối tượng không phải đóng học phí đến bậc THCS công lập là tiền đề thực hiện phổ cập giáo dục, đặc biệt là đẩy mạnh phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phân luồng”.
Theo thầy Luân, việc miễn học phí là xu hướng tất yếu trong bối cảnh chung. Chủ trương nếu đi vào hiện thực sẽ thúc đẩy xã hội học tập phát triển và đảm bảo sự công bằng trong thụ hưởng thành quả giáo dục. Những người nghèo có khả năng cho con em của mình đi học. Việt Nam cũng cần hướng đến phổ cập một nền giáo dục chất lượng. Miễn học phí ở cấp THCS sẽ là động lực thúc đẩy số lượng người đi học nhiều hơn.
Bên cạnh đó, dự thảo còn quy định mức thu học phí sẽ được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục, Chính phủ quy định cơ chế thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập được nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên thuộc trung ương quản lý.
“Miễn học phí cũng phải đi liền với miễn giảm các khoản thu khác, chứ đừng lặp lại câu chuyện giảm khoản này bồi thêm khoản khác. Phải làm sao cho việc đi học đối với mỗi người dân thực sự đơn giản. Nỗi lo về gánh nặng tiền học và các khoản phụ thu sẽ không còn canh cánh trong lòng mỗi bậc phu huynh vào dịp đầu năm học mới” – thầy Luân bày tỏ.