GS.VS Phạm Minh Hạc: Tăng lương cho giáo viên là việc làm chính đáng và thiết thực

GD&TĐ - "Một giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh nhưng thu nhập có 3,5 triệu/tháng và hàng tuần vẫn phải nhờ bố, mẹ trợ cấp gạo. Đây là một thực tế, vì vậy tăng lương cho giáo viên là việc làm chính đáng và thiết thực".

Tăng lương cho giáo viên là việc làm chính đáng và thiết thực. Ảnh: Một lớp học ở Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (TP Lào Cai) - Minh Phong
Tăng lương cho giáo viên là việc làm chính đáng và thiết thực. Ảnh: Một lớp học ở Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (TP Lào Cai) - Minh Phong

GS.VS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục nhấn mạnh điều này khi trao đổi riêng với phóng viên báo Giáo dục & Thời đại.

Giáo viên phải nhận trợ cấp gạo từ bố mẹ

 Trước đây, tôi được biết, trong 28 ngành thì mức thu nhập của ngành Giáo dục đứng thứ 14, mặc dù chưa phải hạng bét. Nhưng trong thực tế, thu nhập của giáo viên là rất thấp và không đảm bảo được đời sống cho họ. Thiết nghĩ, phải có bảng lương riêng cho ngành Giáo dục một cách thích đáng như một số nước đã làm.
GS.VS Phạm Minh Hạc

Theo GS.VS Phạm Minh Hạc, lương cho giáo viên là vấn đề phức tạp. Hiện nay, có lẽ chỉ còn ngành Giáo dục mới sống bằng lương, còn các ngành khác hầu như đều có phụ cấp.

"Theo tôi được biết các ngành khác, đều có phụ cấp. VD: Một kỹ sư mới ra trường làm vở vùng dầu khí có thể có thu nhập vài chục triệu/tháng. Một số ngành khác còn có phụ cấp ăn trưa, đó cũng là một khoản thu nhập đáng kể cho người lao động" - GS.VS Phạm Minh Hạc dẫn giải.

GS.VS Phạm Minh Hạc - phân tích: Thực tế thu nhập của những người làm việc trong ngành Giáo dục và các ngành nghề khác có sự chênh lệch đáng kể. Điều đó ai cũng biết và những người có trách nhiệm càng biết rõ nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết.

"Thực tế này dẫn đến việc giáo viên phải làm thêm nhiều việc khác để trang trải cuộc sống. Chẳng hạn, giáo viên ở thành thị làm thêm một số công việc khác, còn ở nông thôn thì họ phải tăng gia sản xuất bằng cách làm ruộng, làm vườn.

Như thế thì còn thời gian đâu để đọc sách, nghiên cứu, tự học và chấm bài cho học sinh. Trong khi đó ở các nước có điều kiện thì giáo viên về nhà chỉ có chấm bài, đọc sách và nghiên cứu thêm tài liệu" - GS.VS Phạm Minh Hạc chia sẻ.

Kể lại câu chuyện có thật mà ông đã từng chứng kiến, GS.VS Phạm Minh Hạc - cho hay: "Tôi có về một trường THCS ở ngoại thành Hà Nội. Giáo viên đó dạy giỏi và được thi cấp thành phố. Mặc dù là giáo viên dạy giỏi nhưng lương 3,5tr/tháng. Hàng tuần giáo viên đó vẫn phải về nhà xin bố mẹ gạo để ăn. Chuyện đó là có thật.

GS.VS Phạm Minh Hạc: Lương, thu nhập của giáo viên hiện nay còn nhiều bất cập.
GS.VS Phạm Minh Hạc: Lương, thu nhập của giáo viên hiện nay còn nhiều bất cập.

Tăng thu nhập cho giáo viên là chính đáng

Dẫn lại câu nói của người xưa: "Biết mười dạy một"; GS.VS Phạm Minh Hạc - nhấn mạnh: Muốn như vậy thì giáo viên phải có thời gian đọc thêm.

Tuy nhiên, thực tế giáo viên hiện nay không còn tâm trạng đọc, nghiên cứu tài liệu bởi thực tế đời sống của giáo viên đang ảnh hưởng rất nhiều đến trình độ tự học, tự đào tạo của giáo viên. Điều này là rất bất hợp lý.

Theo GS.VS Phạm Minh Hạc, một số nước như Hàn Quốc, giáo viên trung học có thu nhập khoảng 7.000 USD/tháng; một số nước khác thu nhập của giáo viên dao động 4.000-6.000 USD/tháng; thậm chí giáo viên trung học có thể thu nhập cao hơn.

Hay như ở nước MỸ, đối với bậc đại học, giáo sư ở bậc cao nhất có thu nhập chỉ kém Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Ví dụ như: Năm 1982, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao có thu nhập khoảng 180.000 USD/năm, trong khi đó giáo sư bậc cao nhất có mức thu khoảng 160.000 USD/năm.

Trở lại câu chuyện của Việt Nam, GS.VS Phạm Minh Hạc - cho rằng: Lương, thu nhập của giáo viên hiện nay còn nhiều bất cập. Chúng ta đã thống nhất với nhau rằng, muốn nâng cao chất lượng, đổi mới toàn diện căn bản toàn diện giáo dục - đào tạo chính là phải đẩy mạnh dạy tốt, học tốt. Mà muốn dạy tốt thì đời sống của giáo viên phải được cải thiện, ít nhất là công bằng với các ngành khác.

"Thiết nghĩ việc đề xuất tăng lương cho giáo viên như trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung là hợp lý" - GS.VS Phạm Minh Hạc bày tỏ quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ