Hội đồng trường là hội đồng quyền lực
Cụ thể, Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung các điều 14, 16, 16a, 17, 17a, 18, 20… Luật GDĐH hiện hành nhằm đổi mới công tác quản trị đại học theo hướng quy định rõ cơ chế quản trị trong trường đại học công lập tự chủ, trường đại học tư thục và trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận (not for profit).
Đối với các trường đại học công lập tự chủ, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tới quản trị đại học với Hội đồng trường là hội đồng quyền lực, thực hiện chức năng quản trị trong trường đại học tự chủ.
Hội đồng trường có tối thiểu 30% thành viên là các nhà khoa học, quản lý, doanh nhân, nhà hoạt động xã hội… ở ngoài trường; có tối thiểu 25% là các GS, PGS, nhà giáo tiêu biểu ở các khoa, bộ môn; có các quyền của tổ chức quản trị trường, quyết định định hướng phát triển, ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính, quyết định cơ cấu tổ chức và các nhân sự quan trọng trong bộ máy quản lý, điều hành. Ban giám hiệu thực hiện chức năng quản lý, điều hành các hoạt động của nhà trường theo quy định của pháp luật và theo quyết nghị của hội đồng trường.
Các trường thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo tạo nhân lực phục vụ an ninh quốc phòng theo chỉ tiêu nhà nước giao nên hội đồng trường do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Đối với các trường tư thục, bổ sung quy định về bộ máy quản lý theo tiêu chí chủ sở hữu (sửa đổi điều 14); bổ sung quy định cụ thể về đại hội đồng cổ đông và ban kiểm soát là những thiết chế quản trị đại học hiện đại, vận dụng theo cơ chế quản trị doanh nghiệp (bổ sung điều 16a và 17a).
Đối với các trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, quy định cơ chế quản trị gần giống trường công lập tự chủ, phân biệt rõ với cơ chế quản trị của trường đại học tư thục khác.
Ảnh minh họa/internet |
Đổi mới quản lý đào tạo
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các điều 6, 33-38, 45…Luật GDĐH hiện hành nhằm đổi mới quản lý đào tạo để đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiệm cận với các chuẩn quốc tế; nội dung sửa đổi, bổ sung theo hướng xây dựng một số khái niệm tương đồng với quốc tế và các chuẩn cho GDĐH (chuẩn chương trình, chuẩn giảng viên, chuẩn cơ sở GDĐH…) làm công cụ quản lý nhà nước, tạo không gian thống nhất trong toàn hệ thống GDĐH Việt Nam, phù hợp với xu hướng quốc tế và lộ trình thực hiện tự chủ của các cơ sở GDĐH.
Về liên kết đào tạo, dự thảo Luậtquy định không thực hiện liên kết đào tạo đối với các ngành đào tạo bác sĩ để đảm bảo chất lượng đào tạo các ngành này.
Về thời gian đào tạo, Dự thảo sửa đổi, bổ sung thời gian đào tạo, luật hoá khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và phù hợp với yêu cầu của các lĩnh vực đào tạo.
Quy định cụ thể thẩm quyền của Bộ GDĐT và cơ sở GDĐH trong việc quy định thời gian đào tạo phù hợp với từng trình độ, hình thức, phương thức đào tạo, đáp ứng nhu cầu của người học; giao Chính phủ quy định cụ thể trình độ, hình thức đào tạo định hướng nghề nghiệp chuyên sâu trong GDĐH ở một số ngành chuyên môn đặc thù.
Về chương trình đào tạo, dự thảo sửa đổi, bổ sung theo hướng chương trình đào tạo phải bảo đảm yêu cầu liên thông giữa các trình độ và với các chương trình đào tạo khác; bảo đảm quy định về chuẩn chương trình GDĐH; giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định Khung trình độ Quốc gia Việt Nam làm căn cứ thống nhất để các trường xác định loại chương trình, chuẩn đầu ra cho các trình độ đào tạo. Về tổ chức quản lý đào tạo bỏ quy định về đào tạo theo niên chế để phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục, thực hiện tổ chức đào tạo thống nhất theo tín chỉ.