Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục có đề cập chính sách thu hút học sinh, sinh viên sư phạm và cơ bản giữ quy định về phổ cập giáo dục như Luật hiện hành.
Liên quan đến nội dung này, báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật này của của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, có nêu: Nước ta đã đạt mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ (năm 2000), phổ cập giáo dục THCS (năm 2010) và phổ cập GDMN 5 tuổi (năm 2017). Trong giai đoạn tiếp theo, cần tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập, cải thiện các chỉ tiêu, tiêu chí phổ cập.
Thường trực Ủy ban, đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu để cụ thể hoá quy định của Hiến pháp (1992, 2013) về giáo dục bắt buộc ở cấp tiểu học; nghiên cứu để thể chế hóa quan điểm, nhằm đạt được các mục tiêu liên quan đến chính sách phổ cập giáo dục theo Nghị quyết 29-NQ/TW.
Đồng thời, cần phát triển các quy định liên quan đến phổ cập giáo dục, làm rõ cơ chế trách nhiệm từ phía nhà nước và người học để đạt mục tiêu phổ cập; luật hóa quan điểm về chính sách hỗ trợ người học trong độ tuổi phổ cập, bảo đảm tính đồng bộ trong tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, còn có ý kiến đề nghị thực hiện phổ cập giáo dục đối với GDMN 3-4 tuổi để phát huy vai trò của giáo dục sớm đối với sự phát triển nhân cách, trí tuệ của trẻ cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.
Về chính sách thu hút học sinh, sinh viên sư phạm, Dự thảo Luật đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm bằng quy định được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí. Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm.
Theo ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Thường trực Ủy ban có 2 loại ý kiến về vấn đề này. Cụ thể:
Ý kiến thứ nhất tán thành với nội dung sửa đổi để thực hiện chi trả chính sách đúng đối tượng làm việc trong ngành giáo dục, và đề nghị cần nghiên cứu kỹ cách thức tổ chức thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học; bổ sung quy định về việc hoàn trả học phí trong trường hợp người học tự đóng học phí.
Ý kiến thứ hai đề nghị giữ lại quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm để thể hiện rõ quan điểm ưu tiên, chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban cho rằng, dù thực hiện chính sách cấp tín dụng hay miễn học phí, để giải quyết các bất cập về lãng phí ngân sách, thời gian, nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm, cần tổ chức tốt công tác quy hoạch các cơ sở đào tạo sư phạm và nhân lực ngành giáo dục, làm căn cứ để đầu tư đúng và đủ, bảo đảm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp; sửa đổi các quy định về tuyển sinh, đào tạo sư phạm để nâng cao chất lượng đầu vào; nâng cao vị thế nhà giáo, tăng tính hấp dẫn của nghề giáo, cùng với chính sách ưu đãi trong đào tạo, bồi dưỡng để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục trong thời gian tới.