Báo Giáo dục và Thời đại đã trao đổi với ông Đoàn Minh Thắng – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên – Huế về công tác hướng nghiệp cho học sinh.
PV: Kế hoạch về hướng nghiệp cho học sinh tỉnh Thừa Thiên – Huế đang được triển khai như thế nào thưa ông?
Ông Đoàn Minh Thắng: Hiện nay, Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế cùng với tất cả các địa phương trên toàn quốc thực hiện 2 chương trình Giáo dục phổ thông đó là Chương trình phổ thông 2006 ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5/6/2006 của Bộ GD&ĐT (gọi tắt là Quyết định 16) đối với các lớp 8, 9, 11, 12 và Chương trình phổ thông 2018 ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ngày 27/12/2018 của Bộ GD&ĐT về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (gọi tắt là Thông tư 32) đối với các lớp 6, 7, 10.
Bên cạnh đó, Sở tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1882/QĐ-UBND ngày 24/8/2018 về việc phê duyệt “Kế hoạch giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” nhằm thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”.
Thực hiện các văn bản nêu trên, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện các nội dung cụ thể như sau:
Về thời lượng và nội dung: Đối với các lớp 9, 11, 12 năm học 2022-2023, thực hiện 9 tiết/ lớp/ năm học, mỗi tháng 1 chủ đề theo quy định của Bộ GD&ĐT; Các chủ đề cụ thể cho từng khối lớp được quy định cụ thể trong chương trình theo Quyết định số 16. Mỗi khối lớp học sẽ có những chủ đề cụ thể riêng.
Đối với các lớp 6, 7, 10 năm học 2022-2023 thực hiện 105 tiết/lớp/năm học, mỗi tuần 3 tiết/lớp và thực hiện nội dung theo sách hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được Bộ GD&ĐT phê duyệt và được tỉnh chọn lựa thực hiện.
Về cách thức tổ chức thực hiện: Các tiết của nội dung trải nghiệm, hướng nghiệp được tổ chức trong và ngoài lớp học, trong và ngoài trường học; theo quy mô nhóm, lớp học, khối lớp hoặc quy mô trường; với bốn loại hình hoạt động chủ yếu là sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề và hoạt động câu lạc bộ; với sự tham gia, phối hợp, liên kết của nhiều lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường.
Ông Đoàn Minh Thắng – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên – Huế. |
Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị phân công giáo viên đảm nhận nội dung hoạt động nào phải có năng lực chuyên môn phù hợp với nội dung hoạt động đó; phân định rõ nhiệm vụ thực hiện chương trình hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp với nhiệm vụ của giáo viên làm chủ nhiệm lớp theo quy định hiện hành.
PV: Sở đang đẩy mạnh hướng nghiệp cho khối học sinh nào? Các trường học đang thực hiện việc này ra sao?
Ông Đoàn Minh Thắng: Sở GD&ĐT đang đẩy mạnh công tác hướng nghiệp cho các khối 9 và 12. Đây là 2 khối lớp có định hình cơ bản cho việc chọn nghề khi kết thúc giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp; đồng thời, thực hiện công tác phân luồng sau THCS và THPT.
Các trường đã làm tốt công tác tuyên truyền vận động phụ huynh và học sinh. Kết quả là 100% học sinh lớp 8 và 11 tham gia học nghề phổ thông với mục đích tìm hiểu nghề yêu thích phù hợp với bản thân và được cộng điểm khi xét tốt nghiệp. Các em đã bước đầu có cơ hội khám phá năng lực bản thân để có thể chọn ngành nghề phù hợp sau này.
PV: Ngoài ngành giáo dục, ông cho biết tình hình các đơn vị phối hợp gồm chính quyền, doanh nghiệp về hướng nghiệp cho học sinh như thế nào?
Ông Đoàn Minh Thắng: Bên cạnh việc phân công những cán bộ giáo viên có kinh nghiệm về công tác hướng nghiệp để giảng dạy và định hướng cho các em. Các đơn vị cũng đã chủ động mời các nhà khoa học, kinh tế, các diễn giả (chuyên gia), các cựu học sinh thành đạt về nói chuyện nghề nghiệp và định hướng tương lai cho các em. Các buổi nói chuyện đã cung cấp cho các em học sinh nhiều kiến thức mới về ngành nghề cũng như sự tự đánh giá năng lực bản thân khi đứng trước ngưỡng cửa chọn nghề cho bản thân.
Tùy theo tình hình thực tiễn của địa phương, các đơn vị cũng đã phối hợp tốt với chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ các em tham quan các ngành nghề truyền thống hoặc các cơ sở sản xuất trên địa bàn (Các khu công nghiệp, công ty SCAVI,…) để các em có cơ hội tìm hiểu ngành nghề địa phương và nắm được tình hình kinh tế của địa phương các em đang sinh sống.
Học sinh Thừa Thiên - Huế thực hành điện máy trong giờ học. |
PV: Trọng tâm những khối ngành nghề nào được hướng nghiệp cho học sinh tỉnh Thừa Thiên – Huế?
Ông Đoàn Minh Thắng: Hiện nay, Thừa Thiên - Huế đang cần và thiếu một lượng lớn nguồn nhân lực công nghệ thông tin, đến 2025 cần khoảng 10 ngàn nhân lực. Vì vậy, trong định hướng về nghiệp, chúng tôi vẫn ưu tiên khuyến khích các em chọn ngành công nghệ thông tin vì thị trường Huế nói riêng và khu vực nói chung đang có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực này.
Ngoài ra, trong định hướng phát kinh tế - xã hội của tỉnh, và khả năng tiềm tàng vốn có của Thừa Thiên - Huế về quần thể di tích, cảnh quan môi trường, hệ sinh thái đầm phá,… nên khối ngành nghề du lịch, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, ẩm thực cũng được quan tâm trong định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
PV: Xin cảm ơn ông!