Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Giáo dục Thừa Thiên - Huế đang được đặc biệt quan tâm

GD&TĐ - Trong ngày 6/7, tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế về nhiều vấn đề nhằm thúc đẩy phát triển giáo dục trong tỉnh.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày 6/7.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày 6/7.

Thừa Thiên - Huế đề xuất nhiều vấn đề phát triển giáo dục

Đoàn làm việc về những nội dung: thực tế giáo dục tỉnh Thừa Thiên – Huế, những vướng mắc cần trao đổi và chia sẻ để đạt kết quả tốt nhất; công tác chuẩn bị, chỉ đạo liên quan Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tại buổi làm việc, ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế cho biết, tỉnh hiện đang thực hiện nhiều nhiệm vụ, quan trọng nhất là đưa Thừa Thiên – Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương; trong đó có nhiệm vụ chính là xây dựng trung tâm giáo dục đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; xây dựng Đại học Huế thành Đại học Quốc gia, đa ngành, đa lĩnh vực và chất lượng cao.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu báo cáo với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tình hình phát triển của Thừa Thiên - Huế và ngành giáo dục tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu báo cáo với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tình hình phát triển của Thừa Thiên - Huế và ngành giáo dục tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết thêm, năm 2021 toàn tỉnh thu ngân sách 11.300 tỷ đồng, vượt mức đề ra. Thừa Thiên – Huế đang phấn đấu khá tốt các chỉ số quốc gia, luôn ở tốp đầu cả nước. Tỉnh cũng là một trong những địa phương cho học sinh đi học trở lại sau Covid-19 đầu tiên.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình trao đổi, thời gian qua lãnh đạo tỉnh quan tâm đến các khối phổ thông, như Trường THPT chuyên Quốc Học là điểm sáng quốc gia khi có rất nhiều học sinh ngoại tỉnh đến học, và đạt nhiều giải cao quốc tế và trong nước. Tiếp theo là Trường THCS Nguyễn Tri Phương, tuy không có trường trọng điểm cấp THCS nhưng tỉnh đã dồn nguồn lực từ lâu cho trường nhằm bồi dưỡng nguồn nhân lực từ cấp THCS. Tỉnh đề nghị Bộ quan tâm đến các trường hơn nữa.

“Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT xem xét cho khối chuyên biệt và khuyết tật. Hiện số lượng học sinh khối này đang gia tăng, chế độ chính sách cho học sinh khối này đang gặp khó khăn nên đề nghị Bộ tạo điều kiện thêm”, ông Bình nêu ý kiến.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương phát biểu.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương phát biểu.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Bình, tỉnh cũng đề nghị Bộ quan tâm có 1 mô hình có thể giải quyết trường Cao đẳng nhập vào trường Đại học. Ví dụ nhập Trường Cao đẳng Sư phạm vào thuộc Đại học Sư phạm vì trường này cơ sở nhiều, số lượng giáo viên lớn nhưng học sinh không có.

Phát biểu báo cáo trước Bộ trưởng, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Tân cho hay, năm học 2021-2022, ngành gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên ngành đã đạt được nhiều thành tựu. Tỉnh hiện có 568 trường học với nhiều giáo viên tâm huyết. Ngành đã cố gắng đổi mới toàn diện giáo dục, bố trí giáo viên tâm huyết dạy lớp 1, 2; ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy; số hóa sổ đầu bài, học bạ điện tử.

Bậc mầm non đã tích hợp các chương trình giáo dục kỹ năng sống, nhất là kỹ năng văn hóa Huế như giao tiếp để các em đủ điều kiện lên lớp 1. Chương trình nhà vệ sinh 100 tỷ đồng được thực hiện đã khắc phục được vấn đề vệ sinh trường lớp.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Sở đặt 37 điểm thi đặt tại các trường trên địa bàn 9 huyện, thị xã, TP Huế với 588 phòng thi và 13.345 thí sinh đăng ký dự thi. Sở đã điều động hơn 2.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên làm nhiệm vụ công tác thi. Điểm thi ít phòng nhất là 4 phòng thi ở huyện miền núi A Lưới. Hiện mọi việc chuẩn bị đã sẵn sàng.

Phát triển giáo dục phải gắn chặt với khoa học công nghệ, tạo việc làm cho sinh viên

Trả lời một số vấn đề tỉnh Thừa Thiên – Huế nêu ra, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, Huế có cơ hội rất lớn. Việc gì làm cũng phải có nguồn nhân lực chất lượng cao cả về số lượng và chất lượng. Điều này rất quan trọng nhất là trong lĩnh vực giáo dục.

Do đó, phát triển giáo dục đại học phải gắn chặt với khoa học công nghệ để những trung tâm nghiên cứu không tách rời cơ sở giáo dục, tác động qua lại lẫn nhau tạo thế phát triển. Việc quy hoạch các ngành đào tạo làm sao phải gắn chặt với phát triển kinh tế xã hội địa phương, để sinh viên chọn Huế học rồi từ đó sẽ có việc làm tại Huế.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, phát triển phải gắn liền với khoa học công nghệ và tạo việc làm cho sinh viên tại vùng đất các em chọn để học.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, phát triển phải gắn liền với khoa học công nghệ và tạo việc làm cho sinh viên tại vùng đất các em chọn để học.

Thứ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT rất ủng hộ Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia để có vị thế cao hơn, được đầu tư nhiều hơn, điều này không chỉ tốt cho ngành mà còn tốt cho đất nước. Đại học Huế cần phải xem cách vận hành như thế nào khi trở thành Đại học Quốc gia để đáp ứng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước.

Hiện tại tỉnh Thừa Thiên – Huế đang trên đường trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đây chính là cơ hội tăng ngân sách cho giáo dục.

Gợi mở nhiều vấn đề cho giáo dục Thừa Thiên - Huế

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao lãnh đạo tỉnh có mối quan tâm đặc biệt với ngành giáo dục. Tình hình giáo dục từ mầm non đến THPT, các bậc học đạt chất lượng tốt, kể cả giáo dục phổ cập và giáo dục mũi nhọn. Phát triển giáo dục tương đối hài hòa, mặc dù có những khu vực miền núi, còn khó khăn nhưng do sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh nên toàn bộ các khu vực nói chung tốt.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế luôn có sự quan tâm đặc biệt đến giáo dục nhiều năm qua.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế luôn có sự quan tâm đặc biệt đến giáo dục nhiều năm qua.

Tình trạng thiếu giáo viên do tỉnh quan tâm nên ít có sự chênh lệch khối nhóm, sự phát sinh thực hiện chương trình mới không bị đứt quãng...

Vấn đề cơ sở vật chất, nhất là trang thiết bị trường học, do 2 năm qua dịch bệnh Covid-19 đã khiến các địa phương còn khó khăn khi triển khai. Hiện hệ thống phòng thí nghiệm khó khăn nên Bộ đề nghị lãnh đạo tỉnh và Sở GD&ĐT đặt ra nội dung công việc và thực hiện. Cần khai thác dụng cụ học tập đã có, tránh nhất việc “học chay”.

Liên quan Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Ban Chỉ đạo thi cần tiếp tục bám sát, không lơ là, thận trọng, luôn lường trước công việc và đặt ra các tình huống, nhắc nhở học sinh tránh việc bị đình chỉ bài thi đáng tiếc, cán bộ coi thi cần hoàn thành nhiệm vụ, có phương án chuyển đề thi đến các huyện vùng xa.

Bộ trưởng chỉ ra nhiều vấn đề nhằm phát triển giáo dục tại Thừa Thiên - Huế.

Bộ trưởng chỉ ra nhiều vấn đề nhằm phát triển giáo dục tại Thừa Thiên - Huế.

Về giáo dục đại học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế khi luôn quan tâm Đại học Huế đóng trên địa bàn. Việc sắp xếp hệ thống trường Cao đẳng Sư phạm, Bộ sắp tới sẽ dồn các trường CĐ Sư phạm vào trường ĐH Sư phạm để phù hợp hơn.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tặng tranh lưu niệm cho Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tặng tranh lưu niệm cho Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ