Lễ phát động được tổ chức tại xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, thuộc Dự án thành phần 3 cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột do UBND tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư.
Buổi lễ đã kết nối trực tuyến với 10 tỉnh có đoạn tuyến cao tốc phải hoàn thành trong năm 2025 và 3 tỉnh cung cấp nguyên vật liệu cho các dự án.
Đúng tiến độ
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là sự kiện đầy ý nghĩa khi Đắk Lắk là vùng trọng điểm của Tây Nguyên nhưng đang là "vùng trũng" về phát triển hệ thống hạ tầng giao thông chiến lược. Trong khi đến năm 2030, Tây Nguyên phải hoàn thành mục tiêu hơn 1.900km đường cao tốc.
Theo Thủ tướng, Nghị quyết XIII của Đảng coi phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng là một trong 3 đột phá chiến lược và hạ tầng giao thông là trụ cột quan trọng với mục tiêu đạt 3.000km vào năm 2025 và 5.000km vào năm 2030.
Thủ tướng thông tin, cả nước đã hoàn thành khoảng 1.000km đường bộ cao tốc, đi qua 15 tỉnh thành phố, nâng tổng số đường bộ cao tốc lên gần 2.100km.
Hiện các dự án đang thi công với trên 1.700km trải dài qua 48 tỉnh, thành phố trên cả nước.
“Từ nay đến hết 2025, chúng ta phải hoàn thành ít nhất khoảng 1.000km đường cao tốc nữa, với thời gian không còn nhiều. Thay mặt Chính phủ và Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương, tôi phát động đợt thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc", Thủ tướng nói, đồng thời kêu gọi: “Bàn làm, không bàn lùi” để hoàn thành 3.000km cao tốc.
Với khối lượng công việc hiện nay để hoàn thành khoảng 1.000km cao tốc nữa trong khi chỉ còn 500 ngày đêm, đó là thách thức lớn. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị cả hệ thống quyết tâm phải cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt, trọng tâm, trọng điểm.
"Đã làm thì phải "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả". Trong mọi trường hợp khó khăn, vướng mắc, cần đồng tâm hiệp lực chỉ bàn làm, không bàn lùi và khi đã làm phải ra sản phẩm cân đong đo đếm được", Thủ tướng nêu yêu cầu và nhắc nhở.
Giao cơ chế
Để có cơ chế thực hiện, Thủ tướng giao Bộ GTVT chịu trách nhiệm phối hợp giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn, hiệu quả.
Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước phải thu xếp nguồn vốn các dự án bằng ngân sách, hợp tác công tư (PPP), đáp ứng tiến độ đề ra.
Đối với nguồn vật liệu xây dựng, đất, đá, cát, sỏi... phục vụ thi công công trình do Bộ Tài nguyên và Môi trường phải bảo đảm.
Đối với các địa phương có dự án đi qua, Thủ tướng đề nghị phải phát huy vai trò người đứng đầu, tuyên truyền vận động, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật để sớm triển khai dự án cao tốc. Lãnh đạo địa phương phải chú trọng việc đầu tư xây dựng các khu tái định cư, nơi ở mới tối thiểu bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Thủ tướng nhấn mạnh, làm dự án phải tạo sự phấn khởi, để "đi dân nhớ, ở dân thương", "sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân".
Tại lễ phát động, Thủ tướng cũng động viên các kỹ sư, công nhân, nhà thầu phải nêu cao tinh thần "vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão", "3 ca 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "đã ra quân là chiến thắng"…
Đồng thời, khi hoàn thành dự án phải chú ý nâng cao chất lượng công trình, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, vệ sinh môi trường, an toàn lao động, tạo cảnh quan không gian phát triển.
“Việc triển khai khối lượng công việc lớn trong một thời gian ngắn là thách thức nhưng cũng là môi trường để thể hiện sự bản lĩnh, sự sáng tạo, năng lực quản lý của tất cả.
Đợt thi đua này cũng là dịp để đánh giá, lựa chọn các nhà thầu thi công tốt, có năng lực, có trách nhiệm, có tâm, có tầm để triển khai các dự án cao tốc cũng như các dự án trọng điểm quốc gia khác trong những năm tiếp theo”, Thủ tướng nói và bày tỏ niềm tin vào tiến độ dự án: “Với thế và lực đã có qua các dự án trọng điểm và sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, tôi tin tưởng chúng ta sẽ và vượt mục tiêu đề ra. Sẽ đưa ít nhất 3.000km cao tốc vào hệ thống đường bộ Việt Nam vào năm 2025”.
Báo cáo Thủ tướng, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, theo quy hoạch mạng lưới cao tốc toàn quốc gồm 41 tuyến dài 9.014km.
Khu vực miền Trung và Tây Nguyên gồm 13 tuyến dài 3.841km. Trong đó, khu vực Tây Nguyên có 9 tuyến cao tốc dài khoảng 1.899km đã và đang triển khai.
Đến cuối năm 2025 khu vực Tây Nguyên sẽ có 87km cao tốc, cuối năm 2026 sẽ có 136km cao tốc và năm 2030 phấn đấu có 1.148km cao tốc.
Giai đoạn sau năm 2030 sẽ tiếp tục đầu tư khoảng 751km các tuyến còn lại theo quy hoạch.