Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Đảm bảo an toàn phòng dịch là nhiệm vụ quan trọng khi mở cửa trường học

GD&TĐ - Sáng 15/2, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Ngô Thị Minh dẫn đầu đã có chuyến làm việc với tỉnh Thái Bình về hoạt động dạy học trực tiếp cho học sinh.

Học sinh nhiều tỉnh thành đang tới trường học trực tiếp đạt tỷ lệ cao thể hiện sự đồng thuận của phụ huynh với ngành giáo dục và chính quyền địa phương.
Học sinh nhiều tỉnh thành đang tới trường học trực tiếp đạt tỷ lệ cao thể hiện sự đồng thuận của phụ huynh với ngành giáo dục và chính quyền địa phương.

Tham gia buổi làm việc có bà Trần Thị Bích Hằng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Viết Hiển - Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình cùng đại diện một số sở, ngành liên quan. Cuộc họp được tổ chức trực tiếp tại trụ sở UBND tỉnh kết nối trực tuyến tới các điểm cầu thuộc các huyện/thành phố trực thuộc. 

Chủ động các phương án dạy học 

Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh, chủ trương cho học sinh các cấp trở lại trường là rất đúng đắn. Thái Bình là địa phương có thời gian cho học sinh học trực tuyến ít hơn so với nhiều tỉnh/thành khác. Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo an toàn phòng chống dịch cũng là nhiệm vụ quan trọng mà địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Khi đón học sinh học trực tiếp, địa phương cần áp dụng linh hoạt theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ cũng như hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. 

Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình Nguyễn Viết Hiển cho biết, toàn ngành có 741 cơ sở giáo dục (CSGD). Trong đó có 300 cơ sở giáo dục mầm non, 120 trường tiểu học, 167 trường Tiểu học&THCS, 106 trường THCS, 39 trườngc THPT, 9 trung tâm GDTX, trung tâm GDTX-GDNN; 53 cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Tổng số trẻ em mẫu giáo, học sinh, học viên là 392.519 em. Trong đó, có 73.100 trẻ mẫu giáo; 150.794 học sinh tiểu học; 104.934 học sinh THCS; 54.853 học sinh THPT; 8.838 học viên giáo dục thường xuyên.  

Ông Nguyễn Viết Hiển - Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình trao đổi tại cuộc họp.
Ông Nguyễn Viết Hiển - Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình trao đổi tại cuộc họp. 

Trong học kỳ 1 vừa qua, tỉnh đã tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2021-2022 theo hình thức trực tiếp nhưng không tập trung toàn trường. Tính đến thời điểm hiện tại, các CSGD đã thực hiện linh hoạt kế hoạch giáo dục nhà trường và đảm bảo chương trình giáo dục theo kế hoạch. 100% CSGD hoàn thành chương trình học kỳ 1 trước 16/1/2022. Hiện tại, cơ bản các cơ sở giáo dục đã hoàn thành kiểm tra giữa kỳ hoặc đang và chuẩn bị tiến hành kiểm tra.  

"Thời gian qua, hoạt động dạy học tại Thái Bình được thực hiện chủ yếu theo hình thức trực tiếp. Tuy nhiên, công tác dạy học thích ứng với tình hình dịch theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT luôn là nhiệm vụ quan trọng được địa phương rất chú trọng. Nếu xuất hiện F0 trong trường học, những nhóm lớp nào liên quan đến F0 thì mới chuyển sang học trực tuyến, các lớp khác vẫn học trực tiếp. Đó là một trong số những nội dung nằm trong phương án, kịch bản triển khai nhiệm vụ năm học trong bối cảnh dịch Covid-19" - ông Hiển nhấn mạnh.

Về tổ chức dạy học trực tiếp thích ứng với dịch bệnh, Sở GD&ĐT đã chủ động, kịp thời hướng dẫn các CSGD xây dựng ít nhất 3 phương án dạy học phù hợp với tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 gồm: Dạy học trực tiếp; dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, học theo ca, thực hiện giãn cách; dạy học trực tuyến.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Bích Hằng chủ trì cuộc làm việc.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Bích Hằng chủ trì cuộc làm việc.

Đối với mỗi phương án, các trường đều chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, học liệu và bố trí thời gian thực hiện phù hợp với điều kiện của nhà trường. Tranh thủ tối đa thời gian an toàn về dịch bệnh để tổ chức dạy học trực tiếp, khuyến khích tổ chức dạy học nhiều hơn 6 buổi/tuần. Trong đó ưu tiên giảng dạy trực tiếp các nội dung cốt lõi theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các nội dung thực hành, thí nghiệm và kết hợp ôn tập, củng cố những nội dung lí thuyết đã học trực tuyến. 

Ưu tiên dạy học trực tuyến đối với các nội dung mang tính lý thuyết, có thể hướng dẫn học sinh khai thác sử dụng hiệu quả sách giáo khoa để học tập; thực hiện tốt việc tạo điều kiện học tập cho học sinh ở địa phương khác bị mắc kẹt tại Thái Bình; quan tâm hỗ trợ việc học tập cho học sinh của nhà trường hiện đang mắc kẹt ở địa phương khác. Ưu tiên việc kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tiếp, trường hợp đặc biệt tiến hành kiểm tra theo hình thức trực tuyến.

Tích cực xây dựng kho học liệu điện tử

Trẻ mầm non tại Thái Bình vẫn học trực tiếp, nếu tình hình dịch phức tạp sẽ cho trẻ tạm dừng đến lớp.
Trẻ mầm non tại Thái Bình vẫn học trực tiếp, nếu tình hình dịch phức tạp sẽ cho trẻ tạm dừng đến lớp.

Sở GD&ĐT Thái Bình cũng đã tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên xây dựng bài giảng điện tử; tích cực tham gia Cuộc thi xây dựng bài giảng điện tử do Bộ GDĐT tổ chức để xây dựng, bổ sung nguồn học liệu điện tử nhằm hỗ trợ việc dạy học trực tuyến (Tổng số bài giảng tham gia cuộc thi: 3369, trong đó cấp tiểu học, trung học cơ sở có 3143 bài, cấp THPT có 226 bài).

Ngoài ra, đại diện ngành giáo dục tỉnh Thái Bình cũng cho hay, việc xây dựng và tổ chức triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 6 được thực hiện hiệu quả, các cơ sở giáo dục bám sát Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH ngày 23/6/2021 về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022.

Kế hoạch giáo dục nhà trường theo từng tuần học, không bắt buộc phải dạy môn học ở tất cả các tuần, không bắt buộc phải chia đều số tiết/tuần để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, nhân viên của nhà trường; phân công dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với chuyên môn của giáo viên. Đối với mỗi môn học, hoạt động giáo dục có thể do nhiều giáo viên tham gia giảng dạy, mỗi giáo viên có thể giảng dạy các chủ đề phù hợp ở mỗi môn học (hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; nội dung giáo dục địa phương, môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lý). 

Giám đốc Sở GD&ĐT cũng cho biết, để chuẩn bị nguồn nhân lực cho Chương trình GDPT 2018, trong năm 2021 đơn vị này đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 75 ngày 28/5/2021 thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS giai đoạn 2020 – 2025 tỉnh Thái Bình; Sở GD&ĐT đã phối hợp với Sở Nội vụ ban hành Hướng dẫn về xây dựng Kế hoạch tuyển dụng đặc cách giáo viên; tiến hành tuyển dụng viên chức giáo viên THPT theo Nghị định số 140 ngày 5/12/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. 

Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã ghi nhận sự cố gắng và có một số góp ý với địa phương khi đón học sinh đi học trực tiếp.
Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã ghi nhận sự cố gắng và có một số góp ý với địa phương khi đón học sinh đi học trực tiếp.

"Ngành giáo dục đã phối hợp với ngành y tế để ban hành hướng dẫn liên ngành về đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong trường học, trong đó có cách xử trí tình huống nếu phát hiện F0 trong cơ sở giáo dục. 

Với bậc mầm non, tỷ lệ trẻ đến trường, nhất là trẻ dưới 36 tháng tuổi đã giảm so với trước đây. Các nhân viên y tế trong các CSGD đang gặp khó khăn vì không có định biên. Các trường đang giao cho nhân viên của nhà trường kiêm nhiệm hoặc hợp đồng ngoài. Nếu kiêm nhiệm mà không có chuyên môn thì hiệu quả sẽ không cao. Địa phương mong muốn Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn cụ thể hơn về vị trí nhân viên y tế trong trường học" - Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình nói. 

Nỗ lực để đưa học sinh đến trường an toàn

Tại hội nghị, ông Đỗ Đức Quế - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, thành viên đoàn công tác của Bộ GD&ĐT cho hay, Thái Bình là một trong các địa phương đã tích cực triển khai nhiệm vụ năm học trong bối cảnh dịch một cách hiệu quả. Tuy nhiên, cần lưu ý việc chỉ đạo dạy học ở các trường phải dạy nội dung cơ bản, cốt lõi theo yêu cầu; tập huấn cho giáo viên, học sinh khi dạy học trực tiếp, nhất là khi xuất hiện F0. Nếu dạy trực tuyến thì có thể dạy song song giữa trực tiếp và trực tuyến tại lớp, giảm bớt áp lực cho giáo viên. 

Bà Trịnh Hoài Thu - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) đánh giá cao sự chủ động của ngành giáo dục tỉnh Thái Bình khi đón học sinh đi học trực tiếp thích ứng với dịch bệnh. Hiện có trên 81% học sinh trên địa bàn tới trường học trực tiếp tại trường, 18% kết hợp trực tuyến với trực tiếp đã cho thấy tính hiệu quả. Ngoài ra, địa phương cần lưu ý công điện 136 của Bộ GD&ĐT, trong đó cần tăng cường công tác truyền thông giữa nhà trường, phụ huynh để đảm bảo quyền được đến trường cho học sinh. 

Nhà báo Dương Thanh Hương - Phó Tổng Biên tập Báo Giáo dục & Thời đại chia sẻ một số ý kiến tại cuộc họp.
Nhà báo Dương Thanh Hương - Phó Tổng Biên tập Báo Giáo dục & Thời đại chia sẻ một số ý kiến tại cuộc họp.

Qua nắm bắt thực tế tại nhiều địa phương, bà Dương Thanh Hương - Phó Tổng Biên tập Báo Giáo dục & Thời đại nhấn mạnh, tỉnh Thái Bình đã chuẩn bị tốt các điều kiện để mở cửa trường học an toàn, nhất là vấn đề truyền thông. Các nhà trường phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để tạo sự đồng thuận trong xã hội. Tỉnh đã xây dựng phương án xử lý một cách chủ động, bình tĩnh khi xuất hiện F0 trong trường học.

Quá trình trong và sau khi học trực tuyến, phụ huynh đã luôn sẵn sàng phối hợp với giáo viên để hỗ trợ các con có được kiến thức tốt nhất. Ngoài ra, các trường học nên xây dựng kế hoạch truyền thông trong năm học và đặc biệt, bình tĩnh xử lý khi có F0 trong trường học.

"Ngày 17/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 85 về ban hành Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025. Đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng khi ngành giáo dục được chủ động trong việc bố trí nguồn kinh phí; 100% các trường có nhân viên y tế chuyên trách. Trong bối cảnh dịch bệnh thì điều này vô cùng có ý nghĩa và mang tính cấp thiết. Đây cũng là biện pháp tháo gỡ nút thắt trong vấn đề biên chế nhân viên y tế để các trường học yên tâm" - bà Thanh Hương chia sẻ thêm. 

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Thái Bình sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch với tinh thần chủ động, linh hoạt theo Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn với dịch Covid-19. Các CSGD chủ động điều chỉnh kế hoạch giáo dục phù hợp với từng địa phương, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục, chủ động linh hoạt hình thức dạy học. Các CSGD có sự rà soát và kịch bản cụ thể nếu phát hiện F0 trong trường cần khoanh vùng hẹp nhất để tránh ảnh hưởng. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.