Câu chuyện loài tê giác và môn mã cầu quý tộc
Giới thượng lưu có vô số sở thích tao nhã khác nhau mà người thường rất khó lòng tham dự. Như môn mã cầu (Polo) mà Otto - chồng Thu Minh vừa đứng ra tổ chức.
Để ủng hộ và quảng bá cho hoạt động bảo vệ động vật hoang dã của vợ, quý ngài Hà Lan đã không ngại ngần chi tới hàng chục triệu đô la để mang môn thể thao quý tộc này về Việt Nam, bất chấp việc những người biết tới môn thể thao này tại đây chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Nhưng đâu có hề gì, bởi chồng Thu Minh cho rằng: "Nếu tổ chức một buổi đá bóng, chắc chắn sẽ thu hút được đông người xem hơn, nhưng chưa chắc đã mời được các vị khách hoàng gia. Nhưng nếu mời họ tới xem Polo, chắc chắn họ sẽ tới tham dự".
Thật ra, tính toán của chồng Thu Minh hoàn toàn đúng. Mục đích chính của Thu Minh là kêu gọi bảo vệ tê giác và không buôn bán, sử dụng sừng của loài động vật này. Mà thứ đó vốn không dành cho 99% dân số, mà thường chỉ dành cho thú vui xa xỉ của những người giàu. Chọn đúng đối tượng để truyền tải thông điệp của mình, rõ ràng vợ chồng Thu Minh vừa hoàn thành một cách hiệu quả công việc, vừa khôn khéo tiến thêm một bước để hòa mình vào cùng với thế giới thượng lưu...
Thế giới của những quý tộc không giống với thế giới của những người giàu. Không phải chỉ cần có tiền, bạn sẽ có thể dễ dàng gia nhập cùng với họ. Bạn phải biết sử dụng tiền một cách quý tộc, ý nghĩa và đẳng cấp. Ví dụ như biết chơi mã cầu, biết bảo vệ tê giác và các loài động vật quý hiếm đang đứng trước bờ tuyệt chủng...
Gấu, tê giác và chuyện của giới thượng lưu
Người ta từng nói rất nhiều về việc một ngày đẹp trời, Thu Minh bỗng nhiên yêu động vật thiết tha. Cô khóc nức nở trước hình ảnh đàn gấu bị đè ra lấy mật, cô không kìm được sự xúc động khi nói lời bảo vệ loài tê giác. Dù rằng trước đây, cô vốn không giàu cảm xúc như vậy.
Trong một đoạn clip cũ mèm, người ta còn thấy Thu Minh hớn hở khoe lọ mật gấu "công hiệu như thần" cô luôn mang theo để chữa thương khi tập nhảy. Còn về phần sừng tê giác có được cô dùng hay không, người ta cũng không rõ lắm, bởi chưa có clip nào ghi nhận lại trong quá khứ.
Có điều, cách lý giải của Thu Minh cho những hành động trong quá khứ của mình càng khiến cho người ta thêm yêu quý, khâm phục cô. Không chỉ bởi sự hối cải, giác ngộ mau chóng trong suy nghĩ của Thu Minh về chuyện bảo vệ động vật đã khiến cô từ một tín đồ của mật gấu chuyển sang người bảo vệ chúng mạnh mẽ và quả cảm.
Thu Minh từng sử dụng mật gấu tươi để chữa trị vết thương.
Trong câu chuyện của Thu Minh, người ta còn bắt gặp hình ảnh một nghệ sĩ chỉ biết có hát ca, chỉ biết tới khán giả, chứ không hề biết tới việc ... mật gấu lấy ở đâu, như thế nào, bất chấp thời điểm ấy, cô đã 30 tuổi. Phải yêu nghệ thuật một cách quên mình mới có thể ngây thơ và khờ khạo tới thế trong những câu chuyện đời thường, như Thu Minh của vài năm về trước...
Nhưng hiện tại, Thu Minh đã hết hẳn ngây thơ, ít nhất trong câu chuyện về mật gấu. Cô đã biết mật gấu được lấy bằng cách chọc kim tiêm vào cơ thể con vật, chứ không phải được ... vắt ra hay điều gì đại loại vậy. Không chỉ thế, tình yêu của cô còn được mở rộng ra ngoài phạm vi loài gấu để đến với tê giác - loài vật đang được rất nhiều người nổi tiếng nỗ lực bảo vệ trên thế giới.
Hoàng gia Anh, hoàng gia Brunei, hoàng gia Malaysia đều là những người hết sức nhiệt tình trong việc bảo vệ loài động vật này. Không phải ai cũng có thể bảo vệ chúng nếu thích, bởi bạn phải là người nổi tiếng, có gốc gác quý tộc hoặc rất nhiều tiền mới có thể được lựa chọn. Thu Minh cũng có quyền bảo vệ chúng, bởi dù cô không xuất thân hoàng gia, nhưng cô lại là người nổi tiếng và có một ông chồng giàu có, quan hệ rộng rãi và biết tới mã cầu.
Một cách nghiễm nhiên, nhờ việc bảo vệ loài tê giác, cô cũng có cơ hội để gia nhập cùng những quý tộc danh tiếng kia. Không cần chụp hình ké hay cố gắng dính gương mặt mình vào khuôn hình, Thu Minh có thể đường hoàng sánh vai cùng David Beckham hay thái tử Anh, trên danh nghĩa những người bảo vệ động vật - mà cụ thể là tê giác - một cách thiết tha.
Có lẽ, đó cũng là một phần lý do để cô dành tình cảm cho tê giác nhiều hơn các loài động vật khác - như cá sấu kém may mắn chẳng hạn.
Nước mắt cho gấu và nụ cười cho ... cá sấu
Gần đây, song song với những hoạt động không mệt mỏi để bảo vệ động vật của Thu Minh, người ta còn nhắc nhiều tới thú chơi hàng hiệu "khủng" mà nữ ca sĩ này đang có.
Những chiếc Hermes Birkin của Thu Minh trị giá tới hàng tỷ đồng và phải mất cả năm trời đặt hàng, chúng mới có thể đến tay cô. Sở dĩ thời gian chế tác lâu như vậy là bởi những chiếc túi này được làm bằng tay hoàn toàn trên chất liệu da cá sấu thượng hạng - thứ da được lột ngay khi con vật còn sống để đảm bảo chất lượng hoàn hảo nhất.
Thu Minh sử dụng chiếc túi Hermes được làm từ da cá sấu trị giá hơn 1 tỷ đồng đi sự kiện.
Thu Minh có lẽ cũng không biết tới điều này một cách rõ ràng, bởi với một người yêu động vật tha thiết như cô, chắc hẳn cô sẽ rất dị ứng trước sự tàn nhẫn ấy. Tuy nhiên ngay cả khi cô biết rõ, cũng không có ai có quyền chỉ trích bởi cô chỉ được biết tới như người bảo vệ gấu và tê giác mà thôi.
Cô có thể rơi nước mắt khi gấu bị lấy mật, xót xa khi tê giác bị chặt sừng, nhưng điều ấy đâu có liên quan gì tới túi Hermes Birkin và tình yêu động vật, nhất là loài cá sấu? Có điều, không thể chỉ trích, nhưng họ hoàn toàn có thể bật cười khi nảy ra một suy nghĩ hài hước nào đó trong đầu. Đại loại như thể một người hùng hồn tuyên bố: "Tôi vẫn ăn chay trường, ngoại trừ món pate gan ngỗng!"
Thật ra, không thể trách Thu Minh hay hãng Hermes được. Nếu muốn trách, hãy trách chính loài cá sấu kia đã không được may mắn mà thôi. Nếu như chúng cũng được những nhà quý tộc, những gia đình hoàng gia lừng lẫy kia lên tiếng bảo vệ, biết đâu số phận của chúng sẽ ít nhiều đổi khác. Ít nhất, rất có thể chúng sẽ không phải nằm tòng teng trên vai Thu Minh như lúc này, mà thậm chí còn được cô nuôi nấng tử tế trong nhà là đằng khác.
Để một ngày đẹp trời nào đó, chúng sẽ là nhân vật chính để đề xuất một buổi chơi mã cầu, golf quy tụ vô số quý tộc tới Việt Nam - như loài tê giác bây giờ chẳng hạn.