Thủ khoa xinh đẹp, đa tài của trường Mỏ

GD&TĐ - Quyết định hoàn thành chương trình đại học sớm hơn một năm, Nguyễn Linh Chi vẫn xuất sắc trở thành thủ khoa đầu ra Trường ĐH Mỏ - Địa chất năm 2017.

Nữ thủ khoa Nguyễn Linh Chi
Nữ thủ khoa Nguyễn Linh Chi

Bí quyết là kĩ năng lập kế hoạch

Thu hút người đối diện bởi sự duyên dáng, nữ tính, không mấy người có thể đoán Linh Chi là dân "kĩ thuật" chính thống. Sinh ra trong gia đình có truyền thống theo ngành mỏ, từ khi còn là nữ sinh THPT, Chi đã "nhắm" Trường ĐH Mỏ - Địa chất để thực hiện ước mơ đứng trên bục giảng ở trường đại học.

Bước chân vào giảng đường không lâu, Chi quyết định sẽ hoàn thành chương trình đại học chỉ trong 4 năm. Để đi đến quyết định này, cô gái trẻ đã lập một thời khoá biểu chi tiết và hợp lý nhất có thể của những năm học tiếp theo cho bản thân: môn nào học trước, môn nào học sau, học vượt bao nhiêu tín chỉ một học kỳ, tất cả đều được sắp xếp cẩn thận.

Chi tự nhận ưu điểm của mình là khả năng lập kế hoạch và chăm chỉ. Đây cũng là bí quyết để Chi không cảm thấy quá áp lực hay chồng chéo những môn học lên nhau trong quá trình học vượt. Cùng với đó là nỗ lực luôn lắng nghe và ghi chép thật nhanh tất cả những gì thầy cô giảng trên lớp; rồi đọc lại chúng một lượt trước khi đi ngủ.

"Kiến thức đến với em tương đối trọn vẹn nhờ phương pháp học này, nên mỗi kì thi tới, em có thể ôn tập nhanh hơn và ghi nhớ tốt hơn" - Nguyễn Linh Chi chia sẻ.

Những tưởng, khi "nén" thời gian như vậy, việc học sẽ chiếm hết thời gian, nhưng là cô gái năng động, Linh Chi vẫn có cách thỏa mãn sở thích được hát, nhảy, tham gia tình nguyện và gặp gỡ nhiều người.

Linh Chi cho biết, mình luôn cố gắng tham gia các hoạt động cùng với khoa, với trường trong các chương trình văn nghệ, lễ kỉ niệm hay các chương trình tình nguyện và cả các tổ chức từ thiện bên ngoài nhà trường.

"Em dành thời gian học tập tập trung nhất là khi ở trên lớp, khi lắng nghe thầy cô giáo giảng và 3 tiếng trước khi đi ngủ để đọc lại toàn bộ kiến thức đã thu thập được trong ngày và những kiến thức khác liên quan đến chúng. Phần thời gian còn lại, em dành cho các hoạt động trong và ngoài nhà trường" - Linh Chi chia sẻ cách để học hiệu quả mà vẫn có thời gian cho các hoạt động khác.

Chia sẻ kinh nghiệm học, với Linh Chi, quan trọng nhất chính là sự chăm chỉ. Tuy nhiên, học tập ở đại học yêu cầu thêm một kỹ năng quan trọng khác, đó là tự học. Lượng kiến thức các môn chuyên môn ở đại học rất rộng lớn, chính vì thế 1, 2 tiết học trên lớp không thể đủ để thầy cô có thể truyền đạt hết được khối kiến thức khổng lồ đó. Với Linh Chi, đọc và học kiến thức trước khi đi ngủ có thể giúp duy trì kiến thức tốt nhất.

Tiếp theo, kỹ năng sử dụng mind map (sơ đồ tư duy) cũng rất quan trọng để tổng hợp kiến thức. "Em đã đọc cuốn sách nổi tiếng "Tôi tài giỏi, bạn cũng thế" của tác giả Adam Khoo và đã học được cách suy nghĩ logic và lập sơ đồ tư duy một cách hiệu quả. Nếu có thời gian, em nghĩ tất cả mọi người đều nên đọc cuốn sách đó ít nhất một lần.

Cuối cùng, để học tốt chúng ta cần thực hành. May mắn là Trường ĐH Mỏ - Địa chất luôn có các trang thiết bị thực hành tốt nhất. Ngoài ra, chúng em còn được cử đi thực tập ở các vị trí rất đúng với chuyên ngành ở nhiều công ty trên cả nước. Chính vì thế, em có thể hiểu rõ được chức năng, vai trò cũng như áp dụng được các kiến thức lý thuyết đã thu thập được" - Linh Chi chia sẻ.

Nữ thủ khoa mơ ước thành giảng viên Trường ĐH Mỏ - Địa chất
Nữ thủ khoa mơ ước thành giảng viên Trường ĐH Mỏ - Địa chất

Cho đi là nhận lại

Suốt 4 năm học, những kỉ niệm đẹp với Nguyễn Linh Chi rất nhiều và đều gắn với các hoạt động ý nghĩa.

Chi kể: Em vẫn còn nhớ mùa hè đầu tiên, khi tham gia chương trình Tiếp sức mùa thi năm 2014 tại điểm trường THCS Xuân La, Xuân Đỉnh. Chứng kiến sự lo lắng của các bậc phụ huynh, sinh viên tình nguyện, chúng em đã ngồi quây tròn cùng các bác, đánh đàn guitar, hát những bài hát mộc mạc, giản dị để phần nào xua tan cảm giác lo lắng, mệt mỏi vì chờ đợi.

Năm 2015, Trường ĐH Mỏ - Địa chất đã tổ chức phát cơm miễn phí cho toàn bộ phụ huynh và thí sinh trong ngày thi. Khi trao những hộp cơm chan chứa tình yêu thương và nhận lại lời cảm ơn đầy chân thành, em hiểu ra rằng câu nói “Cho đi là nhận lại” có ý nghĩa thực sự rất lớn.

Em cũng không quên đầu năm 2015, khi cùng Đoàn Thanh niên trường tổ chức và tham gia chương trình Áo ấm mùa đông tại xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc, Hà Giang. Nghe các em kể chuyện mỗi ngày phải đi qua 5 ngọn núi mới tới được trường, có những hôm trời mưa đường lầy lội, các em vừa đi vừa ngã lấm lem hết quần áo và đó cũng lần đầu tiên em khóc vì những đứa trẻ.

Nói về dự định tương lai, Linh Chi chia sẻ mục tiêu gần nhất là du học tại đất nước Nhật Bản xinh đẹp để có thể nghiên cứu và hoàn thành được chương trình thạc sĩ tại đây, đồng thời học tập được phong cách sống quy củ, có trách nhiệm tại đất nước này.

"Tiếp theo, em sẽ nỗ lực thực hiện mong ước từ khi còn rất nhỏ, đó là trở thành giảng viên Trường ĐH Mỏ - Địa chất, nơi đã đào tạo và khích lệ em trong suốt những năm tháng sinh viên tươi đẹp và đáng nhớ.

Mục tiêu xa hơn nữa, em mong muốn có thể nghiên cứu và tìm ra được các phương án tối ưu nhất để đem lại một môi trường trong sạch, an toàn hơn cho mọi người" - Linh Chi nói về ước mơ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...