Cô giáo dạy Công nghệ đam mê nghiên cứu khoa học

GD&TĐ - Thật khó hình dung, người "thủ lĩnh" hằng năm đều mang giải cao trong top đầu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đạt nhiều thành tích quốc gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học lại là một cô giáo dạy môn Công nghệ tại một trường huyện.

NGƯT Nguyễn Thị Thúy cùng 2 học sinh đạt giải nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông.
NGƯT Nguyễn Thị Thúy cùng 2 học sinh đạt giải nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông.

Niềm đam mê kỳ lạ với công nghệ mới, phương pháp mới, những nỗ lực không mệt mỏi tạo ấn tượng đặc biệt từ nữ NGƯT vóc dáng nhỏ bé và vẻ ngoài khắc khổ này.

Làm nên hình ảnh người thầy, không phải bởi môn học họ giảng dạy là chính hay phụ, mà trên hết do tình yêu với nghề nghiệp và bản thân họ có hết mình với công việc hay không. Hãy cứ làm việc nghiêm túc, trách nhiệm và luôn muốn rằng sẽ mang đến cho học sinh nhiều cảm hứng, sự đam mê dù học Công nghệ hay tham gia nghiên cứu khoa học. 
Cô Nguyễn Thị Thúy

Say nghề chẳng kể khó khăn

Nói cô Nguyễn Thị Thúy là một trong những giáo viên nổi tiếng nhất của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có lẽ đúng.

4 năm trước, cô là đại diện duy nhất của tỉnh có mặt trong đoàn nhà giáo hơn trăm người dự lễ tuyên dương các nhà giáo tiêu biểu toàn quốc 2008 - 2013 do Bộ GD&ĐT phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức; cũng là người mạnh dạn phát biểu trong buổi tiếp kiến Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dịp ấy.

Đời sống cá nhân còn nhiều khó khăn, bỏ lại mọi ưu tư ngoài lớp học, bảng thành tích của NGƯT lưu giữ trong 30 năm gắn bó với nghề thật đáng nể. Nhưng niềm tự hào của cô không phải những danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh; các sáng kiến có sức lan tỏa; bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh... mà chính là nhiều thế hệ học trò của cô đã trưởng thành như ước nguyện.

"7 học sinh của mình đã được tuyển thẳng vào các trường ĐH lớn từ kết quả cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh" - cô chia sẻ tự hào.

Tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học ngay từ năm học đầu tiên tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức, đến nay, đội nhóm do cô Thúy làm "thủ lĩnh" đã thực hiện được 4 đề tài thuộc lĩnh vực cơ khí và đang cùng học sinh nuôi dưỡng đề tài thứ 5 cho năm học này. Những ngày tháng khó khăn nhưng hạnh phúc đó được cô trân trọng lưu giữ vô cùng.

Cô kể: Từ huyện Châu Đức đi lên Trường ĐH SP Kỹ thuật phải cả 100 km. Thường thì thầy trò đi vào chủ nhật, phải đi 2 chặng xe. Sau một ngày vất vả nghiên cứu, làm việc, có lần đón xe về đúng lúc trời mưa to, thầy trò ướt mèm.

Khi đón được xe, trò ngồi cạnh rút trong ba lô ra cái khăn lông bắt cô lau tóc, xong mới lau cho mình. Do đó, khi làm dự án thì cô và các trò thành người thân của nhau, học cùng nhau, ăn cùng nhau, cùng chăm sóc lẫn nhau.

Thời gian thì phải "dùng" vô cùng tiết kiệm và tranh thủ như tận dụng ngày nghỉ, buổi đêm để chuẩn bị công việc, đọc tài liệu, tra cứu trên mạng, liên lạc trao đổi và giao việc với trò bằng mọi phương tiện. Nhiều bữa vừa nấu cơm vừa trao đổi điện thoại với trò.

"Làm công việc này, về tài chính cô giáo thì cũng không thể quá tính toán; bởi nếu cứ so đo thì chắc là phải dừng lại. Không kể những khoản thường xuyên như điện thoại, đi lại, ăn uống, nhiều khoản chi cho thực hiện sản phẩm mình phải ứng trước tiền lương để làm" - cô Thúy chia sẻ.

Nhiều năm gắn bó với cuộc thi này, nhưng lần tổng kết và nhận giải nào cô trò cũng đều rơi nước mắt, có khi vì hồi hộp, mừng; có khi vì nuối tiếc, đủ các cung bậc. Nhớ nhất lần đầu tiên dẫn học sinh đi thi ở Cần Thơ, trong thời gian chờ kết quả tổng kết cuộc thi, mãi không thấy mình, cả cô và 3 học trò thẫn thờ, thất vọng tự rút lui dần ra khỏi sân lễ.

Cũng lúc ấy mới nghe xướng tên được giải 3 lĩnh vực. Khi đó, trò thì vui sướng nhảy lên ôm lấy cô và chạy rất nhanh từ xa để lên bục nhận giải, còn cô giáo nước mắt cứ chảy dài.

Lần thứ hai, do đội đã vào chung cuộc nên đoán đạt giải nhì lĩnh vực, thế nhưng khi công bố hết khung giải nhì vẫn không thấy tên. Cậu học trò bảo “cô ơi, cô đừng xỉu nhé, mình chắc nhất rồi”. Không ngờ, khi xướng tên được nhất lĩnh vực thật. Trò sợ cô xỉu nên cứ đỡ, không dám buông, còn cô cũng lại khóc ngon lành.

Lần thứ 3, cô trò đã biết được giải khuyến khích trước khi công bố khoảng 30 phút. Lần này, 3 cô trò đều ôm nhau khóc vì tiếc. "Giải khuyến khích này là thấp nhất, và cũng duy nhất mà con trai mình cùng tham gia.

Sau cuộc thi, con khóc 3 đêm liền, nhưng sau đó chững chạc lên rất nhiều và vẫn thi đậu vào ngành yêu thích của 2 trường ĐH là Bách khoa TP HCM và Sư phạm Kỹ thuật" - cô Thúy kể lại.

NGƯT Nguyễn Thị Thúy trong lễ tuyên dương nhà giáo, học sinh tiêu biểu năm học 2015 - 2016
NGƯT Nguyễn Thị Thúy trong lễ tuyên dương nhà giáo, học sinh tiêu biểu năm học 2015 - 2016 

Làm nên hình ảnh người thầy là sự đam mê, hết mình cống hiến

Ban đầu thực hiện hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, cô Thúy cho biết khó khăn rất nhiều vì nhiệm vụ mới mẻ. Khó từ quy trình thực hiện dự án nghiên cứu, tài liệu khoa học, kiến thức chuyên sâu liên quan đến sản phẩm của dự án đến điều kiện và phương tiện thiết bị máy móc để thực hiện mô hình/ sản phẩm của dự án...

Đó là chưa kể, cả đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh cũng chưa hiểu hết được ý nghĩa của hoạt động nghiên cứu khoa học trong nhà trường.

Cô Thúy đã dần vượt qua những khó khăn này bằng cách nghiên cứu tài liệu hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học nhiều lần; tìm các tài liệu liên quan chuyên ngành bằng cách liên hệ với các giảng viên ở trường đại học, bạn bè quen biết.

Cô cũng tự mày mò, tìm chuyên gia hỗ trợ nghiên cứu từ trường đại học và thường xuyên rút kinh nghiệm trong công tác hướng dẫn sau mỗi năm thực hiện.

"Mỗi khi nhận hướng dẫn dự án, mình hầu như đặt tâm vào nó. Mới đầu là test và xác định xem ý tưởng đó có mới, sáng tạo, có giá trị và thực hiện được không. Sau đó, mang trao đổi với đồng nghiệp, với bạn bè và các thầy cô chuyên ngành mà mình quen biết.

Trong khi thực hiện, chính cô cũng luôn tự tìm các câu hỏi để làm khó cho cả cô và trò, lật ngược lật xuôi vấn đề để tìm giải pháp thực hiện. Đi đâu mà phát hiện ra có các yếu tố liên quan ảnh hưởng hay tác động đến giải pháp, mình lại nghĩ cách làm thế nào để dẫn dắt học sinh quan tâm và để ý, phân tích đến vấn đề mà mình phát hiện ra" - cô Thúy chia sẻ.

Nói về yếu tố then chốt để hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học có kết quả tốt, NGƯT Nguyễn Thị Thúy cho rằng, điều tiên quyết là giáo viên hướng dẫn phải là người mê nghiên cứu, nhiệt tình và đặt mình vào vị trí của học sinh; phản biện cùng học sinh các nội chính của dự án.

Bản thân giáo viên thật ra cũng không giỏi nhiều hơn học sinh bao nhiêu, bởi ý tưởng là sáng tạo liên quan đến rất nhiều kiến thức chuyên sâu mà giáo viên không am hiểu. Khi tham gia các dự án, mình được học và phải tự học khi tham gia cùng các em.

Bởi vậy, giáo viên phải là người có kĩ năng tự học, tự nghiên cứu tốt; tiếp nhận kiến thức nhanh trước một bước so với học sinh và sẽ bằng nghiệp vụ sư phạm để dẫn học sinh chinh phục kiến thức mà mình đã nắm giữ.

"Một bài học trong vai trò vừa là phụ huynh và vừa là cô giáo hướng dẫn, mình thấy phải luôn lồng vào giáo dục giá trị cho học sinh trong hoạt động này. Dù thất bại hay thành công, dự án cũng mang lại một giá trị nhất định. Học sinh sẽ học và đạt được nhiều kiến thức, kĩ năng, sự trải nghiệm" - cô Nguyễn Thị Thúy cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một góc bản Nàng 1, xã Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa).

Trăn trở Mường Lý

GD&TĐ - Mường Lý vào tháng 4 trời nóng rát. Gió phơn Tây Nam thổi ràn rạt. Những vạt rừng lau, lách ngả màu vàng úa, chỉ một mồi lửa là có thể bùng cháy.