Thủ khoa trường Sư phạm Hà Nội: 10 năm, học 3 trường Đại học

GD&TĐ - Một trong những thủ khoa xuất sắc được tuyên dương năm 2020 là Phạm Việt Dũng - chàng trai đặc biệt ấn tượng, sinh năm 1990, mất 10 năm và trải qua 3 trường Đại học.

Thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc trường ĐH Sư phạm Hà Nội Phạm Việt Dũng.
Thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc trường ĐH Sư phạm Hà Nội Phạm Việt Dũng.

Quyết tâm theo đuổi giáo dục!

Hơn 10 năm mới lấy được tấm bằng cử nhân, thế nhưng, đó không phải là những lần thi lại do học kém hay đúp lên đúp xuống mà ngược lại, Dũng học rất giỏi.

Tốt nghiệp loại Giỏi trường THPT Phan Đình Phùng (HN), Phạm Việt Dũng thi đỗ vào Đại học Bách Khoa Hà Nội (Chương trình Tiên tiến – Trung tâm Tài Năng ĐHBKHN) với 27,5 điểm.

Sau đó, chàng trai này khao khát được tới với chân trời cao hơn, xa hơn là ĐH Nanyang (Singapore) nên đã quyết tâm tìm được học bổng cho mình. Dũng cũng từng vượt qua kỳ thi khá khó khăn của Đại học Công nghệ Nanyang và bắt đầu đặt chân đến “quốc đảo” để học tập.

Đây cũng là thời gian ảnh hưởng khá lớn đến Dũng khi cảm nhận được việc cần phải đóng góp sức trẻ của mình cho quê hương. Và điểm cuối cùng điểm dừng chân của đời sinh viên của Dũng mới là ĐH Sư phạm Hà Nội.

Dũng tâm sự: "Khi đặt chân tới Singapore, mình đã bị choáng ngợp hơn nữa bởi cơ sở vật chất của trường vô cùng hiện đại và đầy đủ. Nhưng Vật lí lại không phải là thứ mình học được nhiều nhất khi bước chân đi du học. Mình đã tham gia những hoạt động ở ngoài trường, được đi nhiều nơi và gặp nhiều người hơn, và trong đầu mình bắt đầu xuất hiện một câu hỏi mà chính câu trả lời sau này đã đưa mình về với ĐH Sư phạm Hà Nội. Đó là: Tại sao đất nước của họ lại phát triển hơn quê hương của mình, từ một làng chài nhỏ bé, tại sao họ lại có thể vươn lên mạnh mẽ như vậy?

Câu hỏi đó ám ảnh lấy mình suốt một thời gian dài, và cuối cùng thì mình tìm ra câu trả lời cho bản thân: Một phần rất lớn, đó chính là giáo dục.

Sau khi tìm ra câu trả lời, một lần nữa mình lại bị ám ảnh bởi nó. Lần này một câu hỏi khác nảy lên trong đầu mình, đó là: Liệu mình có thể làm gì để giúp đất nước không?”

Câu hỏi đó tưởng chừng như quá lớn với một cái đầu bé nhỏ của một chàng thanh niên mới ngoài 20. Nhưng cuối cùng, sau những đấu tranh, Dũng quyết định trở về Việt Nam, và trong đầu chỉ nung nấu đến suy nghĩ thi đỗ vào Đại học Sư phạm Hà Nội.

Thời điểm có ý định về nước, Dũng đã từng bị gia đình phản đối và vô cùng sốc bởi cơ hội ở Singapore, Dũng sẽ có một công việc tốt với mức lương cao. Rồi ý tưởng về nước để bắt đầu thi lại, bắt đầu lại từ đầu khiến mọi người khó chấp nhận.

Thế nhưng, nhìn ra được đam mê, quyết tâm của Dũng, mọi người hiểu rằng, dù là công việc tốt nhưng chưa thỏa được sức sáng tạo hay nói đúng hơn là chưa đúng với mong ước của Dũng. Và tốt nghiệp thủ khoa khi học cùng các sinh viên sinh năm 1998 là minh chứng cho quyết tâm chinh phục ước mơ của chàng trai này.

Dạy học sinh theo đuổi đam mê

Đam mê Vật lý, vừa học ở trường Sư phạm, Việt Dũng đã tạo ra một kênh chuyên về chế tạo các sản phẩm, các dụng cụ thí nghiệm mang tên "Vui học STEM" và tham gia trực tiếp giảng dạy. Thời gian tới, Dũng sẽ tiếp tục phát triển những ý tưởng giáo dục mới lạ, tích cực và chia sẻ với các thầy cô, học sinh và phụ huynh trên cả nước thông qua dự án "Vui học STEM".

Hiện tại, mặc dù muộn, nhưng Việt Dũng tin rằng cậu đã làm cho gia đình tự hào, không chỉ vì kết quả đã đạt được, mà hơn hết là vì cậu đã dám sống với mơ ước tưởng chừng viển vông, dám đánh đổi rất nhiều thứ vì lý tưởng đã tự đặt ra khi còn trẻ.

Mất 10 năm để học Đại học và có thể tốt nghiệp, Dũng cho rằng không hề nuối tiếc, bởi mỗi một năm đi qua, một trường đã học là một trải nghiệm vô cùng đáng quý. 10 năm cũng chính là thời gian tích lũy kinh nghiệm cho bản thân để trưởng thành hơn.

"Đừng sợ thử thách. Khi mục tiêu, niềm tin và quyết tâm của chúng ta lớn hơn tất cả mọi thử thách, chúng ta nhất định sẽ đi tới đích. Đó là điều đầu tiên mình sẽ dạy cho học sinh của mình. Khi đó, điểm số chỉ đơn giản là sự phản ánh của lượng kiến thức mình học được, và học được nhiều thì điểm sẽ cao. Lúc đó thì tự bản thân sẽ tạo ra một phương pháp học tập hiệu quả cho riêng mình. Quan trọng nhất luôn là mục tiêu và động lực thực hiện mục tiêu đó", Dũng nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ