Năm ngoái, trong kỳ thi tuyển sinh đại học, Lê Thị Thoa (quê ở Hà Nam) đạt 26,5 điểm, trong đó: Văn học 9,0; Lịch Sử 8,25; Địa lý 9,0. Cô trở thành Thủ khoa khối C của ĐH Luật Hà Nội, đỗ vào khoa Luật Kinh tế.
Khi còn học phổ thông, Lê Thị Thoa liên tục 12 năm đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường. Từ em năm lớp 9 em đã đạt giải nhất kì thi Học sinh giỏi cấp tỉnh môn Sử, đồng thời thi đỗ vào lớp Sử - Địa của trường chuyên Biên Hòa.
Từ lớp 10 đến lớp 11 em là học sinh giỏi Sử của vùng duyên hải đồng bằng Bắc Bộ; lớp 12 lại đạt giải nhất kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch Sử, và sự nỗ lực ấy đã được đền đáp bằng một giải Nhất Quốc gia môn Lịch Sử trong kì thi năm học 2013 – 2014.
Năm thứ nhất đại học, Thoa tiếp tục giữ vững phong độ, đạt điểm cao trong mọi môn học. Nhìn chung, em đã thích nghi với cuộc sống sinh viên ở Hà Nội, duy chỉ có một điều khiến Thoa phiền lòng.
Đó là: "Do em đăng ký nhiều môn học tín chỉ nên bận rộn trong cả năm học. Hơn nữa, lớp học lại đông nên em không có nhiều thời gian kết bạn, trải nghiệm cuộc sống. Kỳ nghỉ hè này, em mới có thời gian rảnh nên quyết định thi tuyển vào đội thanh niên tình nguyện mùa hè xanh, tham gia chiến dịch tiếp sức mùa thi”, Thoa chia sẻ.
Cô bạn Thủ khoa cho biết, có hai lí do để em tham gia đội sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi. Lí do đầu tiên là: một năm trước, chính Thoa đã được các anh chị sinh viên tình nguyện nhiệt tình giúp đỡ khi đi thi. Bởi vì cảm động trước việc làm ý nghĩa của các anh chị, Thoa quyết tâm tham gia để “truyền lửa” cho các thế hệ đàn em.
“Năm ngoái em thi ở điểm thi Học viện Tư pháp. Em còn nhớ mãi lúc đang ngơ ngác không biết đường đi thì được một chị TNV rất xinh dẫn em vào tận phòng thi. Các anh chị còn vỗ tay chào đón khi các thí sinh bước vào cổng, khiến cho em có cảm giác rất tự tin, giống như được tôn vinh vậy.
Một anh TNV còn dặn em phải gửi đồ ở chỗ các anh chị SVTN trước khi vào phòng thi để tránh bị thất lạc. Chính những kỷ niệm đó đã khiến cho em muốn đăng ký tham gia hoạt động tình nguyện”, Thoa kể lại.
Lí do thứ hai dẫn dắt Thoa trở thành TNV là bởi em muốn được trải nghiệm, đồng hành cùng các bậc phụ huynh để hiểu cảm giác quan tâm, hồi hộp khi đưa con đi thi, để được giúp đỡ những người xung quanh.
Không có tâm không thể làm tình nguyện
Mặc dù học rất giỏi nhưng Thoa cũng vẫn cảm thấy hồi hộp khi đi thi… tuyển vào đội SVTN. CLB tình nguyện tổ chức thi tuyển TNV bằng hình thức đặt ra các câu hỏi tình huống cụ thể, để kiểm tra khả năng ứng phó, chịu đựng gian khổ của các bạn sinh viên.
Thoa cho biết: “Không phải ai muốn cũng có thể tham gia công việc này. Vì nhiều bạn cũng thích đi chơi cho vui nhưng không đủ nhiệt huyết, khi làm việc lại lười biếng thì không được tuyển chọn”.
Đối với Thoa, tuần vừa qua là quãng thời gian hết sức bổ ích. Em nhìn nhận và học hỏi được nhiều điều, có thêm nhiều người bạn tốt.
“Hoạt động tập thể cần sự đoàn kết của mọi cá nhân và đòi hỏi có kế hoạch cụ thể. Em luân phiên làm hai nhiệm vụ là phát nước miễn phí và trông giữ đồ đạc cho thí sinh. Chỉ cần phụ huynh có dấu hiệu mệt mỏi, khát nước, mình phải chủ động hỏi han, tiếp nước chứ không đợi mọi người tới xin, bởi vì có nhiều người ngại ngùng”.
Mỗi lần giúp đỡ người khác, nhận được lời cảm ơn, Thoa lại có thêm động lực để cố gắng trong công việc tình nguyện. Nếu không có tâm huyết, thực sự muốn giúp đỡ người khác, Thoa đã sớm "đầu hàng" trước cái nắng 40 độ và những công việc không tên.
Lập hàng rào tình nguyện vì nhiều người thiếu ý thức
Được biết một số cư dân mạng không thiện cảm, dùng từ ngữ nặng nề để chỉ trích với công việc tình nguyện của mình và các bạn, Thoa cảm thấy buồn nhưng không vì thế mà bầu nhiệt huyết trong em vơi đi.
Là một sinh viên chuyên ngành Luật, Thoa hiểu rằng: “Pháp luật cũng chỉ có thể điều khiển được hành vi chứ không thể điều khiển được suy nghĩ của người khác, chính vì vậy, em chỉ có thể cố gắng để những người xung quanh hiểu được ý nghĩa việc mình đang làm chứ không bận lòng những lời nói vào ra. Điều cốt lõi là trong tâm hồn mình, mình nhận được những gì từ việc cho đi”.
Không chỉ những lời nói trái chiều trên mạng gần đây, mà ngay cả các phụ huynh, thí sinh, nhiều người cũng không chia sẻ với công việc của các bạn SVTN.
Trong những ngày vừa qua, Thoa và các bạn đã gặp không ít trường hợp thí sinh, phụ huynh không chấp hành quy định trường thi, mặc dù các bạn TNV đã ra sức nhắc nhở, giải thích.
“Có phụ huynh lao xe lên vỉa hè, vứt chỏng chơ, mặc cho chúng em nhắc nhở vẫn lớn giọng xưng tao mày, rất thiếu văn hóa. Đối với những trường hợp này, chúng em phải hết sức khéo léo, tránh va chạm. Nếu cần thiết sẽ nhờ đến lực lượng công an”.
Về việc lập hàng rào chắn bằng người, Thoa cho rằng đó là do cơ sở hạ tầng của chúng ta chưa đủ điều kiện để đáp ứng khi bị quá tải, gây nên ùn tắc giao thông. Lại cộng với ý thức người dân còn kém nên buộc lòng các tình nguyện viên phải hỗ trợ giải tỏa giao thông.
“Việc lập rào chắn cũng chỉ diễn ra từ 15-30 phút khi thí sinh ra khỏi phòng thi, phối hợp cùng lực lượng công an để nhanh chóng giải tỏa ùn tắc giao thông. Em cho rằng việc gì cũng có hai mặt tích cực và hạn chế.
Công việc này nếu để một mình lực lượng cảnh sát giao thông làm thì hết sức khó khăn bởi không đủ người, khi mà số lượng thí sinh và phụ huynh quá đông. Thời điểm ùn tắc mà trông chờ vào dải phân cách và biển báo thì không hiệu quả vì ý thức chấp hành luật lệ của người dân còn kém”.
Thoa nhận xét, ngày thường, để đảm bảo an toàn giao thông, lực lượng cảnh sát cũng phải phơi nắng liên tục, cho nên các bạn SV hỗ trợ trong những ngày cao điểm phải phơi nắng là chuyện rất bình thường, bất kỳ người dân có ý thức nào cũng sẽ tham gia công việc này.
Cô SV ĐH Luật cho biết, những năm tới đây, em sẽ tiếp tục tham gia hoạt động tình nguyện tiếp sức mùa thi.