Chính quyền TP Đà Nẵng vừa có thông báo tuyển dụng 142 bác sĩ cho 17 cơ sở y tế công lập, bắt đầu nhận hồ sơ từ 1/10. Kèm theo đó là mức tiền dành cho những ứng viên - tùy theo bằng cấp và xếp loại học tập - từ 50 lần đến 200 lần mức lương cơ sở (khoảng 75 triệu đến 300 triệu/người) nếu đáp ứng các yêu cầu của nhà tuyển dụng kèm những cam kết từ hai phía.
Việc tuyển hàng trăm bác sĩ cùng lúc như thế, chứng tỏ TP Đà Nẵng đang thiếu hụt khá lớn đội ngũ thầy thuốc được đào tạo bài bản. Các ưu đãi được “đính kèm” của nhà tuyển dụng cũng nói lên rằng, chính quyền thành phố đang lấy lại niềm tin và sự “hấp dẫn” mới có thể “hút” được người tài.
Từ hơn 20 năm trước, khi vừa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã có nhiều chính sách ưu đãi khá hấp dẫn để thu hút nhân tài. Không ít người có học hàm, học vị đã về đầu quân cho Đà Nẵng những năm đó và nhận được ưu đãi.
Học tập Đà Nẵng, hàng loạt tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định cũng ra hẳn nghị quyết về “mức giá” ưu đãi cho những người thật sự tài năng về địa phương làm việc.
Tuy nhiên, sau mấy mươi năm “ưu đãi”, những gì gặt hái được quá ít ỏi, nếu không nói là chẳng gặt hái được gì vì nhiều “tài năng” về ngồi chưa ấm chỗ đã phải cất bước ra đi tìm chân trời mới. Có nhiều nguyên nhân, nhưng lí do cơ bản nhất vẫn là cách dùng người ở các địa phương.
Trở lại với câu chuyện tuyển dụng bác sĩ ở Đà Nẵng. Thành phố này đưa ra mức ưu đãi dành cho tiến sĩ y khoa là 200 lần mức lương cơ sở (khoảng 300 triệu đồng). Đây là mức ưu đãi cao nhất, còn mức thấp nhất dành cho bác sĩ đa khoa học lực trung bình khá là 50 lần (khoảng 75 triệu đồng).
Kèm theo mức hỗ trợ một lần nói trên, Sở Y tế Đà Nẵng cam kết bố trí, sử dụng đúng chuyên ngành với người ứng tuyển đồng thời tạo môi trường làm việc thuận lợi để phát huy năng lực. Bên cạnh đó, người được tuyển dụng cũng sẽ được xem xét quy hoạch, bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý.
Có lẽ đấy mới là điều các ứng viên mong muốn chứ không phải các mức ưu đãi một lần từ 75 triệu - 300 triệu đồng nói trên. Vì với mức ưu đãi như thế, một bác sĩ có uy tín, tay nghề cao, họ chỉ “khám bệnh kê đơn” vài tháng là cũng có số tiền đó rồi. Điều họ cần và mong muốn là nhà tuyển dụng phải sử dụng “đúng chỗ” để họ phát huy hết khả năng của mình chứ không phải họ ham vài trăm triệu đồng hỗ trợ như thành phố cam kết.
Bằng chứng là, một số bác sĩ sau khi về công tác ở các tỉnh theo dạng thu hút nhân tài đã phải trả lại số tiền địa phương hỗ trợ để dứt áo vào TPHCM - nơi chưa hề đưa ra bất cứ một mức hỗ trợ nào cho bác sĩ theo dạng “thu hút người tài” như các địa phương.
Người xưa từng dạy: “Dụng nhân như dụng mộc”. “Dụng” làm sao đó để người tài không cảm thấy mình thừa. Đó là một “nghệ thuật” của nhà quản lý chứ không phải đưa tiền nhiều mới “chiêu dụ” được nhân tài.