Hà Nội bàn cách thu hút, sử dụng người tài

GD&TĐ - Từ câu chuyện của mình, GS. TS Nguyễn Khánh Diệu Hồng cho rằng, ngoài thu nhập, chính sách đãi ngộ thì môi trường làm việc rất quan trọng.

Toàn cảnh tọa đàm.
Toàn cảnh tọa đàm.

UBND TP Hà Nội tổ chức tọa đàm “Thủ khoa xuất sắc đề xuất, hiến kế trong việc thu hút, sử dụng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao phục vụ xây dựng và phát triển Thủ đô”.

Chính sách thu hút nhân tài chưa đáp ứng mong muốn

Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội thẳng thắn chỉ ra: “Chính sách thu hút nhân tài của thành phố vẫn chưa đáp ứng được mong muốn toàn diện của các nhân tài trẻ.

Vì nhiều bạn học giỏi, vào làm cho các cơ quan của thành phố được một thời gian nhưng không phát huy được nên không tiếp tục con đường công chức nữa, bắt đầu chuyển vị trí công tác khác, đi sang khu vực tư. Đó là hiện trạng.

Tuy nhiên, cũng có những tấm gương thủ khoa phát huy được vai trò ở khu vực công như Bí thư Thành đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh từng là thủ khoa xuất sắc được Hà Nội tuyển dụng. Tuy nhiên, sự thành đạt không chỉ trên con đường quan chức mà quan trọng là đóng góp được gì cho Thủ đô, cho đất nước”.

Ông Sơn tiếp lời: “Các bạn thủ khoa ở đây có nhiều người ở địa phương xa. Sau khi học 4 - 5 năm đại học, sau này đi làm vẫn cần cha mẹ tiếp tế, rồi không biết đến bao giờ mới có thể tự chủ.

Nhà không có, thu nhập không đủ sống, không thể nào tâm huyết, toàn tâm toàn ý đóng góp cho công việc được. Đó cũng là một bài toán chúng ta cần phải giải quyết. Vì vậy, thành phố rất cần những ý kiến thiết thực để xây dựng chính sách vượt trội cho Thủ đô”.

Chia sẻ tại tọa đàm, GS.TS Nguyễn Khánh Diệu Hồng cho biết, bản thân là thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2004. Sau 18 năm được vinh danh thủ khoa xuất sắc, hiện GS.TS Nguyễn Khánh Diệu Hồng là Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, Liên hiệp Các tổ chức Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Có được thành công đó, Diệu Hồng đã bỏ ngang công việc ở một ngôi trường Top 4 thế giới để trở về nước làm việc, cống hiến. “Đến giờ, tôi chưa từng ân hận vì quay về nước. Bởi tôi được sự hậu thuẫn, tạo điều kiện thuận lợi từ lãnh đạo, đồng nghiệp, bạn bè và có nhiều cơ hội để phấn đấu, khẳng định bản thân”, GS. TS Nguyễn Khánh Diệu Hồng cho biết.

Từ câu chuyện của mình, GS. TS Nguyễn Khánh Diệu Hồng cho rằng, ngoài thu nhập, chính sách đãi ngộ thì môi trường làm việc rất quan trọng. “Làm sao tạo được không gian, điều kiện cho các bạn trẻ sáng tạo, phát huy hết năng lực, sở trường của mình là yếu tố quan trọng nhất để giữ chân nhân tài”, GS. TS Nguyễn Khánh Diệu Hồng nói.

Có 13 năm làm việc tại các cơ quan Nhà nước, thủ khoa xuất sắc năm 2009 Nguyễn Mai Anh, Phó Trưởng phòng Phụ trách tổng hợp, Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội cho biết, với cơ chế, chính sách hiện nay đã cho thấy sự quan tâm rất lớn của thành phố trong thu hút và trọng dụng nhân tài.

Theo chị Mai Anh, thành phố cần khắc phục tình trạng chảy máu chất xám. Tuy nhiên, cái cần khắc phục hơn là việc sử dụng nguồn lực chất lượng cao không hiệu quả, làm hạn chế sự phát triển của người tài. Từ đó hạn chế mức độ đóng góp của họ cho xã hội.

Chị Nguyễn Khánh Linh (thủ khoa xuất sắc Đại học Luật – ĐHQG Hà Nội năm 2021), hiện là công chức Bộ Tư pháp cho rằng, mặc dù các chính sách thu hút nhân tài của Thủ đô Hà Nội đã có những sự khác biệt so với quy trình tuyển dụng công chức thông thường nhưng vẫn chưa thực sự hấp dẫn. Trong khi đó, các doanh nghiệp, các tổ chức tư nhân luôn đưa ra những đề xuất, cơ hội phát triển đáng để họ dốc lòng làm việc và cống hiến.

Theo chị Linh, cần xây dựng những phương án mang tính đột phá hơn, dài hơi hơn, đi vào thực chất hơn. Mục đích để hấp dẫn, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phụng sự Thủ đô, đất nước.

“Tuyển” rồi có “dụng” được không?

Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn kỳ vọng, trong 98 thủ khoa xuất sắc được tuyên dương năm nay sẽ có nhiều bạn tham gia vào hệ thống chính trị của thành phố. Đồng thời nhấn mạnh, thành phố luôn mở rộng cánh cửa để các bạn cống hiến, phát huy tài năng, đóng góp để xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.

Ông Đinh Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho hay, hàng năm UBND thành phố ban hành kế hoạch tuyển dụng trên cơ sở làm việc tại các cơ quan đơn vị, công khai thông tin này tại Cổng thông tin điện tử thành phố Hà Nội và các cơ quan báo chí.

Ông Vũ Trung Thành, Phó Giám đốc Sở Tài chính khẳng định: “Thủ khoa nào có nguyện vọng về Sở Tài chính làm việc cứ mạnh dạn đề xuất, chúng tôi sẵn sàng tuyển dụng phù hợp với chỉ tiêu được phân bổ”.

Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội cho rằng, tuyển dụng nhân tài đã khó nhưng sử dụng được nhân tài càng khó hơn. “Tuyển” rồi có “dụng” được không, có giữ chân, phát huy được nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo ra được giá trị, tạo ra sự phát triển, tiến bộ cho Thủ đô hay không? Đó mới là vấn đề quan trọng”, ông Sơn nêu.

Ông Sơn cho rằng, từ khởi đầu là học giỏi kiến thức, các bạn trẻ sau khi được tuyển dụng tại các cơ quan, đơn vị cần được tạo điều kiện, giao việc để phát huy năng lực. Ông Sơn cũng đề nghị các đơn vị rút ngắn các quy trình, thủ tục để thu hút và trọng dụng người tài.

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội cho biết, lãnh đạo thành phố sẽ tiếp thu đầy đủ và giao cho các sở, ban, ngành xây dựng cơ chế, chính sách công khai, linh hoạt trong thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. TP Hà Nội sẽ lập ra các kênh tương tác, để ghi nhận ý kiến đóng góp của các bạn trẻ.

Ông Sơn cũng đồng thời bày tỏ mong muốn, các thủ khoa xuất sắc tiếp tục đóng góp cho Thủ đô và đất nước, đặc biệt trong hoạch định chính sách. Đồng thời, hiến kế giải quyết những vấn đề bức xúc của TP Hà Nội hiện nay như ùn tắc giao thông, ngập úng, xử lý rác thải, nước thải, ô nhiễm môi trường, quy hoạch, trật tự xây dựng…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ