Nhiều hoạt động thiết thực để giáo dục
Theo chia sẻ của thầy Vũ Sơn Hải – Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn: “Hành vi bạo lực học đường nhiều khi xảy ra chỉ vì những va chạm nhỏ lúc chơi đùa trong lớp, trên đường đến trường hay qua những bình luận ở mạng xã hội.
Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng này đầu năm học và các tiết sinh hoạt dưới cờ hàng tuần, chúng tôi tổ chức trao đổi, chia sẻ để giáo dục đạo đức, lối sống, kĩ năng ứng xử cho học sinh. Nhà trường cũng hướng dẫn học sinh sử dụng mạng xã hội một cách thông minh để hạn chế những tác động tiêu cực.
Đối với giáo viên chủ nhiệm, chúng tôi yêu cầu sát sao, quan tâm, theo dõi và nắm bắt tình hình học sinh trong lớp mình chủ nhiệm hoặc tham gia giảng dạy, chú trọng vào các hoạt động tập thể để tăng tính đoàn kết cho các em”.
Bên cạnh đó hàng năm, Trường THPT Đồng Đăng đều tổ chức các cuộc thi như: vẽ tranh, viết bài tuyên truyền đăng trên trang truyền thông của nhà trường, tổ chức cho học sinh ký cam kết, giao ước thi đua không sử dụng bạo lực học đường, vô lễ với nhà giáo, gây mất đoàn kết nội bộ trường học.
Tổ chức tọa đàm với các chủ đề tuyên truyền về các nội dung liên quan đến phòng chống bạo lực học đường hay các câu lạc bộ để học sinh tham gia sinh hoạt tăng tính đoàn kết học sinh trong trường.
"Chúng tôi cũng chú trọng xây dựng các không gian vui chơi cho học sinh trong khuôn viên trường học, để sau mỗi giờ học các em có thể tham gia hoạt động thể thao, văn nghệ nhằm tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường”, thầy Vũ Sơn Hải chia sẻ.
Quan tâm học sinh hơn nữa
Theo thầy Vũ Hải Sơn, những học sinh bị bạo lực học đường thường có tâm lý sợ hãi, lo lắng, đến lớp không muốn nghe giảng, trầm lặng, khép mình không có hứng thú với các hoạt động học tập hay vui chơi tại trường. Nhiều em còn bị ám ảnh bởi tâm lý lo sợ sau những lần bị đánh đập dẫn đến việc không muốn ăn uống, mất ngủ do gặp ác mộng…
“Khi một học sinh hòa đồng bỗng nhiên ngại giao tiếp, thích tách biệt với mọi người, không muốn tham gia các hoạt động chung của gia đình hay tập thể cùng bạn bè đó là "báo động đỏ" mà phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm cần lưu tâm. Lúc này, giáo viên, phụ huynh cần thông qua bạn bè để hỏi han hoặc trực tâm sự cùng học sinh để tìm hiểu nguyên nhân”, thầy Vũ Sơn Hải nói.
Toàn cảnh buổi sinh hoạt dưới cờ của học sinh Trường THPT Đồng Đăng. Ảnh NTCC. |
Tại Trường THPT Đồng Đăng, khi phát hiện học sinh có manh nha sử dụng bạo lực học đường, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm và cán bộ lớp sẽ cùng gặp gỡ trao đổi, phân tích để học sinh hiểu những tác hại khi của nạn bạo lực học đường đến với người bị bạo lực.
"Những học sinh này chúng tôi sẽ sát sao và có biện pháp hỗ trợ tâm lý cũng như giáo dục các em để nhận thức rõ hành vi mình đã làm là không đúng. Yêu cầu giáo viên chủ nhiệm, cán bộ lớp và học sinh trong lớp không kỳ thị mà giúp đỡ để những học sinh này sửa chữa lỗi lầm, thay đổi hành vi của mình”, thầy Vũ Sơn Hải nói.
Những vụ việc vượt quá khả năng giải quyết, nhà trường sẽ thông báo kịp cơ quan công an, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với những học sinh bị bạo lực học đường, nhà trường phối hợp với gia đình chăm sóc y tế; hỗ trợ tư vấn tâm lý cho học sinh để các em dần dần ổn định và an tâm học tập. Nhắc nhở giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm quan tâm, động viên học sinh để các em không cảm thấy tự ti, mặc cảm.
“Chúng tôi luôn cố gắng để học sinh có một môi trường học tập thân thiện, an toàn, mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Phụ huynh an tâm khi cho con đến đây học tập”, thầy Vũ Sơn Hải nói thêm.
“Trước khi xảy ra vấn đề bạo lực học đường, nhà trường cần phải thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh, trong đó bao gồm việc bố trí các phòng tư vấn tâm lý trong khuôn viên trường. Đối với học sinh đang gặp phải khó khăn về tâm lý trong học tập và cuộc sống để tìm hướng giải quyết phù hợp, giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra”, thầy Vũ Sơn Hải – Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn chia sẻ.