Tiếp nối thành công của dự án năm 2014 và 2015, với số lượng học sinh khuyết tật được học công nghệ thông tin (CNTT) cơ bản và nâng cao với số lượng 358 học sinh trên địa bàn 6 quận, huyện Hà Nội. Năm 2016, dự án được tiếp tục mở rộng và được thực hiện từ tháng 4 đến tháng 12/2016, địa bàn được mở rộng lên 8 quận, huyện.
Theo bà Dương Thị Vân - Chủ tịch Hội người khuyết tật thành phố Hà Nội, dự án nhằm hỗ trợ thanh thiếu niên khuyết tật và phụ nữ khuyết tật trên địa bàn Hà Nội có kiến thức và kỹ năng cơ bản về CNTT - một trong những công cụ quan trọng hỗ trợ người khuyết tật tìm việc làm, hòa nhập thị trường lao động.
Năm 2016, dự án đã và đang hỗ trợ 8 trung tâm và trường chuyên biệt cải tạo môi trường đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận sử dụng máy tính và một số trang thiết bị khác phục vụ lớp học CNTT cho người khuyết tật (NKT) tại 8 đơn vị này, với con số học viên đươc đào tạo là 380 người.
Đánh giá ý nghĩa của dự án và sự phối hợp giữa trung tâm dạy nghề với Hội Người khuyết tật trong quá trình triển khai dự án, ông Nguyễn Trung Thành - Cục Bảo trợ xã hội - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: "Khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển thì nhu cầu lao động chất lượng, được đào tạo bài bản ngày càng cao.
NKT hiện nay được đánh giá nguồn lao động tiềm năng trong lĩnh vực CNTT nếu họ được đào tạo tốt. Ý thức được điều kiện sức khỏe, NKT thường nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiện vụ được giao. CNTT lại là ngành ít đòi hỏi di chuyển nên được xem là lĩnh vực phù hợp với những lao động là NKT".
Với những hoạt động cụ thể với mục tiêu rõ ràng, dự án góp phần động viên, chia sẻ và giúp đỡ NKT trên địa bàn 8 quận, huyện của Hà Nội (Ba Đình, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Gia Lâm, Đông Anh, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Mỹ Đức), đồng thời sẽ giúp NKT cải thiện cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Dự án thực sự đã tạo cơ hội thuận lợi cho NKT được tiếp cận bình đẳng về CNTT.