(GD&TĐ)-Để ổn định tỉ giá từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước dự định sẽ chỉnh sửa Thông tư 07 theo hướng chỉ cho vay đối với những đối tượng có nguồn ngoại tệ tái tạo.
Mất cân đối giữa huy động và cho vay ngoại tệ dẫn đến tình trạng căng thẳng tỷ giá hối đoái (ảnh MH) |
Theo đó, các doanh nghiệp có nguồn ngoại tệ tái tạo tức các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được Ngân hàng Nhà nước cho vay ngoại tệ phục vụ sản xuất-kinh doanh.
Còn các đối tượng không phải doanh nghiệp xuất khẩu thì chuyển sang quan hệ mua bán. Và nếu như vậy, chắc chắn tín dụng ngoại tệ sẽ giảm mạnh. Đây được xem là một trong những biện pháp nhằm ổn định tỉ giá từ nay đến cuối năm nếu có điều chỉnh thì cũng không quá 1% như cơ quan này đã công bố.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cho đến thời điểm cuối tháng 8, chênh lệch giữa cho vay và huy động ngoại tệ đã lên tới 150.000 tỉ đồng. Chính vì vậy, việc Ngân hàng Nhà nước tăng dư nợ bắt buộc ngoại tệ thêm 1% là giải pháp thích hợp.
Từ đầu tháng 8 đến nay, Ngân hàng Nhà nước cũng đã 2 lần điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng. Tổng cộng mức tăng 2 lần là 20 đồng
Cuối năm 2010, mức chênh lệch giữa huy động và cho vay ngoại tệ là trên 45.000 tỷ đồng, xấp xỉ 2,3 tỷ USD. Mức chênh lệch này đã làm cho tỷ giá hối đoái trở nên rất căng thẳng và kéo dài đến quý I/2011, khiến NHNN lần đầu tiên phải điều chỉnh tỷ giá với mức cao nhất trong lịch sử là 9,3%.
Tuy nhiên, giải pháp này chưa đủ để đẩy lãi suất cho vay ngoại tệ tăng cao, sát với mức cho vay của VND. Do vậy, việc đẩy mạnh vay ngoại tệ vẫn là xu hướng mà doanh nghiệp lựa chọn trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
Hải Minh