Thứ đáng sợ hơn kẻ thứ 3 khiến hôn nhân đổ vỡ lúc nào không hay

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Khi vợ chồng mất kết nối, khiến cho đôi bên càng xa cách, lạnh nhạt thậm chí xung đột vì không hiểu nhau, hôn nhân đổ vỡ lúc nào không hay.

Vợ chồng mất kết nối, hôn nhân đổ vỡ lúc nào không hay.
Vợ chồng mất kết nối, hôn nhân đổ vỡ lúc nào không hay.

Chào chị, em năm nay 23 tuổi đã kết hôn 1 năm. Chồng em 24 tuổi. Gia đình em bị mất kết nối với nhau. Hiện tại vợ chồng em đã có nhà do bên ngoại cho.

Em độc lập về kinh tế, còn chồng thì chưa, công việc bấp bênh. Gia đình em có sắp xếp nhưng anh không muốn làm.

Em thấy chồng không còn tình cảm với em. Anh chơi cả tháng cũng không nhắn hỏi han em, cũng không thấy có chí tiến thủ.

Dù em biết là nếu về, anh cũng sẽ không làm việc, chỉ ham chơi hưng em vẫn cảm thấy lấn cấn trong lòng nếu em cứ im lặng mãi như vậy. Em không biết nên làm gì và nói gì nên em đã im lặng 10 ngày nay.

Chồng em còn khó có khả năng sinh con tự nhiên. Kinh tế gia đình anh cũng kém hơn nên anh tự ti. Em phải làm sao để cuộc hôn nhân của mình tốt đẹp hơn? Em có nên quyết tâm ly hôn chồng không?

Giải đáp của chuyên gia tâm lý Tuệ An

Chào em, biết ơn em đã chia sẻ những trăn trở của mình.

Em mới kết hôn 1 năm và nhận thấy những vấn đề đang xảy ra, em đi tìm giải pháp để hôn nhân tốt đẹp hơn. Đó là một điều tuyệt vời, hãy biết ơn chính mình vì điều này nhé. Chị cảm nhận thấy em yêu thương chồng rất nhiều, và chính tình cảm của em có thể giúp được anh ấy đó. Chỉ là cách em đang làm chưa phù hợp với anh thôi.

Thứ nhất, em đã nhìn ra được anh ấy tự ti

Em nghĩ xem, một người đàn ông trong gia đình, chưa vững về kinh tế, khả năng sinh con tự nhiên không cao, nhà cũng là do bên ngoại cho, vậy anh ấy sẽ cảm thấy thế nào?

Tự ti thôi là chưa đủ, anh ấy còn cảm thấy mình thua kém, không có giá trị trong cuộc hôn nhân này. Vì em đã có sẵn gần như tất cả, công việc, tài chính, nhà, gia đình kinh tế tốt hơn,… và anh ấy hiện tại đang không góp được chút công sức nào vào đó.

Anh ấy sẽ càng ngày càng thu mình lại hơn, muốn tránh mặt em hơn, chứ không hẳn là anh ấy hết tình cảm với em. Mà thực ra khi em yêu một ai đó, em sẽ muốn trao những điều tốt đẹp, giá trị cho họ đúng không?

Vậy có khi, anh ấy vẫn yêu thương em đó chứ, nhưng do anh ấy đang không thấy mình có giá trị gì để cho em. Em hãy thử quan sát và cảm nhận xem nhé.

Thứ hai, em đừng vội ly hôn khi thực sự em còn thương anh ấy.

Hãy thử xây dựng và cùng nhau vượt qua khó khăn này xem

Thực ra, em đừng nghĩ ly hôn là xong. Nếu em ly hôn trên giấy tờ, nhưng trong tâm em vẫn nghĩ đến họ vậy thì đâu gọi là ly hôn thực sự. Dù em không ở cùng họ nữa nhưng em vẫn nhớ và nghĩ đến họ mà. Như vậy có phải mình làm việc trái với tâm của mình không?

Vậy trong trường hợp này, em có thể làm gì trong để cuộc hôn nhân tốt đẹp hơn? Em có thể làm được rất rất nhiều nhưng với điều kiện em là một người đang hạnh phúc và có sự bình an. Vì nếu em không có hạnh phúc từ bên trong, em không thể vô tư cho anh ấy được, mà sẽ vừa làm vừa đòi hỏi anh ấy đáp lại.

Mặt khác, anh ấy đang không có sức làm điều đó dù anh ấy muốn. Anh ấy đang tự ti và rất khổ. Chị đề xuất cho em một vài giải pháp theo thứ tự nhé:

Em hãy tự tạo niềm vui cho mình trong cuộc sống để trở thành một người dễ thương, vui vẻ, hay cười trước. Và anh ấy cũng thoải mái khi ở nhà hơn.

Hãy ghi nhận anh ấy từ những điều nhỏ bé nhất mà anh ấy làm được. Để anh ấy thấy mình có giá trị khi ở bên em. Và chắc chắn là anh ấy có, nên em mới thương anh ấy như vậy.

Đừng chỉ nhìn anh ấy ở khía cạnh khuyết điểm và không có chí tiến thủ. Một người không có chí tiến thủ họ sẽ hài lòng và an nhàn chứ không tự ti như anh ấy lúc này.

Em cũng có thể viết một bức thư cảm ơn anh ấy nếu em muốn để gửi sự trân trọng và yêu thương đến chồng mình.

Đây là điều quan trọng nhất, nhưng em hãy làm từ từ và khi em có sự bình an, chân thành. Đừng làm khi mình buồn bực hay đang muốn sự quan tâm, mong cầu.

Hãy trò chuyện và lắng nghe anh ấy nhiều hơn. Và xem anh ấy muốn làm gì tiếp theo, anh ấy có trăn trở gì trong công việc, tài chính.

Đừng tự ý ra tay giúp đỡ khi anh ấy chưa hỏi em, hãy tôn trọng họ. Gia đình em tự sắp xếp một công việc gì đó mà anh ấy không nhờ đến là việc khiến anh ấy cảm thấy tự ti hơn về bản thân mình em nhé. (Hãy nói bố mẹ mình bình tĩnh cho vợ chồng mình thời gian).

Thực ra, em chỉ cần thương và mở lòng để lắng nghe chân thành, không phán xét anh ấy thôi, dần dần anh ấy sẽ có lại niềm tin vào chính mình. Tuy nhiên, nếu anh ấy quá tự ti để nói thật và tâm sự với em thì cũng đừng lo lắng. Cái tôi của người đàn ông rất lớn và đó là chuyện bình thường.

Em cứ dịu dàng, chân thành, nghe anh ấy từ cái nhỏ nhỏ, đơn giản trước nhé. Anh ấy sẽ tự biết nên làm gì để tốt nhất cho gia đình. 24 tuổi là độ tuổi còn rất trẻ đúng, hãy cho anh ấy niềm tin và thời gian để tìm ra con đường của mình.

Chúc em sẽ thật hạnh phúc, cười tươi mỗi ngày và lan tỏa điều đó đến gia đình mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.