Thông tư 30 hỗ trợ kịp thời sự tiến bộ của học sinh

GD&TĐ - Đó là nhận định của cô giáo Lê Thị Thu Lý - Hiệu trưởng trường Tiểu học Việt Hùng (Huyện Đông Anh, Hà Nội) sau một thời gian thực hiện đánh giá học sinh Tiểu học theo hướng dẫn mới của Bộ GD&ĐT.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo cô Lý, cho đến nay, trải qua thời gian tìm hiểu, thực hiện và qua 1 kỳ sơ kết, hầu hết giáo viên đã nắm bắt và thực hiện tốt các yêu cầu của Thông tư 30.

Đối với giáo viên cơ bản, việc đánh giá học sinh theo hướng dẫn mới thực sự không gây nhiều xáo trộn. Tuy lượng công việc có thể nhiều hơn và tâm lý giáo viên có vẻ e dè khi mới tiếp thực hiện nhưng mọi khó khăn cơ bản đã được đẩy lùi nhờ quyết tâm và nhiệt tình vì mục tiêu chung.

Trở ngại lớn thuộc về giáo viên chuyên biệt khi phải phụ trách số lượng học sinh quá lớn. Tuy vậy, qua trao đổi và học hỏi kinh nghiệm của các trường bạn, giáo viên cũng đã tìm ra phương án phù hợp để thực hiện suôn sẻ công việc của mình.

Cô Lý chia sẻ: Nói là nhận xét học sinh thay cho điểm số, nghe thì công việc có vẻ "bộn bề" nhưng trên thực tế, theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, khi học sinh đạt đúng chuẩn thì không nhận xét, chỉ nhận xét những điểm nổi trội và những điểm còn hạn chế.

Bên cạnh đó, yêu cầu bắt buộc đưa ra giải pháp, theo dõi và khắc phục những điểm chưa đạt của học sinh là điểm nhân rất quan trọng của Thông tư 30. Tự thân yêu cầu này khiến giáo viên phải tự giác, chủ động và có trách nhiệm cao hơn đối với chính những học sinh cần sự quan tâm. Ban Giám hiệu cũng nhờ thế mà nắm rõ hơn sức học của học sinh mỗi lớp và sự nghiêm túc trong công việc của mỗi giáo viên.

Theo cô Lý, tinh thần của Thông tư 30 thực sự rất tiến bộ và nhiều ý nghĩa tích cực, song để giáo viên có thể đáp ứng đầu đủ các yêu cầu, hướng dẫn của Thông tư này thì giáo viên Tiểu học thực sự cần có thêm quỹ thời gian.

Cô Lý cũng phấn khởi cho biết: Đã qua sơ kết học kỳ 1, theo đánh giá chung của nhà trường chất lượng giáo dục khi đánh giá học sinh theo hướng dẫn mới không hề thua kém khi đánh giá bằng điểm số. Giáo viên có thể vất vả hơn đôi chút nhưng bù lại học sinh thoải mái hơn.

Có một "khó khăn" mà cô Lý nhắc đến trong niềm vui đó là "Khó khăn trong việc đánh giá học sinh giỏi toàn diện".

Với cách đánh giá mới, đánh giá cả năng lực và phẩm chất của học sinh. Học sinh nhận được giấy khen là phải có quá trình phấn đấu rất nhiều mới có được, bao gồm: quá trình phấn đấu thường xuyên cộng với điểm cuối học kỳ và nhiều hoạt động khác tại trường.

"Lượng học sinh đạt học sinh giải toàn diện đã giảm rất nhiều so với những năm học trước, khi chúng ta đánh giá học sinh bằng điểm số. Thay bằng phổ biến mỗi lớp trên 90% học sinh Khá và Giỏi thì hiện nay con số học sinh đạt "toàn diện" chỉ đạt mức khoảng 10% - 20%, còn lại là phần lớn học sinh "đạt yêu cầu". Đây là con số hoàn toàn chân thực.", cô Lý nhận định.

Có thể nói, Thông tư 30 đã góp phần đẩy lùi bệnh thành tích vốn đã tồn tại lâu nay. Sau thời gian thực hiện, từ chỗ chưa thấu hiểu, chưa đồng thuân, đại đa số phụ huynh hiện nay đã phấn khởi ủng hộ việc đánh giá học sinh theo cách mới.

Vì trong suy nghĩ của nhiều phụ huynh, điểm số chính là nguyên nhân của những tiêu cực chốn học đường. Không điểm số mà phụ huynh vẫn nắm bắt đầy đủ tình hình học tập của con em mình, đồng thời vai trò, trách nhiệm phối hợp với thầy cô, nhà trường của phụ huynh được nâng lên, tạo sự gắn kết bền chặt và kịp thời trong giáo dục học sinh.

Rõ ràng học sinh phấn đấu không phải chỉ vì điểm số mà vì muốn chinh phục những kiến thức mới và giáo viên nỗ lực chỉ vì sự tiến bộ của học sinh. 

Vấn đề cốt lõi của quá trình giáo dục trẻ đã được các giáo viên và phụ huynh nắm rõ, học sinh có nhiệm vụ chủ động tự học để làm chủ quá trình lĩnh hội kiến thức. Tránh chỉ trích và so sánh, nâng đỡ tâm lý, hỗ trợ kịp thời vì sự tiến bộ của học sinh,.. Những điều này hoàn toàn phù hợp và vô cùng có ích với học sinh tiểu học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ