Đó trước tiên là kết quả từ việc tổ chức cho cán bộ giáo viên học tập nghiên cứu các văn bản hướng dẫn của Bộ, Sở, phòng GD&ĐT. Bản thân trường cũng tổ chức các chuyên đề về thực hiện Thông tư 30 như trao đổi kinh nghiệm giữa các giáo viên, giữa cán bộ quản lý và giáo viên trên tinh thần chia sẻ, giúp đỡ.
Đặc biệt, để có những lời nhận xét cụ thể, phản ánh được kết quả học tập rèn luyện của học sinh, Trường tiểu học Trí Yên tăng cường tổ chức các chuyên đề đổi mới phương pháp dạy, đổi mới cách tổ chức hoạt động học tập của học sinh tạo cơ hội để học sinh hoạt động từ đó học sinh bộc lộ năng lực, phẩm chất, khả năng của mỗi em.
Từ quan sát hoạt động hàng ngày của học sinh, giáo viên gần gũi, quan tâm chia sẻ với các em có được những lời nhận xét cụ thể, chi tiết với từng em, kịp thời giúp đỡ uốn nắn học sinh.
Về thời gian để ghi lời nhận xét, cô Phạm Thị Huệ cho biết: Giáo viên quan tâm đến những học sinh có tiến bộ rõ rệt và học sinh còn gặp khó khăn trong quá trình học tập để ghi nhận xét chứ không dàn đều ở tất cả học sinh trong lớp. Từ đó, tháo gỡ được khó khăn về thời gian dành để ghi nhận xét cho học sinh.
Nhận thức của phụ huynh cũng vô cùng quan trọng trong thành công của Thông tư 30. Nhận thức được điều đó, Trường tiểu học Trí Yên trong cuộc họp phụ huynh học sinh đầu năm học đã chú trọng tuyên truyền nội dung này.
Cùng với đó, yêu cầu giáo viên ghi lời nhận xét trong vở của học sinh một cách cụ thể, chi tiết, chỉ rõ kết quả học sinh đã làm được và hạn chế cần khắc phục.
“Chính những nhận xét đó là cầu nối giữa nhà trường và gia đình. Phụ huynh cũng thấy rằng, việc đánh giá thường xuyên bằng nhận xét thể hiện được cái tâm của người thầy và sự quan tâm của giáo viên có tác dụng rõ rệt trong việc giúp đỡ con em họ tiến bộ.
Bên cạnh đó, qua nhận xét hàng ngày của giáo viên, phụ huynh có thể nhìn rõ con mình nắm kiến thức, kĩ năng, thái độ thế nào, từ đó cùng tham gia đánh giá, phối hợp với nhà trường giúp đỡ các em tiến bộ” - cô Phạm Thị Huệ cho hay.