Theo nhiều nghiên cứu về hạt nhân trong vòng 9 tháng qua, hai siêu cường toàn cầu cộng lại đang sở hữu khoảng 89% tổng kho vũ khí hạt nhân của thế giới, và 86% số đầu đạn dự trữ sẵn sàng cho quân đội sử dụng.
Việc Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022, kết hợp với cuộc tấn công ngày 7/10 của Hamas vào Israel dẫn đến biến động bạo lực ở Trung Đông, đã làm trầm trọng thêm căng thẳng toàn cầu và đổi mới sự tập trung vào an ninh và quốc phòng, bao gồm cả kho vũ khí hạt nhân.
Mỹ được đánh giá là ngang hàng với Nga về kho dự trữ hạt nhân, và trong những năm gần đây đã tiếp cận vấn đề này với tinh thần cấp bách hơn nhằm chống lại các mối đe dọa tiềm tàng từ Nga, Trung Quốc và Triều Tiên.
Tuy nhiên, một số nhà phê bình cho rằng, Mỹ chưa nỗ lực đủ trên mặt trận hạt nhân để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh tiềm tàng trong tương lai.
Vào cuối tháng 10/2023, Hạ viện Mỹ đã thực hiện hành động nhằm tăng chi tiêu hạt nhân cho các kho dự trữ hiện tại và tương lai, tăng chi tiêu cho quốc phòng và an ninh năng lượng cũng như làm giàu uranium.
Nghị quyết, được thông qua với số phiếu 210-199, cung cấp khoảng 56,96 tỷ USD chi cho năm tài chính 2024, bao gồm đề xuất tăng chi tiêu quốc phòng 1,11 tỷ USD trong năm tài chính hiện tại.
Nếu được thông qua, nó sẽ bao gồm 19,114 tỷ USD để tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân và cơ sở hạ tầng của quốc gia.
Michael Duitsman, cộng tác viên nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu James Martin cho hay: “Nói chung, hiện tại ngân sách Hoạt động Vũ khí đang tập trung vào việc đảm bảo rằng, Mỹ có khả năng hiện đại hóa và tháo dỡ các đầu đạn hạt nhân hiện có, đồng thời thiết kế và sản xuất các đầu đạn mới khi cần”.
Trong khi đó, nghiên cứu về Không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey, California, cho hay: “Chưa đến một phần ba ngân sách dành cho việc duy trì kho dự trữ hiện tại; phần còn lại dành cho cơ sở hạ tầng và năng lực khoa học, kỹ thuật và công nghiệp”.
Một báo cáo được Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS) công bố vào tháng 3/2023 cho biết, 9 quốc gia sở hữu tổng cộng khoảng 12.500 đầu đạn.
Trong khi hầu hết các quốc gia đều có sẵn vài trăm vũ khí phòng trường hợp an ninh quốc gia bị gián đoạn, thì lượng dự trữ vẫn tiếp tục tăng - thể hiện phần nào sự thay đổi chiến lược, vì tổng lượng vũ khí tồn kho đang giảm nhưng tốc độ giảm hiện nay đã chậm hơn so với 30 năm trước đây.
Việc cắt giảm như vậy cũng đang diễn ra do Mỹ và Nga liên tục tháo dỡ các đầu đạn đã ngừng hoạt động trước đây.
Báo cáo cho biết: “Trái ngược với tổng kho vũ khí hạt nhân, số lượng đầu đạn trong kho dự trữ quân sự toàn cầu - bao gồm các đầu đạn được giao cho lực lượng tác chiến - đang tăng lên một lần nữa.
Mỹ vẫn đang giảm dần kho dự trữ hạt nhân của mình. Pháp và Israel có kho dự trữ tương đối ổn định. Nhưng Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên, Pakistan và Anh, cũng như có thể cả Nga, đều được cho là đang tăng kho dự trữ của họ".
Thống kê do FAS công bố ước tính tổng kho hạt nhân của Nga, bao gồm cả vũ khí dự trữ và loại bỏ là 5.889, trong khi Mỹ có 5.244 đầu đạn.
Quốc gia gần nhất tiếp theo là Trung Quốc với 410, tiếp theo là Pháp (290), Vương quốc Anh (225), Pakistan (170), Ấn Độ (164), Israel (90) và Triều Tiên (30).
Trong lần xuất hiện gần đây tại một triển lãm quốc gia ở Moscow, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev đã ca ngợi những lợi ích an ninh quốc gia trong nhiều thập kỷ tới:
“Năng lực hạt nhân của Nga vượt trội hơn tất cả các quốc gia khác. Lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại vũ khí tên lửa hạt nhân, đất nước chúng ta đang dẫn trước các đối thủ trong lĩnh vực này”.
Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), nơi đã công bố số liệu thống kê phản ánh số liệu của FSA và các tổ chức khác, cho biết trong đánh giá vũ khí hạt nhân hàng năm vào tháng 6/2023 rằng, việc Nga phát động chiến dịch quân sự đã cản trở các nỗ lực quốc tế về ngoại giao hạt nhân.
“Trong thời kỳ căng thẳng địa chính trị và sự ngờ vực cao độ, khi các kênh liên lạc giữa các đối thủ có vũ khí hạt nhân đóng cửa hoặc hầu như không hoạt động, nguy cơ tính toán sai lầm, hiểu lầm hoặc tai nạn là ở mức cao không thể chấp nhận được.
Có một nhu cầu cấp thiết là khôi phục ngoại giao hạt nhân và tăng cường kiểm soát quốc tế đối với vũ khí hạt nhân", Giám đốc SIPRI Dan Smith viết trong báo cáo.