Khi bình luận về đề xuất mở rộng của Ủy ban châu Âu được công bố tại Lisbon hôm 8/11, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết: “Các điều kiện đơn giản là không phù hợp để EU xem xét tư cách thành viên cho Ukraine”.
“Bằng cách thừa nhận Ukraine, EU cũng sẽ gây ra chiến tranh, điều mà rõ ràng là không ai muốn xảy ra.
Việc mở rộng nên nhằm mục đích truyền bá hòa bình chứ không phải mang chiến tranh vào EU.
Sẽ là ‘vô lý’ nếu Brussels đánh giá sự tiến bộ của Ukraine trong việc thực hiện cải cách, pháp quyền hoặc bất kỳ tiêu chí thành viên nào khác trong bối cảnh xung đột”, truyền thông Hungary dẫn lời ông Szijjarto nói.
Ngoại trường Hungary đồng thời lưu ý: “Đúng, đang có chiến tranh ở Ukraine, vì vậy chúng tôi có thể thấy rằng, cả quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận đều không được thực thi, chúng tôi có thể thấy rằng, các cuộc bầu cử cũng không được tổ chức”.
Quan điểm thường trực của Budapest là Ukraine cần khôi phục các quyền của cộng đồng dân tộc thiểu số Hungary ở tỉnh Transcarpathian về mức họ đã có vào năm 2015, trước nỗ lực tước quyền công dân của người dân nói tiếng Nga của Kiev.
“Vì, theo Ủy ban châu Âu (EC), Ukraine không đáp ứng các điều kiện đặt ra để trở thành thành viên, chúng tôi không coi bất kỳ bước tiếp theo nào là kịp thời đối với các cuộc đàm phán gia nhập với Ukraine”, Ngoại trưởng Hungary kết luận.
Theo ông Szijjarto, EU đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về an ninh, kinh tế và ngày càng yếu đi, vì vậy nếu khối này muốn kết nạp thành viên mới như một cách để lấy lại sức mạnh, thì khối này nên hướng tới các nước Tây Balkan - trước hết là Serbia - thay thế.
Những bình luận trên của quan chức hàng đầu Hungary được đưa ra sau khi Chủ tịch EC Ursula von der Leyen hôm 8/11 đã khuyến nghị mở “các cuộc đàm phán gia nhập” với cả Ukraine và Moldova, đồng thời nâng cấp nước cộng hòa Georgia thuộc Liên Xô cũ lên vị thế ứng cử viên chính thức.
Theo báo cáo của EC, các cuộc đàm phán với Ukraine sẽ bắt đầu sau khi Kiev đáp ứng các yêu cầu còn lại liên quan đến cuộc chiến chống tham nhũng, thông qua luật vận động hành lang tuân thủ EU và “tăng cường các biện pháp bảo vệ” cho các dân tộc thiểu số.
EU đã không kết nạp bất kỳ thành viên mới nào kể từ trường hợp Croatia vào năm 2013.
Đầu năm nay, Brussels đã vạch ra một kế hoạch "mơ hồ" mở rộng đến năm 2030, nhằm vào phần còn lại của Nam Tư cũ, Albania, Georgia, Moldova và Ukraine.