Thông gió giúp ngừa nhiễm Covid-19 tại chung cư

GD&TĐ - Ở các khu chung cư nhiều người và thông gió kém, khi có F0, virus SARS-CoV-2 có thể phát ra ngoài không khí qua các hạt li ti. Virus từ đó phát tán theo đường thông gió lên hay xuống tùy theo mùa.

Cư dân tại chung cư cần kết hợp giữ thông thoáng và vệ sinh. Ảnh minh họa.
Cư dân tại chung cư cần kết hợp giữ thông thoáng và vệ sinh. Ảnh minh họa.

Lây nhiễm tại chung cư

PGS.TS Trần Huỳnh - Đại học Y khoa California Northstate (Mỹ) dẫn chứng, tình trạng Covid-19 lây qua đường thông gió từng xảy ra tại Hàn Quốc và Hồng Kông. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, những căn hộ dùng chung hệ thống thông gió có thể dễ lây nhiễm virus Sars-CoV-2. Trong khi đó, Hồng Kông cũng công bố loạt ca nhiễm nghi ngờ lây Covid-19 qua đường thông gió.

“Lưu ý là virus SARS-Cov-2 có kích thước rất nhỏ, bên trong virus là một chuỗi di truyền đơn RNA được đóng gói trong một lớp màng mỡ mỏng. Vì vậy, khi bị phát tán ra ngoài không khí, các virus này thường nằm dưới dạng các hạt li ti. Ở nơi có gió và nắng, các hạt li ti này nhanh chóng tan đi, khiến virus “rã” ra và bất hoạt”, chuyên gia giải thích.

Theo PGS Trần Huỳnh, virus SARS-CoV-2 không phải vật thể sống. Virus cần vật chủ để tồn tại và nhân bản. Vì vậy, ở ngoài đường - nơi không khí thoáng mát, sẽ có ít virus SARS-CoV-2 tồn tại.

“Ở các khu chung cư, nhất là nơi có mật độ nhiều người chung sống và thông gió kém, khi có người nhiễm, virus có thể phát ra ngoài không khí qua các hạt li ti nếu người bệnh hắt hơi, nói chuyện to, hay cười nói. Virus SARS-CoV-2 từ đó phát tán theo đường thông gió lên hay xuống tùy theo mùa, dựa theo nguyên lý Stack”, PGS Huỳnh cho biết.

Cụ thể, hiệu ứng Stack là nguyên lý cơ bản của thông gió tự nhiên dựa vào sự khác biệt về nhiệt độ và áp lực giữa hai nơi. Tùy vào nhiệt độ chênh lệch, không khí sẽ di chuyển theo các hướng khác nhau. PGS Huỳnh nhận định, điều này có thể giải thích nguyên nhân của tình trạng lây nhiễm ngang giữa những căn hộ cùng tầng.

Trước đó, một số chung cư tại TPHCM và Thủ Đức ghi nhận các ca nhiễm cùng toà. Cụ thể, chung cư Vạn Đô (Quận 4, TPHCM) phát hiện nhiều trường hợp dương tính với Covid-19. Đáng lưu ý, những người này sống ở các căn hộ nằm gần nhau, có cửa thông gió cùng hành lang hoặc nằm cùng trục ở trên và dưới.

Trong khi đó, cụm nhà chung cư Tam Phú (TP Thủ Đức) cũng phát hiện nhiều ca dương tính cùng toà, cùng trục đứng. Những căn hộ này cùng lấy gió từ một giếng trời, đặc biệt là quạt thông gió từ các nhà vệ sinh.

“Chìa khoá” ngừa Covid-19

Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo, kết hợp thông gió với các bệnh pháp phòng dịch khác. Tạo ra nhiều lớp để ngăn ngừa bệnh Covid-19. 
Mở thoáng các cửa để lấy không khí sạch. Đồng thời, gắn thêm quạt để thổi không khí. Lưu ý, không mở quạt tốc độ cao, không nhắm quạt vào người hay nhà khác. Nhắm quạt vào các khoảng mở trong nhà. 
Chỉnh sửa và thay thế hệ thống máy lạnh để tối ưu hóa luồng gió, tạo ra sự di chuyển không khí liên tục. Dùng bộ lọc khí và tia UV-C (UVGI) để khử khuẩn bề mặt khi không có nhiều lựa chọn trong thông gió.

“Thông gió đầy đủ là chìa khóa quan trọng trong phòng ngừa dịch bệnh Covid-19.

Các nghiên cứu sau này chỉ ra thông gió đầy đủ là một yếu tố quan trọng để phòng nhiễm virus Sars-CoV-2. Tùy vào vị trí phòng ngủ, căn hộ, hướng gió, thời tiết, mỗi người có thể tìm ra cách tối ưu hóa hệ thống thông gió. Nguyên tắc là tạo ra nguồn không khí di chuyển liên tục, lấy không khí sạch tự nhiên bên ngoài vào và đưa không khí bên trong nhà ra ngoài”, chuyên gia chia sẻ.

Ngoài ra, thông gió tốt cũng giảm các bệnh hô hấp, bệnh mãn tính khác như tim mạch. Đồng thời, cải thiện tinh thần của bệnh nhân. Thông gió tốt cải thiện vệ sinh bề mặt, giảm rủi ro lây nhiễm virus.

Bên cạnh yếu tố thông gió, theo PGS Trần Huỳnh, tình trạng lây nhiễm Covid-19 tại chung cư cũng có thể đến từ các yếu tố khác, như: Tiếp xúc gần, tiếp xúc bề mặt.

Cụ thể, chuyên gia này cho rằng, virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại trên các bề mặt kim loại, giấy, nhựa trong nhiều giờ. Vì vậy, các không gian công cộng trong chung cư, cũng như nắm cửa, hành lang đều có thể là nơi lây nhiễm virus.

Do đó, PGS Huỳnh nhấn mạnh, kết hợp làm thông thoáng và giữ vệ sinh nơi công cộng, khử khuẩn các bề mặt thường tiếp xúc là một bước quan trọng.

“Virus SARS-CoV-2 lây nhiễm dễ hơn ở trong nhà và có thể lây nhiễm ở những nơi đông đúc dùng chung hệ thống thông gió. Thông gió đầy đủ là một biện pháp hiệu quả để giảm lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Làm sạch bề mặt các nơi dễ tiếp xúc là biện pháp cơ bản khác giúp giảm nhiễm bệnh”, chuyên gia khuyến cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.