Lo ngại trên của cư dân vừa được nhóm nhà khoa học của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP Hồ Chí Minh) khẳng định là có cơ sở.
Người dân sống trong chung cư lo lắng
Anh Trần Thái P, sống tại tầng 3 chung cư Vạn Đô, Quận 4, TP Hồ Chí Minh cho biết, cộng đồng cư dân chung cư hết sức lo ngại vì rất có khả năng chủng virus mới lây lan cho cư dân qua hệ thống thông gió của tòa nhà. Ngay khi chung cư ghi nhận các ca nhiễm, tòa nhà và các hộ dân bị phong tỏa theo quy định. Nhưng không hiểu sao chung cư vẫn ghi nhận thêm ca nhiễm mới.
Cụ thể, theo anh P, ngày 2/8, chung cư anh phát hiện 5 trường hợp F0 sống ở hai căn hộ liền kề cùng tầng. Một ngày sau, khi lực lượng y tế test nhanh cho toàn bộ cư dân, nơi đây ghi nhận thêm vài ca dương tính với Covid-19 và nhiều cư dân có triệu chứng bất thường ở 5 tầng khác trong tòa nhà.
“Chúng tôi phản ánh những nghi ngại của mình đến Ban quản trị chung cư và lực lượng y tế thì được tiến hành xét nghiệm cư dân theo trục dọc của tòa nhà có ghi nhận ca F0 để đánh giá mức độ lây nhiễm qua đường thông gió.
Kết quả, ghi nhận thêm 3 ca dương tính và nghi nhiễm được phát hiện ở 3 tầng khác cùng trục căn hộ. Ngay khi phát hiện các ca nhiễm mới, Ban quản trị chung cư đã khuyến cáo cư dân đóng kín cửa chính, cửa thông gió nhà vệ sinh, ô thông gió giao với các khu vực có không gian chung như hành lang” - anh P cho biết.
Sống ở chung cư Vườn Lài, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh, chị Lê Thị Thoa cho biết, chung cư chị ở ban đầu chỉ ghi nhận 33 ca nhiễm. Nhưng thời gian ngắn sau ghi nhận tới 160 ca nhiễm. Sau khi xem sơ đồ các ca nhiễm ghi nhận được công bố tại chung cư, chị phát hiện các căn hộ nằm chồng lên nhau như 121 – 221 - 321 (chung thông gió) đều có người mắc cùng lúc.
“Tầng 1 chỉ còn nhà chị và nhà một người nhạc công đối diện ở bìa không chung giếng trời với ai, lại có cửa sổ đón gió trời nên thoát. Vì vậy, ngay khi nghi ngờ điều trên, tôi đã nói chồng bịt hết cửa ra hành lang lại và hệ thống thông gió nhà vệ sinh nhằm giảm thiểu nguy cơ”, chị Thoa nói.
Hiện, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh chưa đưa ra bất cứ khuyến cáo nào về vấn đề trên với cư dân sống tại các khu chung cư. Tuy nhiên, tại rất nhiều chung cư có ca nhiễm như Lexington (TP Thủ Đức), chung cư Mỹ Phúc, Quận 8, TP Hồ Chí Minh, chung cư Sunview Town, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, chung cư Prosper Plaza, Quận 12… đã có những khuyến cáo người dân nên thận trọng và hạn chế mở các cửa chính.
Thậm chí, Ban quản trị chung cư Lexington còn khuyên các hộ nên mở quạt hút nhà vệ sinh 5 - 10 phút trước khi mở cửa vào để làm loãng không khí, đổ nước vào phễu thoát sàn của ban công, sàn nhà vệ sinh để giảm khí bẩn và mùi cống thoát ra xung quanh.
Virus lây lan cả theo chiều dọc lẫn chiều ngang
Trao đổi về các nghi ngại trên của cư dân sống tại các khu chung cư ở TP Hồ Chí Minh, chuyên gia dịch tễ PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, biến thể Delta có thể lơ lửng trong không khí nhiều giờ và dễ phát tán.
Do đó có khả năng lây lan trong cùng không gian là có thể xảy ra. Với hệ thống thông gió, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nếu các tòa nhà chung cư kín thông gió hoặc không khí thông nhau trực diện giữa các căn hộ sẽ có nguy cơ lây nhiễm, nhưng chỉ ở mức thấp.
Còn theo nghiên cứu vừa công bố của nhóm nghiên cứu Y sinh học GMIF (PGS.TS Trần Văn Hiếu, Nguyễn Lê Duy), Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM) thì virus SARS-CoV-2 có thể lây lan qua cả chiều dọc lẫn chiều ngang các tòa nhà chung cư có hệ thống thông gió kín.
Trong một nghiên cứu khác, nhóm tác giả đã đặt ra một số giả thiết về sự phát tán của mầm bệnh thông qua đường ống thoát chất thải (ảnh 3).
Cụ thể, theo nhóm nghiên cứu, virus trong phân của các bệnh nhân có hai chiều hướng lây lan thông qua các vi giọt (aerosols) khi người khác sử dụng chung phòng vệ sinh với người bệnh, lây thông qua ống xả hơi nối với hệ thống xả chất thải nhà vệ sinh của cùng lô trong cùng tòa nhà.
Các vi giọt sẽ phát tán và phơi nhiễm theo chiều dọc cho người trong chung cư bằng đường hô hấp. Kết quả còn cho thấy, khả năng lây nhiễm thông qua phân đối với dịch bệnh SARS-CoV-2 được dự đoán cao gấp 10 lần so với SARS, nghiên cứu chỉ ra.
Nhằm kiểm chứng vấn đề lây nhiễm giữa các căn hộ trong tòa nhà hay giữa các tòa nhà sử dụng chung hệ thống thông gió, nhóm nghiên cứu đã mô phỏng sự phát tán virus qua đường không khí – ATOR bằng cách sử dụng một máy tạo khói được bố trí để mô phỏng một nguồn phát tán và có các máy đo khối lượng phân tử để xác định khi có các phân tử mục tiêu được tạo ra trong đám khói ngang qua.
Đồng thời cũng tạo một mô hình mô phỏng trên máy tính để đối chiếu với kết quả thực nghiệm này (Phương pháp WINAIR).
Kết quả khi kết hợp hai mô hình mô phỏng với các thông số từ các căn hộ thử nghiệm cho thấy, virus có thể được phát tán theo cả chiều dọc và chiều ngang, thông qua các đường thông gió chung của tòa nhà và dưới sự có mặt của lực nổi/buoyant (hướng lên) và gió (hướng xuống). Ngoài ra, virus có chiều hướng phát tán lên trên khi không sử dụng điều hòa và hướng xuống khi bật điều hòa.
Theo nhóm nghiên cứu, để hạn chế nguy cơ lây nhiễm trên, cư dân chung cư nên đóng và thường xuyên khử khuẩn các cửa sổ, cửa lùa; chặn một chiều ống thông hơi tại các đường ống/hệ thống thông khí chung.
Sử dụng các tấm lọc HEPA hay ULPA trong trường hợp buộc phải sử dụng hệ thống điều hòa/thông hơi (văn phòng, chung cư vào mùa nóng), sử dụng tấm lọc carbon để loại bỏ bớt CO2 trong nhà. Đặc biệt, người dân cần tận dụng tối đa sự lưu thông khí tự nhiên, mở cửa sổ phía ngoài trời nếu có thể và kiểm soát độ ẩm (độ ẩm vào khoảng 40 - 60%).
Bình luận