Thôn Vĩ… ngày nay

GD&TĐ - Bây giờ thì Vĩ Dạ đã bê tông hóa hầu hết nhà cửa, đường làng, ngõ xóm… và quanh năm suốt tháng ồn ào, náo nhiệt với du khách trong và ngoài nước. Những ai ưa hoài cổ có muốn cũng không thể tìm ra tiếng ve kêu mùa hè. Nhà vườn đặc trưng của thôn Vĩ Dạ đã bị chia năm, xẻ bảy để bán còn đâu cho chim chóc bay về?

Ngôi nhà cổ điêu tàn thuộc dinh cơ của cụ Thượng thư Tôn Thất Ngân
Ngôi nhà cổ điêu tàn thuộc dinh cơ của cụ Thượng thư Tôn Thất Ngân

Bâng khuâng làng trong phố

Ai đã từng đọc qua bài “Đây thôn Vĩ Dạ” đều muốn đến thăm thôn Vĩ một lần. Qua cái nhìn độc đáo của Hàn Mặc Tử, thôn Vĩ Dạ trở nên có hồn, đẹp đẽ và nên thơ lạ thường. Từ TP Huế xuống Vĩ Dạ phải đi qua Đập Đá - đập này để ngăn nước mặn (vào mùa hè) từ sông Hương chảy vào sông Như Ý (thuộc làng Thọ Lộc).

Trong sách “Ô Châu cận lục” (xuất bản năm 1555) của Dương Văn An có viết: Thế kỷ XVI, Vĩ Dạ là địa danh Vi Dã đọc trại ra. Về nghĩa, “Vi” là lau lách. “Dã” là cánh đồng. Theo dân Nam tiến, họ Đinh cùng với 6 họ khác là Hồ, Phan, Nguyễn, Trương, Đỗ, Đoàn khai phá cánh đồng lau lách bên bờ Nam sông Hương vuông góc với sông Thọ Lộc, lập nên làng Vi Dã.

Trước 1975, đa số di dân đến Vĩ Dạ có gốc tích từ các huyện Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc.

Về đất Cồn Hến đa số là dân vạn đò. Thời Gia Long thứ nhất gọi là “cồn cạn”. Có nguyên một thôn ở đò gốc dưới Phú Lộc lên lập thành phường “Giang hến”. Cồn Hến chịu sự quản lý của huyện Phú Lộc cho đến hết năm 1945 mới bàn giao cho huyện Phú Vang (cũ). Vĩ Dạ thời đó thuộc sự quản lý của huyện Phú Vang, tên là xã Phú Hương. Cồn Hến gọi là Hương Lưu.

Trước kia, thôn Vĩ bên bờ nam sông Hương dọc theo đường Thuận An (nay đổi thành đường Nguyễn Sinh Cung) san sát các phủ đệ, nhà vườn nên đầy cây cổ thụ râm mát. Phía Đông là những khu vườn rộng lớn trải dài đến cánh đồng Vi Dã, bên kia là Vân Dương, xã Thủy Vân, huyện Hương Thủy. Con đường mang tên nhà thơ Hàn Mạc Tử hôm nay ngày xưa gọi là đường Lò Trâu vì cuối đường đầy rẫy những lò mổ trâu.

Cổng ngõ phủ đệ xuống cấp tiêu điều
 Cổng ngõ phủ đệ xuống cấp tiêu điều

Thôn Vĩ có nhiều nhà rường cổ và phủ đệ của các hoàng tử, công chúa, quan lại thời Nguyễn như phủ Tuy Lý Vương, phủ Tôn Thất Hân, Ưng Bình Thúc Giạ, Dương Phước, biệt thự hai ông “Hoàng” - Vĩnh Cường, Vĩnh Tháp và “Dược sĩ” Phạm Doãn Điềm.

Thôn Vĩ còn là nơi thường trú, tạm trú của nhiều văn, nghệ sĩ nổi tiếng từ cụ Ưng Bình, nữ sĩ Đạm Phương, nhà lý luận Hải Triều, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nữ điêu khắc gia Điềm Phùng Thị… cho đến nhà thơ Tố Hữu, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Hữu Ngọc, Nguyễn Bính, Nguyễn Tuân, Thanh Tịnh, Phùng Quán. Nhà văn hóa Hữu Ngọc kể lại trong hồi ký: “Có một thời gian, tôi và Chế Lan Viên dạy học ở trường Việt Anh (TP Huế). Tôi chưa lập gia đình, nhà trọ ở Đập Đá. Còn anh Viên thuê nhà cùng vợ con ở thôn Vĩ Dạ, không xa nhà tôi lắm. Mỗi lần sang thăm anh, qua tiếng cành lá lao xao trong nhà vườn, tôi tưởng như nghe vẳng tiếng thơ trong trẻo, tươi mát của Hàn Mạc Tử”.

Vườn cau thôn Vĩ xơ xác bên các ngôi nhà “hộp” bê tông
Vườn cau thôn Vĩ xơ xác bên các ngôi nhà “hộp” bê tông

Người mới, nhà mới, phố mới

Phố Hàn Mạc Tử bây giờ được gọi là phố “hến” với các hàng ăn đặc sản Huế, trong đó nhiều nhất là hàng “cơm, mì và bún hến”. Trên thực tế tốc độ tăng trưởng du lịch ở Vĩ Dạ có thể thấy được qua số nhà nghỉ, khách sạn (mini) tăng chóng mặt. Ngôi trường Tiểu học Vĩ Dạ cổ kính mà nhà văn Thanh Tịnh lấy làm bối cảnh trong truyện ngắn “Tôi đi học” đã bị san phẳng, chia lô bán đất nền trên đường Nguyễn Sinh Cung. Theo đó, những ngôi nhà cổ (nhà rường và nhà vườn) mất đi dần dần. Lý do thường là gia chủ không có điều kiện bảo quản, sửa chữa. Họ bán đi để xây nhà mới ba, bốn tầng bê tông cốt thép. Khu đô thị mới Nam Vĩ Dạ ra đời tạo nên một cơn “sốt” đất.

Từ ngày cầu Vĩ Dạ bắc qua sông Như Ý, đường Phạm Văn Đồng (mới) nối thành phố Huế với vùng duyên hải, cho thấy hiệu quả lớn về phát triển dân sinh. Trái lại, đường Nguyễn Sinh Cung (tên cũ là đường Thuận An) - một thời là phố chính của thôn Vĩ nay trở nên nhỏ hẹp. Chợ Vĩ Dạ nằm bên trái con đường cũng chật chội, ẩm thấp và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Chiếc cầu bắc sang Cồn Hến nhỏ hẹp, hai ô tô không thể tránh nhau.

Khách đến thôn Vĩ nhiều, dịch vụ du lịch phát triển cấp số nhân, từ đó nảy sinh vấn nạn buôn bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè. Khu quy hoạch mới Nam Vĩ Dạ thu hút các công ty, xí nghiệp tư nhân. Khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ, nhà thi đấu thể thao, bệnh viện, công sở, phòng khám tư nhân, trường học tư thục… xây dựng tới tấp.

Vĩ Dạ đâu chỉ là một phường trong phố bình thường. Hai tiếng Vĩ Dạ gợi lên biết bao mộng mơ, hoài niệm. Sau một loạt biến động do đô thị hóa, thôn Vĩ khác xưa nhiều, rất nhiều. Cô “thôn nữ” ấy ngày nay đã thành “thị nữ” mất rồi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ