Từ ngôn ngữ văn học đến ngôn ngữ sắc màu – một biện pháp tạo hứng thú học môn Ngữ văn

GD&TĐ - Với những tác phẩm văn học giàu chất hội họa thì việc để học sinh cảm nhận dưới ngôn ngữ của sắc màu cũng là một cách để các em đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn. Hơn nữa, nó còn góp phần kích thích hứng thú học tập và góp phần phát triển một số năng lực của học sinh.

Từ ngôn ngữ văn học đến ngôn ngữ sắc màu – một biện pháp tạo hứng thú học môn Ngữ văn

Văn học là hình thái ý thức xã hội, là một môn nghệ thuật, lấy ngôn từ làm chất liệu để sáng tạo nên tác phẩm. Chính điều đó tạo nên sự đặc biệt của văn học so với các bộ môn nghệ thuật khác như âm nhạc, điêu khắc... Ngôn ngữ văn học có những đặc trưng riêng như tính hình tượng, tính cá thể và tính truyền cảm.

Bởi thế mỗi một tác phẩm văn học là một bức tranh sống động về hiện thực đời sống và thế giới tâm hồn của con người. Và từ bao thế kỉ nay, văn học nói chung và bộ môn Ngữ văn trong nhà trường nói riêng đã xác lập được vị trí quan trọng trong việc góp phần hình thành nhân sinh quan, thế giới quan cũng như nuôi dưỡng thế giới tâm hồn con người.

Nhưng, trong nhà trường phổ thông hiện nay do tác động của đời sống xã hội nên môn Ngữ văn nói riêng, các môn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nói chung thực sự đang ngày càng mất đi “chỗ đứng” của mình. Không những các em học sinh không chọn con đường văn chương sau khi rời ghế nhà trường mà điều đáng buồn hơn là nhiều học sinh không mặn mà, không có hứng thú học Văn. Điều đó khiến những giáo viên giảng dạy bộ môn Ngữ văn thực sự buồn lòng, trăn trở và đang cố gắng thay đổi phương pháp giảng dạy để thích ứng trong tình hình mới.

Thực tế nhiều thầy cô đang nỗ lực vận dụng các phương pháp giảng dạy tích cực để kích thích niềm hứng khởi cho học trò. Một biện pháp mà chúng tôi tiến hành và thấy thực sự có hiệu quả là cho học sinh tái hiện một số tác phẩm văn chương dưới hình thức tranh vẽ.

Với việc giao cho học sinh thực hiện chuyển thể tác phẩm thành một số bức tranh chúng tôi nhận thấy nó đã phát huy hiệu quả một cách tích cực. Điều mà chúng tôi dễ nhận thấy nhất là nó làm cho không khí lớp học sôi nổi, các em học sinh thấy tự tin khi thể hiện được năng lực ( năng lực thẩm mỹ, hội họa, thuyết trình) đồng thời tăng cường sự đoàn kết của các thành viên trong tổ nhóm, trong lớp. Bên cạnh đó giúp các em học sinh cảm nhận được tác phẩm ở chiều sâu.

Bởi muốn vẽ được những bức tranh sống động buộc các em học sinh phải đọc kĩ tác phẩm, suy nghĩ, cảm nhận để sau đó mới thể hiện bằng các nét vẽ.

Chẳng hạn với tái hiện “cảnh chờ tàu” của chị em Liên trong Hai đứa trẻ sẽ giúp các em thấu cảm được nỗi chờ mong đến khắc khoải của những đứa trẻ về một niềm vui đến từ một thế giớ khác.

Hay với bức tranh tái hiện cảnh núi đồi trập trùng cùng bước chân hành quân của những người lính trong Tây Tiến các em sẽ cảm nhận rõ hơn sự hùng vĩ, dữ dội của núi rừng Tây Bắc cũng như sự anh dũng, can trường, hào hoa của đoàn binh Tây Tiến... Hay nói một cách khác, hình thức này giúp cho các em cảm thấy thích thú hơn khi đến với các giờ Văn.

Làm thế nào để biện pháp này có thể phát huy hiệu quả khi mà chất liệu tạo nên tác phẩm hội họa (màu sắc) và tác phẩm văn học (ngôn từ) là hoàn toàn khác nhau?

Trước hết, theo chúng tôi nghĩ là việc lựa chọn tác phẩm để yêu cầu học sinh thể hiện. Chúng ta đều biết văn học là nghệ thuật của ngôn từ, nhưng hệ thống ngôn từ đó thường rất giàu hình ảnh và mang tính hình tượng rất cao. Vì thế, trong các tác phẩm được chọn để giảng dạy trong chương trình Ngữ Văn hiện nay có nhiều tác phẩm đậm đặc chât hội họa.

Ta có thể điểm ra đây một số tác phẩm như: Tấm Cám, Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thủy, Hai đứa trẻ, Chữ người tử tù, Chí Phèo, Đây thôn Vĩ Dạ, Tây Tiến, Việt Bắc, Người lái đò sông Đà, Vợ chồng A Phủ, Vợ nhặt, Rừng xà nu ... Những tác phẩm ấy trải đều ở cả 3 khối lớp nên việc để học sinh trải nghiệm việc vẽ tranh cũng tương đối thuận lợi.

Tất nhiên, có những tác phẩm chúng tôi yêu cầu học sinh tái hiện toàn bộ những nhiều khi chúng tôi chỉ chọn điểm nhấn như “cảnh cho chữ” trong Chữ người tử tù, hình ảnh “mười ngón tay bị đốt của Tnu” trong Rừng xà nu hay “bức tranh tứ bình” trong Việt Bắc.

Thứ hai, đó là việc yêu cầu học sinh thực hiện nhiệm vụ. Muốn học sinh tương tác tích cực với giáo viên trong việc thực hiện nhiệm vụ thì trước hết giáo viên phải tìm hiểu tình hình của lớp xem có học sinh có năng khiếu vẽ hay không cũng như suy nghĩ của các em về nhiệm vụ mà giáo viên đặt ra.

Sau khi đã tìm hiểu xong thì giáo viên chia lớp thành các nhóm với những nhiệm vụ khác nhau, cùng với đó là thời gian để thực hiện. Có lúc là làm ở nhà 3 - 4 ngày, có lúc là mấy phút phác họa tại lớp. Cũng có thể giao cùng một nhiệm cụ ở những lớp dạy khác nhau để có thể thấy được sự cảm nhận đa dạng cũng như góp phần đánh thức năng ực hội họa ở học sinh.

Thứ ba, giáo viên cần chú ý thời điểm để học sinh giới thiệu về tranh vẽ và cách các em giới thiệu. Thông thường có thể giới thiệu trước, trong hoặc sau khi đọc hiểu tác phẩm, điều này hoàn toàn tùy thuộc vào cách thức tổ chức các hoạt động của người giáo viên.

Bên cạnh đó cũng cần chú ý đến việc thuyết trình tranh vẽ của các em. Các nhóm đã vẽ tranh sẽ cử đại diện lên thuyết trình về bức tranh của mình trước lớp. Các bạn ở các nhóm khác xem tranh, cảm nhận và đưa ra những nhận xét. Đó chính là lúc học sinh cảm thấy thực sự thích thú.

Tuy nhiên, dù phương pháp, biện pháp dạy học có tích cực như thế nào đi chăng nữa cũng sẽ không phát huy tác dụng nếu người giáo viên không lưu ý đến những điều cần tránh. Với biện pháp đã nói ở trên, giáo viên cần biết lựa chọn tác phẩm để chuyển thể. Bởi so với ngôn ngữ văn học thì ngôn ngữ hội họa sẽ bị tiết giảm đi rất nhiều. Không cẩn thận sẽ làm giảm đi khả năng cảm thụ, liê tưởng, tưởng, tưởng tượng của học sinh.

Đồng thời cũng cần chú ý là không phải lớp nào cũng giao nhiệm vụ. Nó phải tùy thuộc vào năng khiếu, hứng thú và thái độ học tập của học sinh. Cuối cùng đó là tình cảm, thái độ của giáo viên với những bức họa của học sinh. Người giáo viên cần phải luôn luôn động viên, khích lệ bằng nhiều hình thức khác nhau. Có như thế học sinh mới tiếp tục được nuôi cảm hứng đối với môn học của mình.

Tóm lại, đi từ ngôn ngữ văn chương sang ngôn ngữ sắc màu là một biện pháp kích thích hứng thú học tập của học sinh đồng thời góp phần tạo nên hình thức sống mới cho tác phẩm.

Nếu giáo viên vận dụng khéo léo, phù hợp thì nó có thể phát huy được năng lực có tính đặc thù của bộ môn Ngữ văn là năng lực thẩm mĩ và năng lực giao tiếp bên cạnh các năng lực khác của học sinh. Đồng thời giúp học sinh có cơ hội rèn luyện kĩ năng sống tương đối tích cực. Đó chẳng phải là điều mà mỗi người giáo viên đều mong mỏi hay sao?

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ