Dạy tích hợp môn Ngữ văn – chìa khóa của đổi mới sáng tạo

GD&TĐ - Cái tâm và cái tầm của người thầy lúc nào cũng cần có nhất là đối với môn Ngữ văn - môn học giáo dục về đạo đời, về lẽ làm người. Thiết nghĩ, chúng ta dạy học đừng quá cứng nhắc nơi sách vở mà hãy đưa văn chương đến gần cuộc sống hơn. Các em sẽ hiểu, sẽ thấu, sẽ thấm bài học hơn.

Dạy tích hợp môn Ngữ văn – chìa khóa của đổi mới sáng tạo

Những tình huống dở khóc dở cười

Nhiều lúc tôi sửng sốt và thực sự đắng đót lòng vì câu trả lời của học sinh. Hôm đó là giờ thi thực hành giáo viên giỏi trường tiết đầu tiên. Tôi dạy ở lớp 10 C1, tôi hỏi: “Em có cảm nhận gì về câu thơ “Rồi hóng mát thưở ngày trường” trong bài “Cảnh ngày hè” của Nguyễn Trãi? Học sinh trả lời một cách hồn nhiên: “Thưa cô, ở đây Nguyễn Trãi đang ung dung hóng mát ở ngôi trường cả ngày”.

Tôi ngớ người nhưng cũng kịp xử lý tình huống oái oăm: “Em cần lưu ý từ “trường” ở đây là từ Hán Việt, nghĩa là “dài”, chứ không phải là ngôi trường như em hiểu”.

Có lúc đang dạy về “Ngôn ngữ chung và lời nói cá nhân” đến đoạn lấy ví dụ về sự sáng tạo của lời nói cá nhân trong bài thơ Thương vợ của Tú Xương có em cứ khăng khăng “Lặn lội thân cò khi quãng vắng”, tác giả đã sáng tạo đó là dùng từ lặn lội thay cho từ “bơi” mà ta dùng hằng ngày.

Có lúc gọi học sinh lên tóm tắt truyện “Vợ nhặt” của Kim Lân, có em nói một cách trơn tru: “A Phủ đã nhặt được cô vợ để đưa về Phiềng Sa”. Tai hại biết chừng nào khi các em “lấy râu ông nọ chắp cằm bà kia” như thế. Đó là chưa kể việc nhầm năm sinh năm mất của tác giả, việc nhầm tên tác phẩm của tác giả này với tên tác phẩm của tác giả kia là thường xuyên và phổ biến.

Giáo viên dạy Ngữ văn nhiều lúc bị đặt vào những tình huống dở khóc dở cười như thế. Không ngờ có lúc văn chương chữ nghĩa lại rơi vào cảnh “Chuyện đâu có chuyện lạ đời” thế kia!

Vì sao lại có tình trạng trên?

Do có một bộ phận học sinh chểnh mảng, không chú trọng đến văn chương! Học sinh chỉ thích chơi bi a, điện tử là cứ mê muội. Chữ trong văn chương không học mà nghĩa cũng chẳng thiết.

Nói cho công bằng để tạo nên nghịch cảnh trên một phần cũng là do giáo viên. Người giáo viên dạy văn cũng phải nhìn nhận lại bản thân mình đã đưa hết chữ, hết nghĩa, hết tấm lòng đến với học sinh hay chưa?

Thiết nghĩ, chúng ta dạy học đừng quá cứng nhắc nơi sách vở mà hãy đưa văn chương đến gần cuộc sống hơn. Giáo viên nên gợi dẫn cho học sinh thâm nhập, say mê tìm hiểu, khám phá thế giới văn chương bằng nhiều cách. Có thể bằng cách kể các câu chuyện liên quan đến văn chương một cách sinh động, gần gũi: chuyện về các tác giả, về độc giả, về hoàn cảnh ra đời của một tác phẩm nào đó như khi dạy về tác giả Nguyễn Trãi, Nam Cao, Nguyễn Đình Chiểu, Tố Hữu;… kể về hoàn cảnh sáng tác bài “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử, Tràng giang của Huy Cận;… hoặc các bài thơ, câu chuyện liên quan đến nội dung bài học như các bài thơ viết về cô Tấm, về Mị Châu- Trọng Thuỷ, về Nàng Kiều, nàng Vân,…

Có thể bằng cách sơ đồ hoá nội dung bài học với một loạt các kiểu loại sơ đồ tư duy: hình năm cánh hoa, hình thân cây, hình ngôi sao,… Có thể bằng cách chiếu những tư liệu liên quan đến nội dung bài học như chiếu về lễ hội Cổ Loa khi dạy Truyện An Dương Vương và Mị Châu Trọng Thuỷ, chiếu các bài báo mới đăng để học sinh nhận xét về đặc điểm các loại bản tin khi dạy bài Bản tin, chiếu các đoạn quảng cáo khi học bài viết quảng cáo, chiếu các bài hát đối đáp giao duyên khi dạy bài “Ca dao yêu thương và tình nghĩa”…

Đa dạng hóa hoạt động dạy học

Song hành với việc đa dạng hoá hoạt động dạy học trên, chúng ta còn phải thay đổi triệt để phương cách hoạt động dạy học. Điều này, các nhà giáo dục đã và đang dành nhiều sự quan tâm.

Từ trước đến nay, giáo viên thường là người làm chủ sân khấu kiến thức văn học. Chúng ta hãy đổi vai, chỉ làm người chỉ dẫn, cố vấn, định hướng, tổ chức các hoạt động chiếm lĩnh tri thức của các em học sinh. Để làm được điều đó, giáo viên phải năng động, sáng tạo, linh hoạt trong việc định hướng, khuyến khích cho các em hoạt động trước ở nhà rồi đến lớp tổ chức để các em thực hiện hầu hết các hoạt động trong một giờ học, tiết học là tốt nhất.

Chẳng hạn, giáo viên để cho học sinh tự trình bày cảm nhận, suy nghĩ của cá nhân về một vấn đề nào đó, tự tóm tắt tác phẩm, tự kể những mẩu chuyện văn chương, tin tức liên quan đến một khía cạnh nào đó của tác phẩm hay tự đọc những bài thơ bản thân sưu tầm được liên quan đến bài học,…

Thậm chí, giáo viên còn khuyến khích học sinh dẫn dắt, giới thiệu bài học (phần mà lâu nay giáo viên thường là người đảm nhận), cho học sinh tự đánh giá câu trả lời, kết quả làm việc của bản thân hoặc của nhóm mình hoặc của các nhóm khác, của các bạn khác. Học sinh sẽ tìm mọi cách để tìm tòi, thu nhận, xử lý kiến thức không chỉ ở trong sách giáo khoa mà còn ở trong các sách tham khảo, báo chí, truyền hình, đài phát thanh hoặc trên internet,…

Khi các em trở thành chủ thể trung tâm của mọi hoạt động dạy học, các em được lôi cuốn vào guồng học tập thì bản thân các em sẽ chiếm lĩnh được các tri thức một cách chủ động, nhanh nhạy và hiệu quả nhất.

Dạy tích hợp trong văn chương

Khi dạy Ngữ văn, một nguyên tắc cơ bản cũng hết sức quan trọng là chú ý tính tích hợp ngay trong môn học hoặc với những môn khác. Chẳng hạn khi tìm hiểu về tác giả Nam Cao ở chương trình Ngữ Văn 11, liên hệ đến tác phẩm đã được học trước đó như truyện “Lão Hạc” ở chương trình Ngữ văn lớp 8. Khi dạy “Chuyện Chức Phán sự đền Tản Viên” của Nguyễn Dữ ở chương trình Ngữ văn 10 liên hệ đến “Chuyện người con gái Nam Xương” ở chương trình Ngữ văn lớp 9.

Khi dạy những tác phẩm văn học cách mạng có thể liên hệ đến tri thức lịch sử nước nhà trong từng giai đoạn cụ thể. Khi dạy những tác phẩm văn học chữ Hán, cho học sinh liên hệ đến vốn từ Hán Việt hoặc khi dạy tác phẩm truyện tích hợp ngay đến bài Tóm tắt văn bản tự sự và ngược lại. Khi dạy bài Trình bày một vấn đề ở chương trình Ngữ văn lớp 10, tích hợp với những kiến thức về thơ Đường, thơ Hai cư trước đó với câu hỏi: Trình bày hiểu biết của em về thơ Đường hoặc thơ Hai cư?

Khi dạy bài Tiểu sử tóm tắt ở chương trình Ngữ văn lớp 11 liên hệ cho học sinh tới hàng loạt các bài tiểu sử về các tác giả vừa học trước đó như: Phan Bội Châu, Tản Đà, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Anh Thơ, Hàn Mặc Tử,…

Khi học về Đây thôn Vĩ Dạ, có thể tích hợp với kiến thức Địa lý bằng câu hỏi: Em biết được những thông tin gì nổi bật về vùng quê Vĩ Dạ ở tỉnh Thừa Thiên Huế? Chính nhờ tích hợp nhiều kiểu, nhiều hướng như vậy mà học sinh có được cách học văn, cách tư duy tích cực, năng động, linh hoạt, đa chiều.

Thiết nghĩ môn Ngữ văn không chỉ dạy được “chữ”, dạy được “nghĩa” mà còn dạy được cách thức tư duy, cách thức hoạt động, làm việc,… Từ đó, người học văn không chỉ có kiến thức phong phú, tâm hồn cao đẹp mà còn có khả năng ứng biến nhanh và có kỹ năng sống tốt trong cuộc đời. Đó là công việc phức tạp, thường xuyên, lâu dài của người dạy bộ môn Ngữ Văn nói riêng và những người làm công tác giáo dục nói chung.

Theo Tiếng nói giáo viên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mùa hoa cải thường rơi vào khoảng giữa tháng 11 đến tháng 12…

Rực rỡ hoa cải vàng khoe sắc bên sông

GD&TĐ - Mùa này, những cánh đồng cải vàng ven dòng sông Đuống, ở các thôn: Chi Đông, Chi Nam, Gia Lâm (xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội), đang bung nở rực rỡ.